Một hình ảnh mới của ĐBSCL sẽ xuất hiện trong tương lai không xa

04:06, 22/06/2022

Quy hoạch là chiếc áo mới cho ĐBSCL, là cơ hội lớn nhất cho ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong 2 thập niên tới nếu quy hoạch được cụ thể hóa và được các bộ ngành, địa phương quán triệt một cách nghiêm túc và đầy đủ. Nếu có sự đồng bộ, chắc chắc một hình ảnh mới của ĐBSCL sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.

 

Quy hoạch là chiếc áo mới cho ĐBSCL, là cơ hội lớn nhất cho ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong 2 thập niên tới nếu quy hoạch được cụ thể hóa và được các bộ ngành, địa phương quán triệt một cách nghiêm túc và đầy đủ. Nếu có sự đồng bộ, chắc chắc một hình ảnh mới của ĐBSCL sẽ xuất hiện trong tương lai không xa.

Đây là ý kiến của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ khi trao đổi với Báo điện tử Chính phủ về tầm quan trọng của Quy hoạch tích hợp và chương trình hành động vùng ĐBSCL.

 Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ.
Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) Cần Thơ.

DN nắm được lộ trình và không gian phát triển

Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển, ông Nguyễn Phương Lam đánh giá ĐBSCL là vùng đất khai hoang muộn nhưng chính sự màu mỡ và địa chất đặc biệt của ĐBSCL đã đưa Việt Nam trở thành quốc gia có ngành nông nghiệp ảnh hưởng nhất trên thế giới. 

Dù đạt kết quả bước đầu, nhưng hơn 2 thập niên qua, ĐBSCL gặp nhiều thách thức lớn trên mọi mặt kinh tế, xã hội và môi trường. Thách thức tạo vòng xoáy đi xuống khiến nền kinh tế nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng khó có thể tiếp tục phát triển bền vững nếu không có giải pháp chuyển đổi một cách toàn diện.

Nghị quyết 120/CP-NĐ của Chính phủ đã mở ra một hướng đi cho ĐBSCL phát triển toàn diện một cách bền vững, mở đường cho quy hoạch chung của vùng, một quy hoạch tích hợp vùng đầu tiên của cả nước.

Mới đây, để triển khai Nghị quyết 13-NQ/TW của Bộ Chính trị, Chính phủ ban hành chương trình hành động bằng Nghị quyết 78/NQ-CP, cho thấy các Nghị quyết quan trọng đối với ĐBSCL đều được triển khai thực hiện rất nghiêm túc. Nghị quyết 78/CP-NQ, đặt ra chỉ tiêu tăng trưởng hết sức mạnh mẽ cho vùng ĐBSCL là đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng đạt gấp 2- 2,5 lần so với 2021.

"Tôi nghĩ rằng nếu mục tiêu sau 10 năm tăng gấp đôi là con số hoàn toàn có thể đạt được nếu các nội dung trong quy hoạch được triển khai theo đúng phạm vi quy hoạch và khai thác hết nguồn lực", ông Nguyễn Phương Lam tin tưởng.

Mặt khác, đại diện VCCI Cần Thơ cho rằng chỉ tiêu tỉ trọng nông nghiệp chiếm 20% so với 28% như hiện nay là hoàn toán khả thi vì 10 năm qua, tỉ lệ nông nghiệp ở ĐBSCL đã giảm từ 39,6% (năm 2010) xuống 28,3% (năm 2019), hay ti lệ lao động được đào tạo là có cơ sở thực tiễn nếu thực hiện mô hình chuyển đổi được đẩy mạnh.

Ông Nguyễn Phương Lam cho rằng việc xây dựng Nghị quyết 78 và công bố Quy hoạch tích hợp với sự xác định rõ ràng nhiệm vụ và nguồn lực đầu tư, các DN trong nước và quốc tế sẽ biết được lộ trình và không gian phát triển để có chiến lược định vị lâu dài, bổ sung nguồn lực đầu tư ở ĐBSCL. Đó là một cơ hội thực sự lớn cho ĐBSCL phát triển trong tương lai.

Giám đốc VCCI Cần Thơ chia sẻ thực tế cho thấy tổng vốn đầu tư của tư nhân (gồm trong nước và trực tiếp nước ngoài vào ngành nông nghiệp nói chung và nông nghiệp ĐBSCL nói riêng) là rất thấp, bởi lẽ nông nghiệp vốn là ngành nhiều rủi ro không chỉ từ thiên tai mà còn cả về chính sách. Do đó, Quy hoạch là một bước thay đổi căn bản, luật hóa được các lĩnh vực ngành hàng, địa bàn, quy mô và cách thức sản xuất, nên sẽ là điều kiện thuận lợi cho những dự án đầu tư lớn trong nông nghiệp ở ĐBSCL.

Tuy vậy, quá trình triển khai còn tùy thuộc vào hoạch định trong kế hoạch phát trển KT-XH của từng tỉnh, thành phố và sự phối hợp giữa các bộ ngành, địa phương với nhau.

Một số vấn đề cần giải quyết

Đại diện VCCI kỳ vọng từ Quy hoạch và chương trình hành động, các bộ ngành và chính quyền các địa phương cần phối hợp để triển khai cụ thể hóa trong thực tế. 

Trong đó, ông Nguyễn Phương Lam nêu 6 vấn đề mà cộng đồng DN, nhà đầu tư đang rất quan tâm.

 Nếu có sự đồng bộ, chắc chắc một hình ảnh mới của ĐBSCL sẽ xuất hiện trong tương lai không xa
Nếu có sự đồng bộ, chắc chắc một hình ảnh mới của ĐBSCL sẽ xuất hiện trong tương lai không xa

Thứ nhất, mô hình chuyển đổi được đề cập cần được xác định rõ là như thế nào. Các địa phương cần tính toán nguồn lực và năng lực chuyển đổi, dựa trên khả năng thực hiện. Mỗi địa phương cần có quy hoạch chi tiết và xây dựng chiến lược phát triển KT-XH trong từng giai đoạn, sẽ giúp cho DN nhận diện được tầm nhìn và lộ trình cụ thể, để theo đuổi và đồng hành cùng chủ trương Chính phủ và chính quyền địa phương.

Thứ hai, hình thức liên kết cần được thực hiện bằng những cơ chế cụ thể hơn. Liên kết giữa chính quyền với DN, liên kết 4 nhà, liên giữa các địa phương. Trong nhiều năm qua, đây là vấn đề không mới nhưng thực tế vẫn chỉ là những cam kết, còn khả năng thực thi thì hầu như không triển khai thực hiện được là mấy.

Do đó, đến nay quy hoạch đã phân công và sắp xếp lại nhiệm vụ của từng địa phương nên sẽ là cơ hội để mối liên kết này triển khai hiệu quả. Vấn đề còn lại là tính thực thi ở bộ ngành, địa phương và từng chủ thể như thế nào. Chúng ta đang thiếu một thiết chế cấp vùng nên lâu nay cứ mãi loay hoay trong thực thi liên kết. Trong khi chờ một thiết chế mới thì Quy hoạch là một bước đi quan trọng để giúp liên kết có cơ sở hơn.

Thứ ba, nguồn lực đầu tư cho hạ tầng cần được hoạch định mang tính thực tiễn cả về quy mô  và nguồn cung ứng

Nhu cầu hạ tầng giao thông để vận chuyển nông lâm thuỷ sản từ các vùng sản xuất từ ĐBSCL về các khu công nghiệp và TPHCM rất lớn, tổng vốn đầu tư trong lĩnh vực giao thông cho cả vùng này giai đoạn 2016 – 2020 là 65.000 tỷ đồng, kế hoạch giai đoạn 2021-2025 giảm còn 50.690 tỷ đồng. 

Nếu dành 37.500 tỷ đồng đầu tư cho 7 dự án đường bộ cao tốc trọng điểm của vùng (Cần Thơ – Cà Mau, Chơn Thành – Đức Hoà, Đức Hoà – Mỹ An, Mỹ An – Cao Lãnh, An Hữu – Cao Lãnh, Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng, Hà Tiên – Rạch Giá – Bạc Liêu) thì ngân sách còn lại sẽ không đủ cho nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, hạ tầng điện hiện đại, cảng nước sâu, nâng cấp giao thông đường thuỷ và khắc phục tình trạng sụt lún, sạt lở ven đường. Vì vậy, khi có quy hoạch, Bộ Giao thông vận tải cần tính toán, có lộ trình cụ thể và được giám sát chặt chẽ.

Lãnh đạo VCCI Cần Thơ phân tích thêm nếu để hệ thống hạ tầng yếu kém thì chi phí giao dịch, vận tải tăng cao, kéo theo hàng loạt vấn đề khác. Nếu gỡ được vấn đề này, ĐBSCL sẽ có thêm một lực lượng DN hùng mạnh, đây cũng là dư địa rất lớn cho cơ hội cho các DN trong nước và quốc tế.

Thứ tư, cần sắp đặt lộ trình ưu tiên trong phát triển. Chẳng hạn 2 công trình hướng biển đang được đặt ra trong giai đoạn từ nay đến 2030 là đường ven biển và cảng nước sâu Trần Đề. Đây là điều rất cần được cân nhắc kỹ để cân đối nguồn lực cho phù hợp.

Thứ năm, logistics là ngành quan trọng, đang là nhu cầu rất lớn cho ĐBSCL phát triển. Đầu tư logistic rất cần hạ tầng đi trước, nhất là hạ tầng giao thông. Với quy hoạch này, nếu giao thông được xác định ưu tiên và có lộ trình cụ thể, thì các bộ ngành, địa phương cần bám sát, từ đó, sớm quy hoạch cụ thể, chi tiết các trung tâm logisitic.  

Hạ tầng logistics hoàn chỉnh giúp cho tiết giảm chi phí vận tải và sản xuất của DN, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh không chỉ trong nước mà đủ sức cạnh tranh quốc tế.

Thứ sáu, cần có chính sách đi kèm để thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là số hóa cần phải được chú trọng để đưa ĐBSCL phát triển theo đúng quỹ đạo.

Đại diện VCCI ví quy hoạch là chiếc áo mới cho ĐBSCL, là cơ hội lớn nhất cho ĐBSCL phát triển mạnh mẽ trong 2 thập niên tới nếu quy hoạch được cụ thể hóa và được các bộ ngành, địa phương quán triệt một cách nghiêm túc và đầy đủ. 

Tại chương trình hành động trong Nghị quyết 78, Thủ tướng cũng đã yêu cầu khá cụ thể các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch tỉnh, thành phố… nghiêm túc triển khai. "Nếu có sự đồng bộ, chắc chắc một hình ảnh mới của ĐBSCL sẽ xuất hiện trong tương lai không xa", ông Nguyễn Phương Lam kỳ vọng.

Dưới góc độ cơ quan đại diện cộng đồng DN, để góp phần thiện thực hóa Quy hoạch này, đại diện VCCI cho hay, cơ quan này đang nỗ lực tham mưu cho Chính phủ, các địa phương trong vùng bằng sự chuẩn bị báo cáo nghiên cứu, đánh giá những tác động của quy hoạch đối với phát triển KTXH của từng địa phương trong vùng, từ đó làm cơ sở cho xây dựng những chính sách triển khai hữu ích. 

Ông Nguyễn Phương Lam cho hay ngay trong tháng 7 này, VCCI sẽ công bố Báo cáo Kinh tế Thường niên ĐBSCL 2021 với chủ đề "Quy hoạch tích hợp và chuyển đổi mô hình phát triển".

Các bước tiếp theo, VCCI sẽ tham vấn cho chính quyền các địa phuong trong việc hoàn thiện quy hoạch cấp tỉnh, hoàn thiện Kế hoạch KTXH từng năm và vận động các hiệp hội DN và cộng đồng DN tham gia đầu tư, mở rộng sản xuất kinh doanh tại ĐBSCL. VCCI sẽ phối hợp triển khai các hoạt xúc tiến trong nhiếu năm kêu gọi DN quốc tế hợp tác đầu tư, liên kết sản xuất… để đưa ĐBSCL đổi khác, đạt cấp độ pháp triển mới từ sau khi triển khai quy hoạch vùng lần này.

Theo Huy Thắng/Chinhphu.vn

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh