Nỗ lực duy trì xuất khẩu thanh long, chuối trong dịch

11:08, 27/08/2021

Nhiều nhà vườn vẫn đang nỗ lực duy trì chuỗi xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 bủa vây khó khăn.

Nhiều nhà vườn vẫn đang nỗ lực duy trì chuỗi xuất khẩu trong bối cảnh dịch COVID-19 bủa vây khó khăn.

Sơ chế thanh long tại kho thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sơ chế thanh long tại kho thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Long An - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trong khi đó, cơ quan chức năng lưu ý cần ký kết các hợp đồng trước khi quyết định chở hàng đến biên giới Trung Quốc để tránh việc bị nghẽn lại. 

60% sản lượng thanh long vẫn xuất khẩu thường lệ

Từ trung tâm TP Tân An (Long An), nơi đang là vùng đỏ về COVID-19, đến vùng thanh long ở huyện Châu Thành, nơi đang là vùng cam, chỉ chưa đầy 10 cây số, nhưng phải dừng xe nhiều lần để xuất trình giấy tờ mới có thể đến được UBND xã Hiệp Thạnh. 

Các nẻo đường vắng tênh, dấu hiệu vụ mùa chỉ là những chiếc xe ba gác chở thanh long vừa thu hoạch thi thoảng xuất hiện từ giữa những vườn thanh long xanh điểm đầy trái đỏ.

"Chúng tôi đã test sàng lọc xong cho hơn 8.000 người trong xã, kể cả những người làm thuê ở gần 30 điểm trọ trong xã để cho phép người thu hoạch thanh long đi lại từ chỗ ở đến kho làm", ông Nguyễn Xuân Trường - chủ tịch UBND xã Hiệp Thạnh - vừa đang cùng các cán bộ xã phân chia rau, thịt vừa nói.

Xã Hiệp Thạnh là một trong những xã tập trung nhiều kho thanh long nhất với 18 kho chuyên thu mua, chế biến đủ chuẩn xuất khẩu.

Từ khi Long An bùng dịch đến nay, huyện Châu Thành đã tính đến phương án thuyết phục người dân ngừng luôn hoạt động của các kho thanh long để đảm bảo an toàn, tránh lây lan dịch. 

Tuy nhiên, nhờ được tỉnh tập trung hỗ trợ, huyện đã ưu tiên test nhanh cho người canh tác, thu hoạch thanh long, duy trì được dây chuyền hoạt động của nông sản nổi tiếng nhất tỉnh này. Chỉ riêng tại xã Hiệp Thạnh, hiện vẫn có 6 kho đang hoạt động thu mua để xuất khẩu và cung ứng cho các chuỗi siêu thị trong nước.

Tại kho Vạn Phát Thành ở phía đối diện trụ sở UBND xã Hiệp Thạnh, quang cảnh nhộn nhịp trái ngược với sự im lìm vốn đã quen thuộc trong hơn 2 tháng giãn cách vừa qua. 

Gần trăm nhân công tập trung thao tác đủ các công đoạn lựa trái, cân, theo dây chuyền làm sạch, vô bao bì, đóng thùng, chuyển lên thùng container một cách khẩn trương. Anh Nguyễn Trung Kỳ - quản lý kho - nói qua lớp khẩu trang: "Yên tâm là tất cả đều vừa mới được test âm tính hết rồi. Nay bốc khoảng 2 tấn xuất khẩu".

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thanh long Long An, trong 3 tháng dịch vừa qua, mỗi tháng Long An vẫn xuất khẩu được khoảng 15.000 tấn thanh long, đạt gần 60% sản lượng xuất khẩu bình thường. 

Đặc biệt, giá của hàng xuất khẩu vẫn dao động ở mức 18.000 - 20.000 đồng/kg. "Chủ yếu vẫn là xuất đi Trung Quốc và một số ít nước châu Âu như thường lệ", ông Nguyễn Quốc Trịnh - chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An - chia sẻ.

Sản xuất nông nghiệp đứt gãy thì mất cả mùa

Nằm ở gần biên giới xa xôi và hoàn toàn trong vùng xanh huyện Đức Huệ nhưng để ra vào trang trại chuối của Công ty TNHH Huy Long An vẫn phải trình giấy tờ mới được một chốt kiểm soát dịch của xã Mỹ Bình cho qua. 

Tất cả người lao động của ông Huy đã được tiêm một mũi vắc xin ngừa COVID-19 và đều phải ở lại, kể cả nhiều người nhà chỉ cách trang trại chuối chưa đầy 5 phút chạy xe.

Quy trình sản xuất chuối vẫn vậy, khác biệt là ai cũng phải đeo khẩu trang và thường xuyên đến xịt cồn rửa tay. 

"Không đeo khẩu trang phạt 100.000 - 300.000 đồng, các vi phạm khác phạt 500.000 - 1 triệu đồng, vi phạm hai lần đình chỉ công việc", đó là những dòng thông báo mới viết gần 2 tháng nay, dán ở nhiều nơi trong xưởng sản xuất và các ngõ ra vào kể từ khi trang trại này phải thực hiện "3 tại chỗ" để đảm bảo sản xuất.

Ông Huy cho biết mỗi ngày trang trại này vẫn thu hoạch khoảng 20 tấn chuối, mỗi tuần xuất đi hơn 100 tấn. Ngoài một số hàng đi thị trường nội địa đến các siêu thị thì chủ yếu vẫn xuất đi Trung Quốc và Nhật. 

Dù vậy ông Huy vẫn nói "tôi lo sốt vó từ đầu mùa tới giờ" vì mọi năm, ông Huy có doanh thu xuất khẩu chuối khoảng 6 triệu USD nhưng từ đầu năm đến nay mới chỉ được 1/3 con số này. Chi phí để sản xuất "3 tại chỗ" cũng cao hơn rất nhiều ngày thường.

"Nhưng đó không phải là điều lo nhất. Giá lúc lên lúc xuống, nhìn chung mặt hàng xuất khẩu thì giá có lúc lỗ mà không đến nỗi bị dồn hàng. Tuy nhiên việc giãn cách xã hội kéo dài làm tăng chi phí lên rất nhiều và nguy cơ đứt chuỗi sản xuất rất lớn", ông Huy nói. 

Theo ông Huy, việc sản xuất nông nghiệp có một đặc thù riêng là phải liên tục, không thể nói dừng là dừng ngay được: "Như cây chuối, từ lúc trồng đến lúc thu hoạch khoảng 11 tháng phải chăm sóc ngày này qua ngày khác. Đâu phải như một số ngành công nghiệp, chỉ cần tắt điện dừng máy chạy là được. Quy trình chăm sóc bị ảnh hưởng một giai đoạn thì có khi thất bát cả một vụ mùa".

Cần thỏa thuận, ký hợp đồng trước khi xuất nông sản qua cửa khẩu Tân Thanh

Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 25/8, bà Hoàng Thị Thiều Hoa, phó chi cục trưởng Chi cục hải quan Tân Thanh (Cục Hải quan Lạng Sơn), cho biết việc lưu thông hàng hóa qua cửa khẩu này đã hoạt động bình thường.

Trước đó, ngày 16 và 17-8, phía Trung Quốc thay đổi tạm thời quy trình quản lý thông quan hàng hóa. Quy trình này đã được hai bên thống nhất thực hiện nhằm đảm bảo an toàn công tác phòng chống dịch.

Hiện hàng nông sản được xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu Tân Thanh chủ yếu là thanh long. Ngày 25-8 có hơn 100/khoảng 150 xe hàng nông sản được thông quan là thanh long. 2 ngày trước đó xe thanh long chiếm 80%.

Để giao dịch thuận lợi và hạn chế được rủi ro, ngoài việc thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch của Việt Nam và Trung Quốc, Cục Hải quan Lạng Sơn khuyến cáo doanh nghiệp xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc cần ký kết hợp đồng, thỏa thuận thời gian giao hàng với đối tác bên phía nước bạn trước khi làm thủ tục thông quan lô hàng.

Hiện số lượng xe chở hàng hóa xuất khẩu, đặc biệt là xe chở nông sản, vẫn tiếp tục tập trung đưa lên cửa khẩu Lạng Sơn.

L.THANH

Nên tìm cách đưa thương lái đến vùng nguyên liệu

Theo ông Nguyễn Quốc Trịnh - chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, nhìn chung tình hình dịch tại huyện Châu Thành và nhiều vùng xanh khác của tỉnh Long An vẫn đang được khống chế khá tốt.

Vì thế nên có cách thức cho thương lái nước ngoài đến được vùng nguyên liệu, có thể tổ chức theo tour chẳng hạn, rồi kiểm soát y tế thật chặt chẽ thì sẽ rất khả quan trong việc phục hồi sản lượng tiêu thụ đi các nước.

 

Theo Sơn Lâm (Báo điện tử Tuổi Trẻ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh