Tình gốm Nam Bộ

Kỳ cuối: Khát vọng "hồi sinh" gốm Nam Bộ

Cập nhật, 11:18, Thứ Ba, 07/03/2023 (GMT+7)

TIN LIÊN QUAN

Góc nhỏ trưng bày gốm Lái Thiêu tại Triển lãm Gốm cổ Nam Bộ 2022 đã tạo thêm cơ hội để anh Huỳnh Xuân Huỳnh (bìa trái) giới thiệu sản phẩm và học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu.
Góc nhỏ trưng bày gốm Lái Thiêu tại Triển lãm Gốm cổ Nam Bộ 2022 đã tạo thêm cơ hội để anh Huỳnh Xuân Huỳnh (bìa trái) giới thiệu sản phẩm và học hỏi nhiều kinh nghiệm quý báu.

(VLO) Sự gắn kết hữu duyên giữa những tâm hồn đồng điệu đã giúp cho anh Huỳnh Xuân Huỳnh, Mai Thanh Xin gặp gỡ, kết hợp với những nghệ nhân chế tác gốm truyền thống thực hiện khát vọng “hồi sinh” gốm Nam Bộ.

Mê gốm...

Là người con của quê hương Hòn Đất (Kiên Giang), từ nhỏ anh Huỳnh Xuân Huỳnh - sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, đã quen thuộc với những vật dụng trong gia đình là các sản phẩm của gốm Lái Thiêu như: tô, chén, dĩa, hay lu, khạp để chứa nước mưa.

Đến khi lên ĐH, vì muốn tìm lại thời vàng son của một dòng sản phẩm gắn liền với đời sống, sinh hoạt và góp phần làm nên văn hóa của cư dân Nam Bộ mà Huỳnh đã “đi tìm những lò gốm Lái Thiêu còn nung bằng lò củi”.

“Mất hơn một tháng tìm chưa tới 10 lò, nhưng từ năm 2018 tới giờ đã có thêm 3 lò ngưng hoạt động”, anh Huỳnh bộc bạch.

Không dừng lại ở đó, Huỳnh thường xuyên qua Bình Dương để xin vào lò gốm Lái Thiêu làm thợ. Chuyện xin làm thợ cũng không phải dễ vì mấy năm trước, các lò gốm ở Lái Thiêu tập trung sản xuất chén dùng để hứng mủ cao su, ít sản xuất hàng gia dụng như thời trước đó.

Rồi một ngày, duyên với gốm cũng đến khi Huỳnh được chủ lò Vương Xuân, ở thị trấn Lái Thiêu đồng ý cho làm việc.

Thế mạnh của gốm Lái Thiêu là vẽ men màu trên phôi, sau đó nung để men biến màu như mong muốn, thành sản phẩm thông dụng.
Thế mạnh của gốm Lái Thiêu là vẽ men màu trên phôi, sau đó nung để men biến màu như mong muốn, thành sản phẩm thông dụng.

Sau thời gian mày mò học việc, với niềm đam mê, Huỳnh tìm và phục hồi lại nhiều hoa văn trên những sản phẩm gốm Lái Thiêu được sản xuất nhiều năm trước.

“Lúc tôi đi làm gốm thì hoa văn không còn nhiều. Lúc đó tôi đi tìm những người thợ vẽ xưa để hỏi thì đa phần người biết nhiều hoa văn đã già yếu.

Lúc đó tôi đi sưu tầm, đi xin những đồ xưa ở quê, rồi mua cổ vật về nghiên cứu hoa văn để phục hồi lại dần dần”, Huỳnh nhớ lại.

Trong không gian bình yên, có nét trầm mặc của những lò gốm, cơn mưa lất phất ngày đầu năm như làm tăng thêm vẻ thi vị, cảm hứng sáng tác.

Huỳnh cùng nhóm bạn trong Nắng Ceramic tỉ mỉ tạo tác, phác nên những nét họa mang hơi thở tươi mới song vẫn giữ nguyên giá trị vốn có của một dòng sản phẩm được thử thách qua thời gian.

“Những vụ mùa, mùa nước nổi, mùa hè, mùa mưa,… đều là nguồn cảm hứng bất tận để nhóm sáng tác. Tôi cũng như các thành viên của Nắng Ceramic rất muốn mang những vẻ đẹp truyền thống ấy vào nhịp sống hiện đại.

Bên cạnh, cũng triển khai thêm những hoa văn, họa tiết mới và phom dáng phù hợp hơn với điều kiện hiện nay”, Huỳnh cho biết.

Xem video.

Hiện các sản phẩm gia dụng: chén, muỗng, tô, dĩa, bình hoa,… gốm Lái Thiêu của Nắng Ceramic đang lấy được cảm tình của rất nhiều khách hàng trong và ngoài nước.

Để sản phẩm được tiếp cận với nhiều thị phần khách hàng, Nắng Ceramic không chỉ bán hàng trực tiếp tại cửa hàng được đặt tại TP Hồ Chí Minh, các bạn còn thành lập hẳn một trang mạng xã hội được đầu tư kỹ lưỡng về nội dung và hình ảnh để giới thiệu chi tiết, cặn kẽ về gốm Lái Thiêu với mong ước lan tỏa những giá trị tốt đẹp được chất chứa trong từng sản phẩm gốm, từng đồng hành với bữa cơm Việt ở khắp Nam Kỳ lục tỉnh thuở nào.

Khát vọng “hồi sinh”…

Năm 1923, được xem là mốc lịch sử làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa khi bà Balick- Trưởng Ban Gốm Trường dạy nghề Biên Hòa cùng cộng sự người Việt tạo ra men ta (men làm từ tro), men đá đỏ (men làm từ đá ong Biên Hòa) và đặc biệt là men xanh đồng (Vert de Bien Hoa).

Khoảng thời gian từ năm 1925 đến những năm 1950 đánh dấu thời kỳ hưng thịnh của dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa.

Là dòng gốm mỹ nghệ nên hoa văn trên gốm Biên Hòa thường là những điển tích, những câu chuyện xưa mang giá trị giáo dục.

Qua thời gian, do nhiều nguyên nhân nên gốm Biên Hòa đã dần mai một. Những năm gần đây, để khôi phục lại dòng gốm từng gắn bó với người dân Nam Bộ, nên anh Mai Thanh Xin- Giám đốc Công ty Gốm Biên Hòa (Đồng Nai) kết hợp với anh Nguyễn Văn Cường- là họa sĩ chuyên vẽ trên gốm, mở công ty sản xuất gốm mang thương hiệu Biên Hòa.

Để có được những sản phẩm mang hồn cốt của gốm Biên Hòa xưa, hai anh đã bỏ công tìm lại những người thợ lành nghề mời về xưởng chế tác.

Chọn hoa văn thuần Việt anh Cường và anh Xin đã mở ra lối đi riêng và tạo dấu ấn đặc biệt cho các sản phẩm gốm Biên Hòa do các anh sản xuất.
Chọn hoa văn thuần Việt anh Cường và anh Xin đã mở ra lối đi riêng và tạo dấu ấn đặc biệt cho các sản phẩm gốm Biên Hòa do các anh sản xuất.

Theo họa sĩ Nguyễn Văn Cường, sản phẩm gốm sứ đạt chất lượng phải tuân thủ các quy tắc: “Nhất dáng, nhì xương, tam men, tứ trí”.

Như vậy, nghệ thuật tạo dáng sản phẩm là yếu tố hàng đầu trong nghệ thuật tạo hình gốm. Cùng với phương pháp khắc chìm và phối màu men đã tạo nên sự hấp dẫn kỳ lạ, độc đáo cho gốm Biên Hòa.

“Việc tìm kiếm những nghệ nhân từ các làng gốm Tân Vạn, Tân Hạnh, Hóa An… và những người thợ có kinh nghiệm chấm men đã khiến chúng tôi mất rất nhiều tâm sức”, anh Cường thổ lộ.

Hơn 40 năm làm nghề “vẽ hình” cho đất, chú Lý Văn Hảo (phường Hóa An, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) luôn thầm cảm ơn vì nghề đã chọn chú và cho chú được gặp, đồng hành cùng Công ty Gốm Biên Hòa, để “một lần nữa được thấy gốm Biên Hòa hồi sinh”.

“Cha tôi làm nghề rồi dạy cho tất cả anh em, duy chỉ có tôi là làm được nghề. Đó là cái duyên nhắc nhớ mình tận tâm với nghề.

Nghệ thuật tạo hình xoay tay và khắc chủng, chấm men mang đặc trưng riêng cho dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa.
Nghệ thuật tạo hình xoay tay và khắc chủng, chấm men mang đặc trưng riêng cho dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa.

Có những hôm tôi nhận được đơn hàng theo yêu cầu của khách, tôi trằn trọc cả đêm suy nghĩ làm sao để thao tác nhanh, sản phẩm đạt độ cân đối, chỉn chu nhất”, đôi tay khéo léo tạo tác bên bàn xoay, chiếc bình hút lọc đã nên dáng hình thật diệu kỳ và giọng nói thân tình từ nghệ nhân ở tuổi 60 này đã truyền thêm “lửa” cho những người trẻ yêu gốm.

Hiện sản phẩm gốm Biên Hòa đã tạo được dấu ấn với người tiêu dùng. Nhưng để phát triển bền vững, hai anh đã chọn một hướng đi riêng, đó là nâng cao chất lượng sản phẩm và chọn hoa văn, câu chuyện kể trên gốm đều mang yếu tố thuần Việt.

Anh Mai Thanh Xin bộc bạch: “Nếu bây giờ mình đi theo hướng làm các tích của người nước ngoài thì những sản phẩm gốm của mình sẽ bị lai tạp, và thậm chí người ta còn không nhận diện được đó là gốm Biên Hòa. Nên Công ty Gốm Biên Hòa muốn tất cả những sản phẩm hoa văn trên bình đều là thuần Việt”.

Tranh Đông Hồ và Bách Hoa là chủ đề chính của dòng gốm Biên Hòa hiện đại mà nhóm anh Xin, anh Cường đang phát triển.

Lấy cảm hứng từ những câu chuyện mang hồn Việt, hai anh muốn giới thiệu với mọi người về văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đầu tư cho chất lượng sản phẩm, anh Xin cũng không ngừng tìm kiếm khách hàng, mở rộng các kênh phân phối trên 7 tỉnh, thành trong nước. Hiện mỗi tháng cơ sở cho ra đời khoảng 200 sản phẩm, chủ yếu là các đơn hàng quà tặng, trang trí nội thất: như đĩa, bình hoa, chân đèn,…

“Hồi sinh” gốm là khát vọng của những người đã trót kết duyên với gốm. Bởi với họ gốm không chỉ là những vật dụng, sản phẩm trang trí mà gốm còn mang cả diễn trình lịch sử vùng đất Nam Bộ, mỗi sản phẩm đều mang đậm nét văn hóa của người Nam Bộ.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

Tags: gốm Biên HòaDấu ấn
Các tin khác: