Đồng Tháp muốn gầy dựng đàn sếu đầu đỏ tại Vườn quốc gia Tràm Chim

07:09, 14/09/2022

Ngoài việc chuẩn bị tiếp nhận 2 con sếu từ Lào, tỉnh Đồng Tháp còn chuẩn bị nhập trứng sếu đầu đỏ từ Thái Lan với mong muốn gầy dựng đàn sếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông).

Ngoài việc chuẩn bị tiếp nhận 2 con sếu từ Lào, tỉnh Đồng Tháp còn chuẩn bị nhập trứng sếu đầu đỏ từ Thái Lan với mong muốn gầy dựng đàn sếu tại Vườn quốc gia Tràm Chim (huyện Tam Nông).

Ngày 14/9, tin từ UBND tỉnh Đồng Tháp cho hay, cơ quan này và Ban Quản lý Vườn quốc gia Tràm Chim đang hoàn tất cả thủ tục cần thiết để tiếp nhận 2 con sếu đầu đỏ từ vườn thú ở thủ đô Vientiane (Lào).

Hai con sếu này đã trưởng thành gần 20 tuổi, nặng 5-6kg, đang nuôi tại vườn thú ở Vientiane. Do quá trình nuôi gặp một số khó khăn, sếu không đủ sức khỏe để sinh tồn ngoài tự nhiên, nên vườn thú này đã liên hệ Hội sếu quốc Tế tại Hoa Kỳ tìm nơi thích hợp để nuôi dưỡng.

TS Trần Triết (thành viên Hội sếu quốc tế) đã liên lạc với tỉnh Đồng Tháp để đưa cặp sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim, bởi nơi đây được xem là có điều kiện tự nhiên thích hợp để nuôi dưỡng. Dự kiến tháng 11 tới, cặp sếu trên sẽ được đưa về Việt Nam.

"Cặp sếu chủ yếu phục vụ mục tiêu giáo dục môi trường, không nhằm mục đích sinh sản, gầy lại đàn sếu", TS Trần Triết nói. Đến nay, Vườn quốc gia Tràm Chim đã xây dựng chuồng, tập huấn nhân viên để chăm sóc tốt nhất khi tiếp nhận sếu.

Vườn quốc gia Tràm Chim rộng 7.500 ha, được công nhận là khu Ramsar (khu bảo tồn ngập nước) thứ 2.000 của thế giới và thứ tư của Việt Nam. Nơi đây có nhiều loài chim quý, đặc biệt là sếu đầu đỏ thường từ Campuchia bay về vườn kiếm ăn, trú ngụ từ tháng 12 hàng năm cho đến tháng 4 năm sau mới rời đi.

Bên cạnh đó, dự kiến trong tháng 9 này, đoàn công tác của tỉnh Đồng Tháp cũng sẽ sang Thái Lan thống nhất nội dung hợp tác chuyển trứng sếu về Vườn quốc gia Tràm Chim để gầy lại đàn sếu. Nếu thuận lợi, địa phương sẽ đạt được thoả thuận chuyển giao trứng sếu đưa về nước trong năm nay.

Cùng thời gian này, Vườn quốc gia Tràm Chim chuẩn bị cơ sở vật chất để ấp trứng (khoảng 30 ngày), nuôi và huấn luyện con non theo quy trình chuyển giao. Vài năm sau, sếu đầu tiên sẽ được thả ra tự nhiên.

Sếu đầu đỏ là loài chim thuộc sách đỏ vì có nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều năm trước, sếu đầu đỏ di trú về các cánh đồng cỏ bàng ở Kiên Lương, Giang Thành (Kiên Giang), Tam Nông (Đồng Tháp) để tìm thức ăn. Nay sếu không về nữa vì môi trường và nguồn thức ăn ngày càng khan hiếm do hoạt động sản xuất nông nghiệp của con người.

Theo QUỐC BÌNH/SGGPO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh