Người "bảo vệ" hòn

01:04, 05/04/2022

Ở Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), hầu như không ai không biết ông Hai Kiệt (Huỳnh Tuấn Kiệt, 63 tuổi). Ông gắn bó với vùng biển này, từng làm qua nhiều nghề biển khác nhau, kể cả nghề thợ lặn… Sau thời gian bôn ba, ông chọn một "góc" ở Hòn Đá Bạc để an cư.

 

Cuộc sống lênh đênh trên biển quanh Hòn Đá Bạc của ông Hai Kiệt.
Cuộc sống lênh đênh trên biển quanh Hòn Đá Bạc của ông Hai Kiệt.

Ở Hòn Đá Bạc (xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời), hầu như không ai không biết ông Hai Kiệt (Huỳnh Tuấn Kiệt, 63 tuổi). Ông gắn bó với vùng biển này, từng làm qua nhiều nghề biển khác nhau, kể cả nghề thợ lặn… Sau thời gian bôn ba, ông chọn một “góc” ở Hòn Đá Bạc để an cư. Sống lênh đênh cạnh bờ biển, đối với ông Hai, có biển là có tất cả và ông nhủ sẽ gắn phần đời còn lại của mình với nó.

Ông sống trên chiếc bè nhỏ tự chế, từng con sóng gập ghềnh, xung quanh là những tảng đá lớn. Dưới bè ông nuôi một số loài hải sản phục vụ khách du lịch: ghẹ, hàu, vẹm xanh, tôm tích... đặc biệt là cá bống mú trong mùng lưới.

Ông Hai Kiệt kể: “Năm ngoái sóng đánh bị bể bè cá, thiệt hại cũng một phần, giờ đang gây dựng lại. Ở vùng biển này thấy nuôi con cá bống mú thích hợp nhất và phù hợp với điều kiện người dân. Nghe đâu quy hoạch sắp tới, nơi đây sẽ trở thành khu nuôi cá lồng bè: cá bớp, cá bống mú… Được vậy thì bà con ở đây có thêm việc làm, chứ phụ thuộc vào nghề biển cũng khá bấp bênh”.

Tính ra ông Hai Kiệt gắn bó với mô hình nuôi cá bống mú khoảng 3 năm, tận dụng nguồn giống chủ yếu tại địa phương, mua của những người đi đánh lưới, đặt lú…

Hơn 3.000 con cá bống mú được nuôi trong 2 lồng bè, dự kiến xuất bán tại các nhà hàng, khách sạn ở huyện và các mối quen ở TP Cà Mau trong thời gian tới.

“Nuôi khoảng 6 tháng cá đạt trọng lượng khoảng gần 1 kg, là mình xuất bán được. Giá khoảng 250.000 đồng/kg. Thức ăn của cá bống mú chủ yếu là các loại cá phân, cá vụn, mình mua lại của người dân”, ông Hai Kiệt cho biết. 

Ở Hòn Đá Bạc, bà con gọi ông là “bảo vệ” của hòn, vì có việc gì, xảy ra sự cố tàu bè… ông Hai đều báo cáo cho Ban Quản lý khu du lịch, ai khó khăn gì, ông cũng sẵn sàng giúp đỡ, đặc biệt là ngư dân trên biển gặp nạn. Hơn 10 năm sống trên bè, mùa nào, con nước gì, loại cá nào ông đều nắm rõ.

Ngồi trên chiếc bè chông chênh cùng những vật dụng thô sơ, ít ai nghĩ rằng đây là chỗ an cư dài lâu của ông Hai. Bà con hay khách du lịch quý mến ông Hai ở chỗ nhiệt tình, hiếu khách và thật thà. Khách đến mua hải sản nếu có nhu cầu ăn uống thì ông Hai cũng sẵn sàng làm một số món ăn như hàu nướng, cá nướng… cho du khách. Bè như chỗ dừng chân tránh nắng cho du khách.

Theo ông Hai: “Nơi đây cũng xem như nguồn sống của mình, nên tôi yêu quý mọi thứ thuộc về nơi này, qua đó cũng giới thiệu cho du khách phương xa biết về đời sống và con người miền biển”.

Là cựu chiến binh của ấp Kinh Hòn, lớn tuổi, con cháu thấy sống ở biển cực nên thuyết phục về bờ nhưng ông không chịu. Ông bảo: “Sống ở đây riết rồi quen, mình cũng thích biển, với lại thím Hai bệnh mất rồi, nên tìm về biển để tâm hồn được thoải mái hơn. Bởi vậy đi về nhà mấy bữa là phải lên bè rồi”.

Năm 12, 13 tuổi, ông Hai đã theo cha đánh bắt trên biển, nghề biển ăn sâu vào máu thịt ông. “Hồi lúc thanh niên có chiếc ghe tam bản (đục lườn) làm chỗ ngủ phía trên, ở dưới thì giăng câu kiếm cá… và chuyên cung cấp thuỷ hải sản tươi sống cho khu du lịch Hòn Đá Bạc. Sau đó, cất cái chòi ở tạm, rồi từ từ xin phép Ban Quản lý khu di tích làm cái bè ở tới nay”, ông Hai tâm sự.

Trên chiếc bè thô sơ (dài khoảng 6,3 m, ngang 3 m) mà ông Hai tự đóng, mùa gió nam ông Hai di chuyển bè về phía gần bờ, còn mùa chướng với mùa bấc, ông lại kéo bè ra chỗ khác để tránh gió. Gia tài có 2 chiếc xuồng, 1 chiếc ông đi gần bờ, còn 1 chiếc to hơn chút ông dùng đi đánh lưới cá ba thú vào những ngày biển động.

Chúng tôi thắc mắc: “Chú sống đây một mình có buồn không?”. Ông Hai cười: “Cũng đôi lúc thôi, nhưng xa biển vài hôm thì thấy thiếu thiếu cái gì đó. Những ngày cuối tuần, con cháu hay bạn bè lúc rảnh cũng ghé thăm, ở đây chú cho ăn uống thoải mái rồi ngủ trên bè, mà phải ngủ võng như dân biển mới được”.

Cuộc sống đơn giản của ông Hai Kiệt trên chiếc bè.
Cuộc sống đơn giản của ông Hai Kiệt trên chiếc bè.

Còn gì tuyệt vời hơn khi được thưởng thức những món ăn từ biển do ông đi đánh lưới được: cá ba thú, cá ngát… Buổi tối ngồi trên chiếc bè, cùng nhâm nhi, tâm sự chuyện đời, thật là một kỷ niệm đáng nhớ.

Chiếc bè của ông Hai Kiệt buổi đêm gió to, khá tròng trành, trải nghiệm ngủ trên võng một đêm, tuy không quen lắm nhưng cảm giác rất thoải mái. Sóng biển làm bè nghiêng qua nghiêng lại, dễ chìm vào giấc ngủ sâu.

Anh Nguyễn Minh Dương, xã Khánh Hưng, trần tình: “Thấy ông anh mình cũng đơn chiếc, vợ mất 7 năm rồi, nên thỉnh thoảng tôi cũng ghé thăm. Tánh tình ngay thẳng, thật thà nên anh em sống với nhau rất tình nghĩa. Tôi ở đây mấy bữa phụ giúp tiếp buôn bán, đặc biệt mấy bữa sóng gió nhiều, buổi tối có 2 anh em trên bè cũng yên tâm hơn”.

Giờ nguyện vọng của ông Hai Kiệt là có nguồn vốn để đầu tư bè cá bống mú nhiều hơn nữa, khi đã có nguồn giống tốt rồi thì cung cấp, hỗ trợ, khuyến khích bà con ở hòn nuôi. Nguồn lợi của biển giờ cũng không còn như trước, do bị khai thác quá mức khu vực gần bờ.

“Còn chiếc bè thì ráng thời gian nữa mở rộng ra để cho khách du lịch có điểm dừng chân, ăn uống, nghỉ ngơi thoải mái và không còn sợ mưa to gió lớn nữa”, ông Hai Kiệt bộc bạch.

Thiếu tá Lê Văn Hiền, Phó trưởng Ban Quản lý Khu di tích Hòn Đá Bạc, cho biết: “Chú Hai lớn tuổi, một mình mưu sinh nên anh em cũng hết sức tạo điều kiện cho chú. Bên cạnh cung cấp đặc sản của biển như cá chẽm, tôm tích, hàu… cho du khách gần xa, khi có chuyện gì về an ninh trật tự trên hòn, cũng như các sự cố trên biển, chú Hai cũng trình báo và phối hợp để giúp đỡ”.

Rời nhà bè, chào tạm biệt ông Hai Kiệt trong chiều mưa, ông Hai dặn vội: “Khi nào có đi ngang qua đây lỡ đường thì ghé chú nghỉ nghen con, chú ở đây suốt”. Đáp lời, ra về tôi vẫn nhớ lời tâm sự của ông Hai trước đó: “Khi chú chết thì sẽ thiêu, hài cốt của chú khi ấy sẽ về với biển cả thân yêu”./.

Theo Nhật Minh (Báo Cà Mau)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh