Hiệu quả bước đầu từ mô hình đa canh tổng hợp khóm - tôm - lúa trên cùng một diện tích đất canh tác đã giúp nhiều bà con nông dân ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế. Đây là một trong những mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
|
Tham quan mô hình đa canh tổng hợp khóm - tôm - lúa của ông Nguyễn Văn Hận. |
Hiệu quả bước đầu từ mô hình đa canh tổng hợp khóm - tôm - lúa trên cùng một diện tích đất canh tác đã giúp nhiều bà con nông dân ở huyện Gò Quao (tỉnh Kiên Giang) cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống kinh tế. Đây là một trong những mô hình sinh kế phù hợp với điều kiện sinh thái tại địa phương, hướng đến phát triển nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.
Độc đáo mô hình sinh kế “3 trong 1”
Qua phà sang sông Cái Lớn đến xã cù lao Vĩnh Phước A (huyện Gò Quao), bất kể men theo con đường lớn hay nhỏ đều bắt gặp hình ảnh những cánh đồng khóm bạt ngàn, từng liếp khóm nối dài thẳng tắp và được ngăn thành nhiều ô bởi màu xanh ngát của lúa bệ - cách gọi quen thuộc của người dân địa phương về cây lúa mùa trồng trên bệ (mé liếp khóm). Theo nhiều hộ dân ở xã Vĩnh Phước A, trước đây vùng đất này chỉ toàn trồng lúa, song năng suất thấp, thu nhập bấp bênh.
Sau đó, một số bà con mang cây khóm ở địa phương khác về trồng lại đạt hiệu quả vì phù hợp với điều kiện đất bị nhiễm phèn, mặn. Thấy vậy, nhiều hộ cũng trồng theo, không những vậy còn tận dụng diện tích mặt nước giữa các liếp khóm để thả nuôi tôm sú vào các tháng nước mặn, nhằm cải thiện thu nhập trên cùng một diện tích canh tác.
Theo ông Nguyễn Văn Hận - Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất khóm - tôm Phước An (ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A), mô hình trên mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với độc canh cây khóm trên cùng một diện tích khi cho người dân “lợi nhuận kép” bình quân gần 90 triệu đồng/ha/năm.
Trong đó, lợi nhuận từ khóm đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm. Còn tôm sú nuôi tự nhiên nên thả con giống với mật độ chỉ 1 con/m2, sau 3 tháng thu hoạch trừ chi phí người dân thu lãi từ 13 - 15 triệu đồng/ha/năm. Ưu điểm của việc nuôi tôm dưới liếp khóm là không cần cho ăn hay sử dụng bất cứ loại phân thuốc nào, con tôm sạch nên có giá trị thương phẩm cao và bán được giá.
Nuôi tôm đạt hiệu quả, bà con tiếp tục tận dụng khoảng trống mé liếp khóm cấy lúa mùa và canh tác theo phương pháp hữu cơ để có thêm nguồn thu từ đây. “Tham gia hợp tác xã, bà con được hướng dẫn bài bản, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên năng suất, chất lượng sản phẩm làm ra cũng đạt yêu cầu hơn. Hiện Hợp tác xã Sản xuất khóm - tôm Phước An có 60 hộ thành viên với tổng diện tích canh tác trên 100ha.
Với mô hình đa canh “3 trong 1”, ngoài thu nhập chính từ khóm, nguồn thu từ con tôm có thể bù đắp chi phí phân bón cho cây khóm, còn lúa không chỉ cung cấp hạt gạo sạch đủ ăn cho gia đình mà nếu dư ra có thể bán kiếm thêm thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt hàng ngày” - ông Hận thông tin, đồng thời cho biết hợp tác xã còn nhân giống khóm con bán cho các địa phương lân cận, góp phần giải quyết việc làm cho lao động nhàn rỗi ở địa phương.
|
Trong mô hình sinh kế “3 trong 1”, khóm là cây trồng chủ lực, nguồn thu nhập chính hàng năm của hơn 80% hộ dân ở xã Vĩnh Phước A. |
Có thể thấy, mô hình đa canh tổng hợp khóm - tôm - lúa xuất phát từ sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của bà con nông dân qua thực tiễn sản xuất.
“Tôi thấy trồng khóm, lúa kết hợp nuôi tôm có thể lấy ngắn nuôi dài, đảm bảo nguồn thu nhập không bị gián đoạn. Bình quân 1ha khóm tôi trồng sau khi thu hoạch, trừ hết chi phí các thứ cho lợi nhuận tầm 80 triệu đồng/năm. Tôm thì thả nuôi tự nhiên nên chỉ tốn tiền đầu tư con giống, nhưng cũng cho thu nhập trung bình 14 triệu đồng/ha. Còn lúa cắt xong thì có gạo sạch để dành trong nhà ăn quanh năm, không phải tốn tiền mua gạo” - chú Hồ Văn Cương (ngụ ấp Phước An, xã Vĩnh Phước A) cho biết.
Hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch và bền vững
Được biết, mô hình đa canh tổng hợp khóm - tôm xen lúa bệ tại huyện Gò Quao nằm trong các mô hình sinh kế và hoạt động phi công trình tỉnh Kiên Giang, thuộc Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 do Bộ Nông nghiệp - PTNT phê duyệt.
Mục tiêu của dự án này nhằm hỗ trợ phát triển việc áp dụng các mô hình sinh kế bền vững theo hướng sản xuất an toàn sinh học, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu. Kết quả triển khai bước đầu, mô hình được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái địa phương nên được tiếp tục duy trì và nhân rộng.
Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Gò Quao, trước đây diện tích đất trồng lúa trên các xã của huyện hầu hết đều bị xâm nhập mặn nên năng suất không cao. Từ khi có chủ trương chuyển đổi mô hình tôm - khóm và tôm - lúa vào năm 2006, người dân bắt đầu canh tác theo các mô hình này và dần có thu nhập ổn định. Đặc biệt, từ khi các hợp tác xã ra đời, hoạt động sản xuất của các hộ thành viên đi vào nề nếp hơn nên chất lượng sản phẩm làm ra ngày một nâng cao.
Từ hiệu quả của mô hình, ngành nông nghiệp huyện định hướng quy hoạch phát triển diện tích khóm tăng lên hơn 5.000ha và tăng 50% diện tích mô hình khóm - tôm - lúa đến năm 2025. Hiện mô hình này trên địa bàn huyện nói chung và xã Vĩnh Phước A nói riêng bước đầu mang lại hiệu quả cao và tương đối bền vững.
Thời gian tới, để duy trì, phát triển mô hình, ngành nông nghiệp huyện Gò Quao sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền vận động người dân canh tác đúng theo quy hoạch và quy trình sản xuất. Bên cạnh đó, xây dựng các nhãn hiệu tập thể cũng như thương hiệu cho các sản phẩm từ mô hình khóm - tôm - lúa bệ, gắn với định hướng xây dựng vùng du lịch sinh thái ở các xã có tiềm năng.
|
Lúa bệ được trồng từ giống lúa mùa và thuận theo tự nhiên phát triển, không dùng phân bón, thuốc hóa học. |
Mô hình sản xuất đa canh tổng hợp khóm - tôm - lúa bệ được xem là mô hình đặc trưng, phù hợp với điều kiện sinh thái ở một số xã của huyện Gò Quao, thích ứng với biến đổi khí hậu và bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao.
|
Lúa bệ chỉ canh tác mỗi năm một vụ nhưng cho sản lượng gạo đủ để người dân sử dụng quanh năm. |
Mô hình này đang được ngành nông nghiệp địa phương nhân rộng trong thời gian tới nhằm góp phần giúp bà con nông dân sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. Không chỉ vậy, mô hình còn giúp người dân có thêm việc làm, thu nhập được nâng lên và ổn định, nhờ đó nhiều hộ đã vươn lên làm giàu trên quê hương của mình.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin