Nghề gói bánh tét Trà Cuôn ở Tân Hạnh

Cập nhật, 10:00, Thứ Tư, 18/01/2023 (GMT+7)

 

Cơ sở Bánh tét Trà Cuôn - Cô Ba Giang bận rộn mùa Tết.
Cơ sở Bánh tét Trà Cuôn - Cô Ba Giang bận rộn mùa Tết.

Bánh tét Trà Cuôn là một món ăn đặc sản của tỉnh Trà Vinh, trong quá trình “di cư” đến vùng đất mới, nó được biến tấu theo cách riêng, có màu sắc và hương vị đặc trưng không thể trộn lẫn, đồng thời đã tìm được vị thế trong lòng thực khách gần xa.

Cô Võ Thị Thanh Giang (Ba Giang, ở ấp Tân Thuận) (xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ), là người đã “giữ lửa” cho nghề gói bánh tét Trà Cuôn của gia đình chồng hơn 25 năm qua. Trước kia, khi còn sống ở quê chồng (huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh) cô Ba Giang nhận thấy bánh có vị ngọt và béo nhờ nguyên liệu tự nhiên chứ không nêm thêm gia vị, đó cũng là hương vị nguyên bản của bánh tét Trà Cuôn. Song, từ lúc “bắt rể” và mang theo món bánh “tổ truyền” về Vĩnh Long, cô Ba Giang đem bánh đến bán lẻ cho các trạm dừng chân, vừa tìm đầu ra cho sản phẩm vừa ghi nhận những phản hồi của khách về hương vị bánh. Khéo chiều lòng thực khách, bánh tét Trà Cuôn với thương hiệu “Cô Ba Giang” tại Vĩnh Long cũng dần chinh phục được người dùng và tìm được thị trường ở TP Hồ Chí Minh, Bình Dương hay đến tận Tây Bắc. “Do khách ghé trạm dừng chân thường đến từ miền ngoài nên khẩu vị rất khác so với người miền Tây, lúc đó cô nghĩ nếu đã chọn bán cho trạm thì vị bánh chắc chắn phải đổi, như vậy thì mới bán được”- cô Ba Giang kể lại.

Theo cô Ba Giang, việc thay đổi bánh tét gia truyền “từ trong ra ngoài”, từ cách gói bánh, nêm nếm gia vị, đến thiết kế nhãn hiệu đã giúp việc kinh doanh trở nên thuận lợi hơn. Bánh tét của cô gói bằng nếp sống thay vì nếp xào hay được hấp chín. “Nếp cô dùng là nếp Long An, sau khi ngâm màu tự nhiên từ trái gấc, lá bồ ngót và lá cẩm khoảng 2 tiếng thì cho ra 3 màu nếp, gói nếp sống giúp bánh sẽ dẻo và dính hơn, nhưng kỹ thuật này khó nên chỉ có cô và người em là gói được” - cô Ba Giang nói.

Công đoạn gói bánh tét bằng nếp sống.
Công đoạn gói bánh tét bằng nếp sống.

Nhìn dãy nồi nấu bánh bằng củi đang tỏa khói nghi ngút, cô Ba Giang chia sẻ: “Muốn giữ nghề truyền thống của gia đình nên tất cả các công đoạn đều làm thủ công, cô lượng sức người mà nhận đơn hàng. Dùng củi nhãn, bưởi… nấu bánh từ 6 - 7 tiếng, cần người thường xuyên canh lửa và thêm nước để bánh không bị nín (nếp bị sống), sau khi bánh chín thì lấy ra nhúng vào nước muối, lau sơ là để được trong 5 ngày”.

Nhanh tay lau sạch và xếp lá chuối ngay ngắn, chị Bé Hai chia sẻ: “Lá chuối phải là lá chuối sáp, chuối xiêm, chứ dùng lá chuối già là bánh sẽ bị đắng”. Và chị cho biết thêm: “Công việc bắt đầu từ 7 - 16 giờ, ai mệt thì nghỉ rồi ra làm tiếp, thu nhập 250.000 - 300.000 đ/ngày”. Những ngày giáp Tết thì cơ sở sản xuất có khoảng 40 lao động để lau lá chuối, sơ chế nguyên liệu, gói bánh, nấu bánh, vận chuyển…

Hiện tại, bánh tét Trà Cuôn - Cô Ba Giang là loại bánh ngũ sắc nhân thập cẩm trứng muối, có mặt tại hầu hết các trạm dừng chân trong tỉnh với 1.000 - 1.200 đòn bánh/ngày (400 - 450kg nếp/ngày). Vào mùa lễ, tết như vầy, có thể tăng lên 2.000 đòn/ngày, giá từ 80.000 - 160.000 đ/đòn.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY -
THẢO TIÊN