Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ trong sản xuất lúa để trồng nấm rơm, nhiều hộ nông dân ở TP Cần Thơ đã có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình mình và góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Nhờ tận dụng nguồn phụ phẩm rơm rạ trong sản xuất lúa để trồng nấm rơm, nhiều hộ nông dân ở TP Cần Thơ đã có điều kiện nâng cao thu nhập cho gia đình mình và góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông thôn.
Hiệu quả
Hiện trên địa bàn TP Cần Thơ có 426ha trồng nấm rơm, tăng 23ha so cùng kỳ năm trước. |
Việc phát triển sản xuất nấm rơm từ phụ phẩm rơm rạ đã góp phần tích cực nâng cao thu nhập và đa dạng hóa nguồn thu nhập cho nông dân trồng lúa. Đồng thời, qua đó giảm tình trạng rơm rạ bị bỏ phí và đem đốt đồng gây ảnh hưởng xấu cho môi trường.
Ông Hồ Văn Vân ngụ ấp Đông Hòa, xã Đông Thuận, huyện Thới Lai, cho biết: “Gia đình tôi có nguồn phụ phẩm rơm rạ sau các vụ sản xuất lúa là khá lớn từ 20 công ruộng.
Đốt bỏ rơm là rất lãng phí mà còn tạo khói bụi gây ô nhiễm môi trường nên tôi đã thu gom rơm lại hết để chất nấm rơm trên các bờ thửa và khoảng đất trống quanh nhà trong thời gian nhàn rỗi mùa vụ kiếm thêm thu nhập.
Hiện nay, nhờ có máy cuốn rơm nên việc thu gom rơm khá dễ dàng và nhanh nhóng, với mức giá thuê máy cuốn rơm ở mức 9.000 đồng/cuộn và rơm được máy đưa vào tận bờ ruộng. Mỗi cuộn rơm khi chất nấm có thể cho năng suất nấm rơm bình quân 1-1,5 kg.
Với giá bán mỗi ký nấm rơm thời gian qua ở mức từ 26.000 đồng/kg trở lên đối với nấm dài, còn nấm tròn (nấm loại 1) có thể bán được giá tới 45.000-60.000 đồng/kg… nông dân có thêm một nguồn thu nhập khá tốt”.
Việc phát triển nghề trồng nấm rơm cũng giúp gia tăng hiệu quả sản xuất và năng suất lao động cho khu vực nông thôn khi các bờ thửa, khoảng đất trống xung quanh nhà của người dân được tận dụng để chất nấm và thu gom, mua bán rơm được đẩy mạnh, giúp tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân.
Nhiều người dân nông thôn cũng có thêm công ăn việc làm nhờ tham gia các hoạt động sản xuất và mua bán nấm rơm. Ngoài ra, nguồn rơm rạ sau khi chất nấm được sử dụng làm phân hữu cơ rất tốt và là nguyên liệu đầu vào không thể thiếu cho việc sản xuất nhiều loại hoa kiểng.
Anh Ngô Thanh Lượm ngụ phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, cho biết: “Trồng nấm rơm rất “mau ăn” bởi thời gian từ lúc chất rơm đến thu hoạch hết nấm chỉ kéo dài hơn 1 tháng nên có thể chất nhiều vụ nấm trong năm.
Với giá nấm rơm ở mức cao như những tháng vừa qua, với nấm loại 1 giá từ 45.000-65.000 đồng/kg, mỗi công đất chất nấm rơm, nông dân có thể kiếm lời 10-25 triệu đồng/vụ kéo dài khoảng hơn 1 tháng. Tuy nhiên, trồng nấm rơm đòi hỏi vốn đầu tư và kỹ thuật khá cao và phải thuê mướn nhiều nhân công khi sản xuất với diện tích lớn do phần lớn các công đoạn chất nấm rơm được làm thủ công bằng tay.
Ngoài ra, muốn chất nấm đạt năng suất cao cần phải đổi mới nơi chất nấm chứ không thể chất liên tục nhiều vụ trên cùng một nền đất”. Theo anh Lượm, chính việc phải thay đổi nơi chất nấm liên tục và cần phát triển quy mô sản xuất nên những người tham gia sản xuất nấm rơm chuyên nghiệp quanh năm thường phải thuê mướn thêm đất, nhờ vậy những hộ dân có những diện tích đất trống quanh nhà có thể kiếm thêm thu nhập từ việc cho thuê đất, với giá từ 1-2 triệu đồng/1.000m2/vụ nấm.
Để phát triển trồng nấm rơm bền vững
Nguồn rơm phụ phẩm từ sản xuất lúa ở TP Cần Thơ và nhiều tỉnh ĐBSCL là rất lớn, gần như có quanh năm do việc phát triển sản xuất lúa 3 vụ, tạo thuận lợi về nguồn nguyên liệu rơm rạ trồng nấm rơm. Nấm rơm đang là mặt hàng có nhu cầu tiêu thụ rất lớn tại thị trường trong nước và có nhiều tiềm năng để chế biến, xuất khẩu.
Tuy nhiên, phát triển sản xuất nấm rơm tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL vẫn còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng do còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đặc biệt, việc tiêu thụ sản phẩm của nông dân còn phụ thuộc nhiều vào thương lái và giá bán nấm rơm tăng giảm theo nhu cầu thị trường. Nông dân cũng chưa nắm rành về kỹ thuật trồng nấm rơm nên ngại đầu tư phát triển sản xuất vì sợ năng suất đạt thấp sẽ bị thua lỗ.
Anh Hà Long Hồ, ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, cho rằng: “Để ổn định đầu ra cho sản phẩm nấm rơm, nông dân không chỉ mong có nhiều doanh nghiệp và nhà tiêu thụ đứng ra bao tiêu sản phẩm mà rất cần được ngành chức năng thường xuyên cập nhật, thông tin kịp thời về thời tiết, tình hình phát triển sản xuất và tiêu thụ nấm rơm tại các địa phương và trong cả nước, cũng như giới thiệu các mô hình, cách làm hay để giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất và thích ứng các điều kiện bất lợi. Đồng thời, cần đầu tư cho khâu bảo quản, chế biến sản phẩm và mở rộng thị trường xuất khẩu nấm rơm”.
Theo ông Nguyễn Văn Đức ở xã Trường Thắng, huyện Thới Lai, thời gian qua đã tham gia sản xuất nấm quanh năm và thường xuyên thuê mướn thêm đất và nhân công lao động để chất nấm.
Tuy nhiên, do chưa có doanh nghiệp bao tiêu đầu ra nên mỗi tháng gia đình ông chất nấm với số lượng khoảng 2.000 cuộn rơm, chứ không dám làm nhiều vì nguồn vốn có hạn và sợ có thể bị thua lỗ nếu giá nấm rơm bất ngờ có biến động giảm mạnh, cũng như thời tiết bất thường làm năng suất nấm đạt thấp.
Thực tế cho thấy, giá nấm cũng đã giảm so với hồi đầu năm 2022 do có nhiều người trồng, nhất là khi gần đây nguồn rơm rạ phục vụ sản xuất nấm rơm nhiều nhờ vào vụ thu hoạch lúa đông xuân.
Trong khi đó, những trận mưa trái mùa liên tục xuất hiện làm cho nhiều diện tích chất nấm rơm trên nền đất ruộng trong vụ hè thu bị ngập nước, năng suất nấm đạt thấp...
Để ổn định và phát triển nghề trồng nấm rơm, nông dân rất cần sự quan tâm, hỗ trợ tập huấn kỹ thuật từ các ngành chức năng và cần có các doanh nghiệp đứng ra bao tiêu sản phẩm nấm rơm cho nông dân.
Đồng thời, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương để điều phối sản xuất một cách phù hợp nhằm cân đối cung - cầu, tránh tình trạng nông dân tại nhiều địa phương cùng ồ ạt sản xuất nấm rơm tại cùng một thời điểm làm cung vượt cầu, dẫn đến giá bán sản phẩm bị giảm thấp.
Nấm rơm trồng tại TP Cần Thơ và nhiều tỉnh vùng ĐBSCL không chỉ phục vụ nhu cầu tại chỗ mà còn tiêu thụ rất mạnh tại TP Hồ Chí Minh và nhiều tỉnh, thành miền Đông Nam Bộ. Nấm rơm cũng được một số cơ sở và doanh nghiệp thu mua để chế biến xuất khẩu.
Nếu liên kết và kết nối tốt giữa các bên liên quan, chắc chắn đầu ra của sản phẩm nấm rơm sẽ còn rộng mở, tạo thuận lợi cho nghề trồng nấm rơm phát triển, góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân.
Theo Khánh Trung (Báo Cần Thơ)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin