Gìn giữ nghề xưa

Cập nhật, 14:47, Thứ Sáu, 08/04/2022 (GMT+7)

Nghề làm lờ, làm lọp, đặt lờ, đặt lọp… đã có từ lâu đời. Từ thuở khẩn hoang mở đất, ông cha ta đã làm ra các công cụ ấy để bắt cá và chúng đã trở thành nét đặc trưng của đời sống bà con Nam Bộ. Theo thời gian, nghề này vẫn tồn tại, tuy không còn như trước nhưng vẫn được gìn giữ từ những lão nông cố cựu. Bên cạnh đó, các khu du lịch tái hiện lại hoạt động của nghề, cho du khách trải nghiệm nét độc đáo của xứ rừng U Minh.

Tre là nguyên liệu phổ biến để bà con làm lờ, làm lọp…
Tre là nguyên liệu phổ biến để bà con làm lờ, làm lọp…

Ấp 7, xã Khánh Bình Đông, huyện Trần Văn Thời, được xem là nơi khởi phát của nghề làm lờ, làm lọp… vùng ngọt hoá. Ông Nguyễn Văn Thanh (Ba Thanh) có kinh nghiệm gần 40 năm làm nghề. Với niềm đam mê của mình, ông đã cải tiến một số lờ, lọp… phù hợp với từng đặc tính của địa phương.

Ông Ba Thanh chia sẻ: “Ở đây sản xuất chủ yếu lọp cua, lờ cá, lọp cá… Tuỳ theo kích thước cá muốn bắt mà bà con sẽ có công cụ riêng. Công phu nhất là cái lờ cá, vì khâu làm hom lờ rất tỉ mỉ và tốn nhiều thời gian. Đặc biệt, tôi đã cải tiến cái lọp cá (hom lưới), không chỉ bắt cá mà còn bắt lươn, rất phù hợp với bà con xứ U Minh”.

Năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Thanh (Ba Thanh) vẫn duy trì và bám trụ với nghề làm lờ, làm lọp… như một phần của cuộc đời mình.
Năm nay đã 60 tuổi nhưng ông Nguyễn Văn Thanh (Ba Thanh) vẫn duy trì và bám trụ với nghề làm lờ, làm lọp… như một phần của cuộc đời mình.

Cuối mùa hạn cũng là lúc các đơn hàng của ông Ba Thanh lại tấp nập hơn. Vợ chồng ông dù đã lớn tuổi nhưng vẫn gìn giữ nghề làm lờ, làm lọp để thế hệ sau này tiếp nối. Bình quân nửa tháng, ông Ba Thanh làm được  hơn 100 cái lọp cá, 200 cái lọp cua… Giá bán dao động từ 35.000-50.000 đồng/cái, cho thu nhập khá ổn định.

Điểm du lịch Hương Tràm (Ấp 16, xã Khánh An, huyện U Minh) có dịch vụ cho du khách trải nghiệm băng qua những tán rừng tràm, tự tay mình dỡ lờ, lọp… bắt cá.

Cá đồng nơi đây được gìn giữ và bảo vệ, không làm mất đi hệ sinh thái tự nhiên của rừng U Minh. Chị Lê Hải Nghi, Phó giám đốc Điểm du lịch Hương Tràm, cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là phát triển du lịch sinh thái bền vững gắn với bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, du khách được mặc trên mình bộ đồ bà ba truyền thống, được trải nghiệm đi hái rau, hái lục bình… tạo cho những bạn trẻ tình yêu thiên nhiên, con người Cà Mau”.

Tại Điểm du lịch Hương Tràm, du khách rất thích thú khi được trải nghiệm dỡ lọp bắt cá, đa phần sản phẩm thu được là cá lóc, cá rô…
Tại Điểm du lịch Hương Tràm, du khách rất thích thú khi được trải nghiệm dỡ lọp bắt cá, đa phần sản phẩm thu được là cá lóc, cá rô…

Theo QUỐC RIN - NHẬT MINH (Báo Cà Mau)