Với sự khéo léo, đặt trọn tâm huyết, nghệ nhân Phạm Văn Phúc, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã làm và sáng tạo những món bánh dân gian vừa thơm ngon, đậm đà hương vị quê nhà, vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống.
Với sự khéo léo, đặt trọn tâm huyết, nghệ nhân Phạm Văn Phúc, ở ấp Tầm Vu 1, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, đã làm và sáng tạo những món bánh dân gian vừa thơm ngon, đậm đà hương vị quê nhà, vừa góp phần giữ gìn nghề truyền thống.
Nghệ nhân Phạm Văn Phúc bên món bánh khoai lang cuộn, đạt huy chương bạc tại cuộc thi trong khuôn khổ Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại thành phố Cần Thơ vừa qua. |
Nghệ nhân quen thuộc
Trong những cuộc thi nấu ăn vào dịp lễ hội, hiếm khi nào vắng mặt nghệ nhân Phạm Văn Phúc. Anh hiện đang là giáo viên của Trường THCS Cái Tắc (huyện Châu Thành A). Công việc giảng dạy mất rất nhiều thời gian, nhưng anh luôn tranh thủ để góp mặt trong các cuộc thi khéo tay, vì tình yêu sâu đậm anh dành cho nghề làm bánh.
Cách đây mấy năm, khi tỉnh Hậu Giang tổ chức liên hoan ẩm thực, gian hàng của anh được bài trí từng tầng, với các loại bánh dân gian như bánh bò, bánh đúc, bánh da lợn, bánh xèo… rất bắt mắt, thu hút nhiều người đến xem.
Không chỉ nhiệt tình, chịu khó, anh còn khiến cho người thưởng thức thú vị với cách chọn món, bài trí, làm cho những món bánh có sức hấp dẫn rất riêng. Ai muốn học cách làm là anh chỉ liền, rất cặn kẽ.
Mới đây, trong không gian Lễ hội Bánh dân gian Nam bộ tại thành phố Cần Thơ, anh đại diện Hậu Giang tham gia trưng bày gian hàng bánh và cuộc thi làm bánh.
Món bánh khoai lang cuộn do anh sáng tạo từ những nguyên liệu gần gũi với người nông dân, dễ làm, lại có nhiều dinh dưỡng, đã để lại ấn tượng với nhiều thực khách và ban giám khảo.
Anh chia sẻ: “Biết đi thi thì ai cũng phải chọn món độc, lạ và cố làm cho thật ngon, thật đẹp. Còn tôi quan niệm đơn giản là chọn những cái gì gần gũi nhất với mình, mà mỗi khi nghe, ai cũng thấy món này có ở khắp nơi”.
Cái tình của người làm bánh đã gởi trọn vào sản phẩm và huy chương bạc tại cuộc thi trong khuôn khổ lễ hội cấp quốc gia này là phần thưởng xứng đáng dành cho anh. Đây cũng là giải thưởng lớn đầu tiên anh đạt, góp thêm bộ giải thưởng với nhiều giải nhất, nhì cấp tỉnh, huyện suốt nhiều năm qua.
Từ nguyên liệu, để làm nên chiếc bánh là cả một quá trình suy nghĩ, đầu tư, sao cho vừa dân dã, vừa đẹp, lại ngon. Anh đã suy nghĩ rất lâu để có quyết định chọn món khoai lang cuộn đem “chinh chiến” cùng mấy chục nghệ nhân khác đến từ nhiều tỉnh, thành.
Cách làm món này đơn giản, khoai lang hấp, tán nhuyễn, thêm ít đường rồi xào lại cho dẻo, lấy một ít bột trộn với trứng rồi đem chiên. Sau đó lấy từng miếng bột, trải khoai lên và cuộn lại, cắt khoanh, ăn kèm với muối mè. Thế là đã có ngay món ăn đậm vị.
Đạt giải với anh là hạnh phúc, nhưng hạnh phúc hơn chính là sự sáng tạo, làm nên những chiếc bánh dân gian không chỉ đẹp, ngon mà còn giữ gìn chút hương vị quê nhà.
Anh chia sẻ: Anh đang suy nghĩ để có thể làm những chiếc bánh dân gian mang hương vị khóm Cầu Đúc của quê hương Hậu Giang, để ai đến nơi đây, ăn một lần sẽ nhớ mãi và mong một lần nữa quay trở lại!
Góp sức giữ gìn hồn quê qua từng chiếc bánh
Anh sinh ra trong gia đình nông dân ở xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp, nhà nghèo nhưng điều hạnh phúc nhất là ba mẹ anh đều chăm chút để lo cho ba anh em của anh ăn học đến nơi đến chốn. Mọi người cùng là giáo viên và dạy tại Trường THCS Cái Tắc.
Trở lại hành trình giúp anh chọn và theo đuổi nghề làm bánh dân gian, anh kể: Tuổi thơ anh có cơ duyên gần gũi với bà nội, bà ngoại, các bà rất khéo tay, làm những chiếc bánh rất đẹp, rất ngon, khiến anh cứ nhớ mãi hương vị. Lớn lên chút, anh thấy thích, lẽo đẽo theo hỏi bà, hỏi mẹ để học.
Lúc đầu, người lớn bảo con trai hỏi chuyện bếp núc làm gì, nhưng thấy anh làm khéo léo nên chỉ lại. Từ đó, anh dần dà yêu thích và quyết tâm theo đuổi, rồi gắn chặt đời mình với nghề làm bánh.
Với anh, những chiếc bánh chính là tình cảm anh dành cho những người mình yêu thương, là tình yêu anh dành cho quê hương, xứ sở. Anh có thể làm hơn 20 món bánh dân gian, trong đó, có những món anh thích và thường làm là bánh ít trần, bánh xèo, bánh đúc, bánh khoai mì, bánh chuối…
Bẵng đi một thời gian, anh tập trung học sư phạm, trở về quê nhà dạy học. Vốn tính cách nhẹ nhàng, anh chọn học văn để được đọc nhiều sách, nghiên cứu nhiều tài liệu về văn hóa, văn chương, giúp anh trau dồi thêm nhiều kiến thức hữu ích...
Rồi lập gia đình, xây dựng mái ấm hạnh phúc bên người vợ cũng là giáo viên, có cùng sở thích nấu ăn, làm bánh giống anh. Vậy là ngoài giờ lên lớp, hai người quyết tâm tìm cách tăng thêm thu nhập bằng việc mở dịch vụ nấu ăn, nhận làm bánh cho đám tiệc, hội nghị… Đây cũng là cách anh khơi mạch tình yêu đam mê của mình ngày xưa, bên cạnh nghề dạy học đã chọn.
Mới đó đã hơn 10 năm, dịch vụ của vợ chồng anh được nhiều người biết, làm cho anh càng cực hơn. Nhưng dù rất cực, anh vẫn đảm bảo việc đứng trên bục giảng và phát huy nghề mình yêu thích từ nhỏ… Cuộc sống dần ổn định, giúp anh có thêm thu nhập để lo cho gia đình nhỏ của mình, tạo điều kiện tốt nhất con cái học hành.
Hỏi về việc phát triển nghề bánh dân gian, anh hồ hởi: “Tôi đã yêu nghề này từ nhỏ, được sống với nghề và được sự cổ vũ, động viên của gia đình, nên sẽ luôn suy nghĩ để có thể làm được nhiều món bánh, nấu nhiều món ăn ngon. Quan trọng là phải đưa được hồn quê, gởi trọn tình yêu của mình vào trong từng chiếc bánh”.
THEO VĨNH TRÀ (BÁO HẬU GIANG)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin