Ngoài nuôi đặc sản nổi tiếng là cá thát lát, những năm qua, lão nông Lý Văn Bon (54 tuổi) ở Cồn Sơn thuộc (Cần Thơ) còn nuôi dưỡng, bảo tồn những loài "thủy quái' để thu hút khách du lịch.
Ngoài nuôi đặc sản nổi tiếng là cá thát lát, những năm qua, lão nông Lý Văn Bon (54 tuổi) ở Cồn Sơn thuộc (Cần Thơ) còn nuôi dưỡng, bảo tồn những loài "thủy quái' để thu hút khách du lịch.
Người nâng tầm cho cá thát lát
Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang, ông Lý Văn Bon không theo nghề đã học mà lại về Cà Mau và làm việc tại Cục Hải quan tỉnh nhà.
Năm 1998, trong một lần đi công tác, tình cờ ông Bon quen biết với một tiến sĩ thủy sản người Pháp. Được sự chỉ dẫn của vị tiến sĩ và với kiến thức được học từ nhà trường, ông Bảy Bon quyết định rời Cà Mau lên Cần Thơ bắt đầu chuỗi ngày lênh đênh trên sông Hậu.
Ông Lý Văn Bon chọn Cồn Sơn (Cần Thơ) để khởi nghiệp và nuôi cá vì ở đây có nguồn nước sạch và vị trí thuận lợi.
Ông Lý Văn Bon đang cho cá ăn (Ảnh: Bảo Kỳ). |
"Lần đầu tiên, tôi nuôi 2 lồng bè nuôi cá điêu hồng với số vốn 200 triệu đồng, cho lời cao lắm. Vì cá điêu hồng dễ nuôi, thời gian thu hoạch ngắn. Sau mẻ cá đầu tiên thấy lời nhanh, tôi gom vốn cắm thêm 2 bè nữa thì bắt đầu lỗ. Từ đó, tôi chuyển hướng sang nuôi cá khác", ông Lý Văn Bon chia sẻ.
Năm 2012, ông phát hiện ra giống cá thát lát cườm của người Hậu Giang nuôi với ưu điểm như thịt dai, giòn, ngọt được nhiều người ưa chuộng nên bắt đầu mua giống về nuôi.
Khi nuôi thử dưới dòng nước chảy sông Hậu cá thát lát được sống trong môi trường tự nhiên nên không chỉ mau lớn mà còn rất ngon.
Cá thác lác cườm là mặt hàng nuôi trồng chủ lực của ông Lý Văn Bon (Ảnh: Bảo Kỳ). |
Ông Lý Văn Bon đang sở hữu hàng chục lồng bè cá thát lát đạt tiêu chuẩn VietGAP, với sản lượng xuất bán mỗi năm từ 700 tấn trở lên.
Ngoài ra, ông còn đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cá thát lát như: Ướp muối sả, rút xương, chả cá. Sản phẩm được đóng gói, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, cung cấp khắp các tỉnh, thành trong và ngoài nước.
Nhân viên của ông Lý Văn Bon đang ôm con cá cầy nặng khoảng 20 kg (Ảnh: Bảo Kỳ) |
Nuôi dưỡng, bảo tồn hàng chục loài "thủy quái"
Ngoài cá thát lát, ông Lý Văn Bon tiếp tục nuôi và nhân giống một số giống cá quý hiếm trên dòng Mekong đang bị mai một.
Một số loài "thủy quái" đang được ông nuôi như cá hồng vĩ, cá heo đuôi đỏ, cá leo, cá cọp, cá hô, cá trà sóc. Một số giống cá có ngoại hình bắt mắt hoặc đặc tính độc lạ, phù hợp cho khai thác du lịch như cá mê rỗ, cá koi, cá phụng…
Con cá cọp ông Lý Văn Bon đã bắt được trên sông Hậu và nuôi nhiều năm nay (Ảnh: TM). |
Theo ông Bảy, mỗi loại cá có chế độ nuôi và thiết kế lồng bè khác nhau, phụ thuộc vào đặc tính từng loài. Chẳng hạn, cá hô nuôi bè hở nhưng phải thiết kế mái che, còn cá leo và cá trà sóc phải nuôi bè kín, che chắn kỹ vì cá rất dễ phóng ra ngoài…
Ngoài ra, các kỹ thuật về khẩu phần ăn, thời gian sinh sản… cũng đều phải am hiểu từng con một mới nuôi đạt hiệu quả.
Con cá hồng vỹ có râu dài như "thủy quái" mà ông Lý Văn Bon đang sở hữu (Ảnh: TM). |
Hiện, một số loài quý hiếm được ông Lý Văn Bon "thuần dưỡng" thành công với số lượng vài ngàn con /chủng loại. Tuy nhiên mặt hàng này ông chưa sản xuất thương phẩm mà chỉ phục vụ cho khách tham quan hoặc thưởng thức với số lượng ít.
Tạo việc làm cho gần 30 lao động
Với mô hình nuôi cá bè kết hợp du lịch, những năm qua ông Lý Văn Bon đã tạo công ăn việc làm cho gần 30 lao động thường xuyên làm việc tại bè cá và cơ sở chế biến cá thát lát cườm, với mức lương 7-10 triệu/người. Trong năm 2019, với sản lượng cung cấp hơn 600 tấn cá thát lát cườm, trừ hết chi phí ông thu về từ 5-6 tỷ đồng.
"Mục đích của tôi nhân giống các loại cá quý hiếm chủ yếu phục vụ việc bảo tồn và giới thiệu cho mọi người biết về những con cá đặc trưng ở sông Mekong sắp tuyệt chủng.
Mỗi đợt thu hoạch cá, tôi đều thả một vèo cá đầu tiên ra sông để chúng sinh sôi nảy nở ngoài tự nhiên. Tôi không khuyến khích bà con ăn những con cá bắt được ngoài tự nhiên mà hãy ăn những con cá được nuôi. Vì nếu đánh bắt quá mức, nguồn thủy sản sẽ tận diệt", lão nông Cần Thơ tâm sự.
Nuôi cá kết hợp làm du lịch
Còn nghề nuôi cá, ông Bảy Bon là thành viên của du lịch cộng đồng Cồn Sơn vào năm 2016. Trước khi có dịch bệnh, mỗi ngày bè của ông đón tiếp 300-500 du khách, có cả khách nội địa và khách nước ngoài.
Cá mê rỗ "biểu diễn" tài năng bay lên khỏi mặt nước đớp con mồi. Loài cá này có tốc độ rất nhanh có thể phóng cao đến 2m để bắt mồi, ngoài ra chúng còn có khả năng bắn tia nước để con mồi rơi xuống nước (Ảnh: Bảo Kỳ). |
Khách đến tham quan sẽ được ngắm các loài cá quý hiếm, đồng thời trải nghiệm các hoạt động như massage chân bằng cá koi, xem cá mê rỗ bắt mồi,…
Từ năm 2020 đến nay, tình hình sản xuất cá bè của ông Bảy Bon gặp khó khăn vì dịch Covid-19. Do dịch bùng phát nên mạch cung ứng sang thị trường nước ngoài của ông đứt gãy, doanh thu của gia đình ông không cao bằng những năm trước.
Bà Trần Thị Thiên Thư - Phó Chủ tịch Hội Nông dân TP Cần Thơ cho biết: "Ông Lý Văn Bon là một nông dân tiêu biểu của thành phố với tư duy nhạy bén, mới lạ, đem lại thu nhập cao và tạo được công ăn việc làm cho lao động địa phương".
Du khách trải nghiệm massage chân bằng cá koi (Ảnh: Bảo Kỳ). |
Theo bà Trần Thị Thiên Thư, những năm qua ông Lý Văn Bon đã nhận được nhiều bằng khen từ cấp Trung ương đến địa phương. Đặc biệt, năm nay ông vừa được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam chọn là một trong các nông dân xuất sắc Việt Nam năm 2021.
Theo Bảo Kỳ/Báo điện tử Dân trí (www.dantri.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin