Cổ tích giữa đời thường

Cập nhật, 16:43, Thứ Tư, 13/04/2022 (GMT+7)

 

Bà Chín và anh Nhứt bùi ngùi xúc động nhìn lại những tấm hình trước và sau phẫu thuật.
Bà Chín và anh Nhứt bùi ngùi xúc động nhìn lại những tấm hình trước và sau phẫu thuật.

Tự ti, mặc cảm, khó có đời sống trọn vẹn như những người lành lặn, đó là nỗi đau lớn nhất của những phận đời không may mắn khi cơ thể khiếm khuyết một bộ phận nào đó. Từ một dự án về hỗ trợ người khuyết tật vươn lên, sau nhiều năm, rất nhiều hoàn cảnh đã được phẫu thuật để tái hoà nhập cộng đồng, có được đời sống hạnh phúc. Một kết thúc có hậu như những câu chuyện cổ tích.

Tại chợ xã Trí Phải, cửa hàng sửa điện thoại Hoàng Nhứt luôn có khách ra vào. Ông chủ Châu Văn Nhứt sinh năm 1987 (Ấp 1, xã Trí Phải, huyện Thới Bình) với gương mặt sáng, cử chỉ nhanh nhẹn, là một người vươn lên từ gian khó.

Anh Nhứt bộc bạch: “Gia đình tôi thuộc diện khó khăn, tôi là người con thứ 6 trong gia đình, kinh tế chủ yếu nhờ vào việc làm ruộng. Từ nhỏ tôi bị tật một bên chân, lòng bàn chân hướng lên trên.

Bàn chân lật khiến tôi di chuyển khó khăn và tự ti vì khi không được chạy nhảy như bạn bè. Lúc đó tôi 15 tuổi, nếu không có dự án, tôi nghĩ đến nay mình vẫn chưa có điều kiện phẫu thuật”.

Năm 2003, anh Nhứt là một trong số những hoàn cảnh được phẫu thuật miễn phí tại Trung tâm Phục hồi chức năng Cần Thơ. Toàn bộ kinh phí do Tổ chức Phi chính phủ về Trẻ em thế giới - Quyền con người (EMDH) tài trợ. Dự án thí điểm dựa trên sức khoẻ cộng đồng cho trẻ em là nạn nhân của chất độc da cam tại huyện Thới Bình và U Minh.

Duy trì từ năm 2001-2008, dự án bao gồm các hoạt động hỗ trợ tất cả các trẻ mang 3 mức độ khuyết tật (suy yếu khả năng, khuyết tật, tàn phế) được phẫu thuật, sớm hoà nhập cộng đồng. Ngoài ra còn hỗ trợ về học tập và các điều kiện vật chất (xây nhà và khoan cây nước). Tại xã Trí Phải lúc bấy giờ, gần 100 hoàn cảnh trẻ em khuyết tật đã được hỗ trợ, kinh phí hơn 400 triệu đồng.

Trong cuộc đồng hành tìm lại bàn chân lành lặn của mình, anh Nhứt nhớ mãi bóng dáng của người phụ nữ nhỏ bé nhưng hoạt bát, luôn xưng Chín và gọi con ngọt ngào.

Người phụ nữ ấy tên đầy đủ là Phạm Thị Chín, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật xã Trí Phải, gắn bó với công tác chăm lo cho người khuyết tật từ năm 1999, cũng là người đồng hành trong suốt thời gian dự án hoạt động tại địa phương.

Cầm trên tay xấp hình của những hoàn cảnh từng được hỗ trợ phẫu thuật, bà Chín nhanh tay tìm kiếm tấm hình của anh Nhứt, ôn tồn: “Hình của con đây nè, nhìn ra không?”.

Trong ảnh cậu học trò với gương mặt xương, trong tư thế ngồi, một bàn chân lật lên, mặt lộ vẻ ngại ngùng vì được chụp ảnh. Bức thứ 2 là bàn chân băng bó kín sau phẫu thuật, mặt vẫn biểu cảm vì đau đớn.

Nhìn thấy ảnh mình, anh Nhứt vui vẻ nhưng vẫn xúc động: “Nhìn không ra Chín ơi, chụp hồi nào con không nhớ, lúc này con 15 tuổi, hồi nhỏ ốm nhom mà đen, cái chân lật lên chứ không phải lành lặn như bây giờ, đau đớn lắm”. Vừa nói anh vừa khoe bàn chân trắng, mập mạp của mình, cả anh và bà Chín đều cười.

Nhắc về những ngày sau phẫu thuật, anh Nhứt bùi ngùi: “Nhờ cô mà tôi có được ngày hôm nay, được lành lặn như bao người. Ròng rã gần 3 tháng trời, từ lúc mổ đến về nhà, vết thương nhiễm trùng, một tay Chín qua rửa vết thương đều đặn, có khi tại nhà, khi lên tận trường tôi học, cứ vậy cho đến khi vết thương lành hẳn, cô Chín là người ơn lớn của đời tôi”. Không chỉ được phẫu thuật, anh Nhứt còn được hỗ trợ khoan cây nước và cấp học bổng.

“Năm đó khi tiếp nhận dự án tôi mừng lắm, vì cơ hội này không phải xã nào cũng may mắn có được. Tôi nhanh chóng lập hồ sơ, khảo sát hoàn cảnh cần giúp đỡ để các em nhỏ được phẫu thuật miễn phí”, bà Chín chia sẻ.

Vanh vách kể lại các hoàn cảnh chung đợt phẫu thuật với anh Nhứt,  bà Chín không khỏi tự hào vì những cô, cậu bé khiếm khuyết năm nào nay đã có sự nghiệp ổn định, lập gia đình và thành công.

Đến nay, dù còn cư trú tại địa phương hay không, các hoàn cảnh vẫn giữ liên lạc với bà, thường xuyên thăm hỏi sức khoẻ và đời sống, sợi dây tình cảm thắt chặt giữa người  hỗ trợ thực hiện dự án và người được hưởng lợi từ dự án vẫn hết sức gắn kết. Nhiều kỳ tích đã xuất hiện, tái sinh cho những cánh hoa khuyết được sống đúng nghĩa thêm lần nữa...

Theo Yến Nhi (Báo Cà Mau)