Những điểm "check-in" ấn tượng

09:08, 23/08/2021

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên sông núi hữu tình của dãy Thất Sơn huyền bí, An Giang còn nổi tiếng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, tâm linh tín ngưỡng có lối kiến trúc độc đáo, như: lăng Thoại Ngọc Hầu, đồi Tức Dụp, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam…

Không chỉ có cảnh quan thiên nhiên sông núi hữu tình của dãy Thất Sơn huyền bí, An Giang còn nổi tiếng với nhiều di tích văn hóa, lịch sử cách mạng, tâm linh tín ngưỡng có lối kiến trúc độc đáo, như: lăng Thoại Ngọc Hầu, đồi Tức Dụp, miếu Bà Chúa Xứ núi Sam… hứa hẹn sẽ là những điểm “check-in” ấn tượng không thể bỏ qua của du khách ngay khi hết dịch.

Nhắc đến những điểm “check-in” nổi tiếng ở An Giang không thể không nhắc đến Khu du lịch Quốc gia núi Sam (TP. Châu Đốc) với quần thể di tích lịch sử văn hóa, như: miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, chùa Tây An, lăng Thoại Ngọc Hầu, chùa Hang.

Đây là những di tích lịch sử văn hóa có lối kiến trúc độc đáo được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia gắn với sự tích huyền bí thời khẩn hoang mở cõi của vùng đất An Giang.

Hàng năm, nơi đây thu hút hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan và hành hương, chiêm bái cầu bình an, sức khỏe, may mắn, tài lộc...

Ngoài những địa điểm trên, du khách đừng quên đến chùa Xvay-ton (thị trấn Tri Tôn, huyện Tri Tôn), ngôi chùa hơn 300 năm tuổi có nghệ thuật độc đáo, tiêu biểu cho kiến trúc chùa tháp, nơi lưu giữ nhiều bộ sách kinh lá buông của đồng bào dân tộc thiểu số Khmer.

Quần thể di tích văn hóa Óc Eo ở Khu di tích Óc Eo - Ba Thê (thị trấn Óc Eo, huyện Thoại Sơn) lưu dấu những chứng tích của quốc gia cổ Phù Nam.

Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Thánh đường Mubarak (xã Châu Phong, TX. Tân Châu) một trong những thánh đường Hồi giáo lâu đời nhất có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số Chăm ở An Giang.

Thiên nhiên còn ban tặng cho An Giang nhiều ngọn núi lớn nhỏ mọc lên giữa đồng bằng bao la, bát ngát. Núi Cấm (xã An Hảo, huyện Tịnh Biên) là ngọn núi cao nhất trong dãy Thất Sơn.

Núi Cấm được ví như “Đà Lạt của miền Tây” có khí hậu mát mẻ quanh năm với thảm thực vật phong phú, nhiều thắng cảnh thiên nhiên độc đáo, đặc biệt nổi tiếng với nhiều chùa, miếu, am, hang động gắn với huyền thoại, truyền thuyết đầy lý thú về vùng đất và con người chốn non cao. Hàng năm, nơi đây thu hút hàng vạn lượt du khách trong nước và quốc tế đến tham quan, chiêm bái.

Khác với khung cảnh núi non hùng vĩ, rừng tràm Trà Sư (xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên) là một trong những khu rừng ngập nước đẹp nhất miền Tây.

Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động - thực vật quý hiếm. Đến rừng tràm Trà Sư, du khách sẽ được đi thuyền nhỏ len lỏi vào rừng tràm lướt trên những thảm bèo xanh phủ kín cả khu rừng, 2 bên là những cây tràm cao thẳng xen lối lẫn nhau.

Không chỉ được trải nghiệm không gian xanh mát, bình yên của rừng tràm, mà còn được tận mắt ngắm những tổ chim, cò vạc ríu rít rỉa lông, cồng cộc lao mình xuống nước săn cá... tất cả tạo nên bức tranh thơ mộng, độc đáo của tự nhiên.

Những du khách muốn “check in” các di tích lịch sử, tìm hiểu truyền thống cách mạng hào hùng của quê hương An Giang.

Hãy đến Khu lưu niệm Chủ tịch Tôn Đức Thắng ở cù lao Ông Hổ (xã Mỹ Hòa Hưng, TP. Long Xuyên) để thăm nhà lưu niệm thời niên thiếu, viếng đền thờ và tìm hiểu về cuộc đời, thân thế, sự nghiệp, quá trình hoạt động cách mạng của Bác Tôn.

Hay đến Khu du lịch đồi Tức Dụp (huyện Tri Tôn) còn gọi “Ngọn đồi 2 triệu đô-la” gắn với trận đánh oai hùng 128 ngày đêm của quân và dân An Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Còn đó, Khu di tích lịch sử Ô Tà Sóc (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) theo tiếng Khmer có nghĩa là suối ông Sóc, con suối bắt nguồn từ đỉnh Ngọa Long sơn.

Đây là nơi Tỉnh ủy An Giang chọn làm căn cứ chỉ huy các phong trào cách mạng, đánh địch trên các mặt trận trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Hoặc có thể thăm thị trấn Ba Chúc (huyện Tri Tôn) viếng nhà mồ Ba Chúc, nơi lưu giữ những bộ hài cốt của đồng bào bị bọn diệt chủng Pôn-Pốt tàn sát trong chiến tranh biên giới Tây Nam.

Đối với các bạn trẻ yêu thiên nhiên, thích khám phá, trải nghiệm, chụp ảnh không thể bỏ qua thắng cảnh nổi tiếng chùa Tà Pạ (huyện Tri Tôn) mang vẻ đẹp kỳ bí được xây dựng trên những cây cột cao hàng chục mét, nhìn từ xa như đang lơ lửng giữa không trung, nổi bật giữa núi rừng và hồ Tà Pạ nước xanh xanh màu ngọc bích được mệnh danh là “Tuyệt tình cốc miền Tây”.

Còn có những con suối bắt nguồn từ đỉnh núi chảy qua các vồ đá, những hàng cây thốt nốt mênh mông, những con đường uốn lượn quanh co trải dài trên các cánh đồng lúa, đồi núi hùng vĩ soi bóng xuống hồ nước trong xanh tạo nên một cảnh đẹp thơ mộng, tĩnh lặng giữa núi rừng.

Thời điểm này, mặc dù phải tạm gác lại những chuyến đi thú vị để phòng, chống dịch COVID-19, nhưng chúng ta hãy lạc quan, đồng lòng, đoàn kết chấp hành tốt các quy định và biện pháp phòng, chống dịch bệnh để có thể nhanh chóng trở lại cuộc sống bình thường mới.

Sau đó, hãy cùng nhau xách ba-lô lên và đi đến những điểm “check in” ấn tượng để khám phá, trải nghiệm sau khi hết dịch.

Theo Trọng Tín (Báo An Giang)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh