Tình gốm Nam Bộ

Cập nhật, 08:39, Thứ Bảy, 04/03/2023 (GMT+7)

Trong quá trình khai phá, lập làng trên vùng đất mới Nam Bộ, cư dân đã mang đến nơi đây một nghề độc đáo- đó là nghề gốm. Trải qua không ít thăng trầm, nhưng nghề này vẫn đủ sức tạo nên nét đặc trưng riêng và phát triển cực thịnh vào giữa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, trong đó tiêu biểu phải kể đến gốm Cây Mai (Sài Gòn), gốm Biên Hòa (Đồng Nai), Lái Thiêu (Bình Dương).

Trong dòng chảy nhịp sống hiện đại, bằng một sự hữu duyên nào đó, những người thợ làm gốm truyền thống lại kết hợp với những người trẻ đam mê để cùng nhau chế tác, tái hiện lại các dòng gốm giản dị thanh tao, mang trên mình vẻ đẹp đậm chất dân gian Nam Bộ với một thứ tình đặc biệt- tình người với gốm!

Kỳ 1: Dòng gốm mang cốt cách người Nam Bộ

Cuộc gặp gỡ giữa những tâm hồn đồng điệu trong Triển lãm Gốm cổ Nam Bộ 2022 tại tỉnh Bình Dương đã góp phần “Tôn vinh Di sản nghề gốm”.
Cuộc gặp gỡ giữa những tâm hồn đồng điệu trong Triển lãm Gốm cổ Nam Bộ 2022 tại tỉnh Bình Dương đã góp phần “Tôn vinh Di sản nghề gốm”.

“Đất là cha sinh ra hình hài, lửa là mẹ sinh ra thần thái”! Từ đất, những người thợ tài hoa cùng rung động chân thành đã giúp đất kể nên những câu chuyện mang đậm cốt cách người dân Nam Bộ bằng gốm…

Gốm Nam Bộ bình dị như con người nơi đây

Đất là thành phần chính làm nên sản phẩm gốm. Đất được xử lý qua nhiều công đoạn thành chất liệu có độ tinh khiết, để từ đó người thợ làm nên những sản phẩm gốm mang tính đặc trưng.

Theo nhà sưu tầm gốm Nam Bộ- Bùi Quang Tùng: “Người ta trộn rất nhiều thứ đất để làm ra một sản phẩm gốm, có đất đỏ, cao lanh, đất đen. Những người thợ rất tâm huyết, người ta đưa hết tâm tư tình cảm vào trong sản phẩm để vẽ ra một hình hài rất có hồn”.

Còn theo TS Nguyễn Thị Hậu- Phó Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, người có nhiều kinh nghiệm nghiên cứu về các dòng gốm Nam Bộ thì “khái niệm gốm Nam Bộ” mới xuất hiện thời gian gần đây, và xuất phát từ những cuộc triển lãm của những nhà sưu tập gốm Nam Bộ. Định danh gốm Nam Bộ mang hàm nghĩa là những loại gốm được sản xuất từ vùng đất Nam Bộ, và đó là tên gọi khá phổ thông và dân gian.

Đất nào gốm đó! Con người, phong thổ, cá tính Nam Bộ đã làm nên gốm Nam Bộ, hồn hậu, bình dị, nhưng thắm tình, hữu dụng. “Gốm Nam Bộ phản ảnh những câu chuyện rất đời thường. Đặc biệt dòng gốm dùng trong gia đình thì hoàn toàn là những cảnh vật, hình ảnh gần gũi với đời thường như: bông hoa, bụi chuối, lu nước hay ghe thuyền, dòng sông…

Có lẽ chính những điều này cũng là điểm mấu chốt để các nhà sưu tập ngày nay tìm kiếm, sưu tập lại. Người chơi gốm Nam Bộ là chơi với cái tình, cái phóng khoáng của đất qua thời gian, chơi với kỷ niệm và lịch sử”, TS Nguyễn Thị Hậu cho biết.

Khi cảm xúc thăng hoa người thợ gốm lại cho ra những “độc bản” gốm đậm tình.
Khi cảm xúc thăng hoa người thợ gốm lại cho ra những “độc bản” gốm đậm tình.

Nhìn lại chặng đường hình thành và phát triển của gốm Nam Bộ, mặc dù chịu ảnh hưởng rất nhiều từ nghệ thuật gốm của người Hoa ở Nam Bộ và người Pháp, song nhiều thợ gốm vốn yêu văn hóa Việt và ý thức dân tộc nên những câu chuyện được kể trên gốm Nam Bộ mà đặc biệt là gốm Biên Hòa yếu tố văn hóa Việt chiếm ưu thế.

Anh Mai Thanh Xin- Giám đốc Công ty Gốm Biên Hòa (Đồng Nai) cũng cho biết: “Tất cả những sản phẩm hoa văn họa tiết đều là thuần Việt. Từ tứ quý, bình bốn mùa, hay chợ quê, chợ Tết, hay tranh Đông Hồ đều chuyển thể vào gốm”. Và anh cũng khẳng định đây là điều anh hướng đến trên dòng gốm Biên Hòa của công ty mình.

“Vẽ tình lên gốm”

Đặc trưng cơ bản về kỹ thuật của gốm Lái Thiêu là vẽ thủ công. Do đó, người thợ cũng giống như họa sĩ. Và mỗi sản phẩm đều độc bản. Người ta tìm đến với gốm, ngoài giá trị phục vụ cho đời sống sinh hoạt hàng ngày, rất nhiều sản phẩm gốm in đậm dấu ấn cảm xúc của người thợ vẽ.

Trong giây phút thăng hoa cảm xúc, những hoa văn, họa tiết bình thường được thổi vào đó những thông điệp rất ngọt ngào mà chúng tôi gọi là “vẽ tình lên gốm”.

“Vẽ hoa văn hình con bướm mang ý chúc người lớn tuổi sống thọ, hay hoa văn tảo ngư- vẽ con cá với bụi rong thì đọc là tảo dư, tức mong muốn cuộc sống vui vẻ sung túc. Hoa văn gần gũi hơn như con cá rô phi hay con gà. Vì gốm Lái Thiêu là dòng đồ bình dân, nên không đơn giản chỉ vẽ ra cái hình, mà còn phải làm ra cái hồn cốt của sản phẩm”- anh Huỳnh Xuân Huỳnh- sinh viên Trường ĐH Kiến trúc TP Hồ Chí Minh, người có nhiều năm gắn bó với việc vẽ hoa văn trên gốm Lái Thiêu, bộc bạch.

Tuy là dòng gốm chuyên sản xuất phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, nhưng nhiều tác phẩm nghệ thuật được tạo ra từ cảm xúc bất chợt. “Chiếc bình tích vẽ một đôi tình nhân đang hạnh phúc trong sắc xuân. Chiếc bình là sản phẩm hiếm, bởi rất có thể trong lúc lao động, người thợ vẽ đã phác họa nên bức tranh tình lãng mạn”, nhà sưu tập Trịnh Minh Dũng chia sẻ về chiếc bình
của mình.

Hình ảnh chợ quê ngày Tết với các bà, các mẹ dẫn theo em nhỏ mua sắm Tết, những cô gái trong tà áo dài thướt tha du xuân,… cũng được các nghệ nhân tạo tác lên sản phẩm gốm Biên Hòa với màu sắc tươi tắn, sinh động, giúp người xa quê cũng cảm nhận được sự vui tươi, đầm ấm mỗi độ xuân về.

Bộ sản phẩm gia dụng với biểu tượng con gà trống đặc trưng của dòng gốm Lái Thiêu.
Bộ sản phẩm gia dụng với biểu tượng con gà trống đặc trưng của dòng gốm Lái Thiêu.

“Lúc nhỏ tới Tết mà ra chợ xuân là mình háo hức lắm, cái không khí vui tươi, sôi động làm cho mình nhớ mãi. Vậy là mình đưa những hình ảnh đó vẽ lên sản phẩm như cách để nhớ về những điều vui vẻ và là lời chúc năm mới sung túc, an khang”, nghệ sĩ gốm Nguyễn Văn Cường- hội viên Hội Mỹ thuật TP Hồ Chí Minh tâm sự.

TS Nguyễn Thị Hậu bày tỏ: “Cảm xúc của người thợ gốm hoàn toàn đồng điệu với người tiêu dùng sản phẩm của họ. Nếu quan sát sản phẩm của họ, có thể coi là độc bản. Cũng là hoa văn con gà, bụi chuối, nếu như chúng ta để cạnh nhau chúng ta sẽ thấy nét khác biệt. Những nét khác biệt đó không chỉ là kỹ thuật mà còn là cảm xúc của người thợ gốm. Đấy là điều đã giúp cho sản phẩm gốm Nam Bộ được lưu truyền rộng rãi và đấy cũng là tính chất mà cho đến bây giờ có rất nhiều người sưu tầm gốm Nam Bộ, họ nhìn sản phẩm đấy như bắt gặp cảm xúc của chính mình”.

Bài, ảnh: NGỌC LIỄU

>> Kỳ cuối: Khát vọng “hồi sinh” gốm Nam Bộ

 

Các tin khác: