Di tích, thắng cảnh và lễ hội An Giang

01:08, 28/08/2021

Tỉnh An Giang tọa lạc phía Tây Nam của Nam Bộ, nơi đầu nguồn sông Hậu. Ngoài vùng đồng bằng rộng lớn, An Giang còn có một miền bán sơn địa dài 30km, rộng 13km. 

 

 Lâm Viên núi Cấm.
Lâm Viên núi Cấm.

Tỉnh An Giang tọa lạc phía Tây Nam của Nam Bộ, nơi đầu nguồn sông Hậu. Ngoài vùng đồng bằng rộng lớn, An Giang còn có một miền bán sơn địa dài 30km, rộng 13km. Ðó là vùng Thất Sơn thuộc các huyện Tịnh Biên, Tri Tôn.

Hệ thống sông rạch của tỉnh bên cạnh những đặc điểm chung của ĐBSCL, đặc biệt còn có kênh Vĩnh Tế được đào từ năm 1819 đến 1824, nối từ TP Châu Ðốc của tỉnh đến Hà Tiên (Kiên Giang), chạy song song với biên giới Việt Nam - Campuchia.

Tất cả tạo nên vùng đất An Giang có nhiều điểm độc đáo, phong phú về di tích, thắng cảnh và lễ hội.

Thắng cảnh, di tích

Từ Long Xuyên theo tỉnh lộ 941 đi khoảng 50km sẽ đến núi Cấm, huyện Tịnh Biên. Đây là một trong những ngọn núi đẹp và hùng vĩ nhất của Thất Sơn. Núi Cấm cao 716m. Đường mòn lên núi thoai thoải dễ đi, trên sườn núi có nhiều cảnh đẹp như suối Thanh Long, động Thủy Liêm, vồ Bướm...; nhiều vườn cây ăn trái, khí hậu mát mẻ.

 Hiện nay ở sườn phía Đông của núi Cấm có một con đường kiên cố, rộng thoáng, ô tô có thể lên xuống dễ dàng. Trên đỉnh núi Cấm, bên cạnh cảnh núi rừng hoang sơ trong lành còn có hồ chứa nước Thủy Liêm, chùa Phật Linh, điện Bồ Hong…

Khu vực vồ Thiên Tuế (một lòng chảo trên 100ha) đã có nhiều công trình ấn tượng, nhất là tượng Phật Di lặc lớn nhất Đông Nam Á, cao 32m, bên trong là tòa nhà 8 tầng, uy nghiêm giữa núi rừng. Đứng trên đỉnh núi Cấm, có thể thấy núi Tà lơn (Campuchia) ở phía Tây; núi Dài, núi Tượng ở phía Nam; núi Cô Tô ở phía Đông; cùng đồng bằng tứ giác Long Xuyên mênh mông trải rộng tít chân trời.

Núi Sam thuộc TP Châu Đốc là một địa danh nổi tiếng. Từ TP Long Xuyên đi Châu Đốc đoạn đường 56km theo quốc lộ 91, đi thêm 5km nữa thì đến núi Sam.

Núi Sam cao 284m nằm giữa cánh đồng, có đường đá trải nhựa dài 5km cho xe chạy vòng quanh lên tận đỉnh núi. Khu vực núi Sam có đến trên 200 ngôi đền, chùa, am miếu nằm rải rác ở chân núi, sườn núi và trên đỉnh.

Nhiều ngôi chùa, am tự đã có gần 200 năm tuổi. Trên đỉnh có một pháo đài cũ do Pháp xây dựng. Khu vực này thu hút đông đảo khách hành hương vía Bà Chúa Xứ, chiêm bái Tây An cổ tự, thăm đình Vĩnh Tế, vườn Tao Ngộ, đồi Bạch Vân...

Lăng Thoại Ngọc Hầu là công trình đồ sộ ở chân núi Sam, có đền thờ ông Thoại Ngọc Hầu, mộ ông cùng hai phu nhân.

Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại (1761-1829), là danh tướng của triều Nguyễn được giao trấn thủ và khai phá miền biên viễn Tây Nam. Ông là người đã chỉ huy đào kênh Vĩnh Tế và Thoại Hà, mở đường từ Châu Đốc đi núi Sam, Châu Đốc đi Lò Gò và Sóc Trăng, Rạch Giá. 

Toàn bộ khu lăng tẩm kết thành một khối kiến trúc hài hòa, bao bọc xung quanh là bức tường dày đều đặn các với bậc tam cấp xây bằng đá ong. Trong lăng có nhiều bia ký, đối liễn chữ Hán Nôm, phù điêu và tranh tượng, đa phần được chạm trổ bằng đá núi Sam.

Quần thể lăng dựa lưng vào núi Sam, mặt tiền quay ra hướng mặt trời mọc. Sau phần mộ của Thoại Ngọc Hầu có tấm bia “Vĩnh Tế Sơn” bằng đá sa thạch, khắc 730 chữ được dựng từ năm 1828 (4 năm sau khi kênh Vĩnh Tế được đào xong). Lăng Thoại Ngọc Hầu được hoàn thành vào cuối những năm 20 của thế kỷ XIX.

Trải qua bao năm tháng, lăng vẫn giữ nét uy nghi cổ kính, là công trình kiến trúc nghệ thuật mang nhiều ý nghĩa lịch sử. Để tưởng nhớ công Thoại Ngọc Hầu, hằng năm ngày 6-6 âm lịch, nhân dân quanh vùng đến làm lễ tưởng niệm ông.

Lễ hội

Với những đặc điểm địa lý khác biệt (có dãy Thất Sơn giữa vùng đồng bằng), cùng lịch sử khai hoang mở đất cũng như bảo vệ biên cương, lại thêm sự cộng cư của các dân tộc... An Giang có những lễ hội mang sắc thái văn hóa riêng biệt.

Về An Giang lối tháng 4 âm lịch sẽ hòa vào không khí nhộn nhịp, đông vui của Lễ hội vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Đây là một trong những lễ hội dân gian lớn nhất của Nam Bộ, được tổ chức từ đêm 23 đến 27 tháng 4 âm lịch hằng năm. Mỗi năm có hàng triệu lượt người đi dự vía Bà Chúa Xứ Núi Sam.

Lễ hội Hát Gi (Haji hay còn gọi Roya Hadji), là lễ hội của cộng đồng người Chăm Islam. Lễ được tổ chức từ ngày 7 đến 10-12 (Hồi lịch) tại các thánh đường Hồi giáo. Sau phần lễ, người Chăm thường tổ chức vui chơi, sinh hoạt văn hóa thể thao như ca hát, đua ghe... 

Lễ Hội đua bò là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của người Khmer ở vùng Bảy Núi. Hằng năm, các cuộc đua sôi nổi, hấp dẫn được tổ chức luân phiên ở hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Sân đua bò là một khu đất ruộng có nước xâm xấp, rộng khoảng 60m và dài chừng 170m, có giồng đất cao bao quanh, trên bờ giồng là nơi dành cho khán giả đến xem. Phía dưới ruộng là đường đua dài khoảng 90m, rộng khoảng 4m.

Lúc vào trận thi đấu,  mỗi đôi bò được cài ách, gắn với một chiếc bừa, gọng bừa là một tấm gỗ rộng 30cm, dài 90cm, bên dưới là răng bừa.

Thường các chủ bò hoặc người chăm sóc bò kiêm luôn nài. Nài đều khiển đua bò đứng trên bàn bừa, cầm cương và roi thúc bò chạy nhanh. Những đôi bò phi, phóng như bay, rầm rập, tóe nước tạo hứng khởi và sự cổ vũ cuồng nhiệt của khán giả.

An Giang còn có rất nhiều địa điểm hấp dẫn như rừng tràm Trà Sư, núi Sập, đồng Láng Linh, cù lao Ông Hổ, cù lao Giêng... Chỉ riêng khu vực Thất Sơn, có thể kể đến những thắng cảnh độc đáo: núi Cấm, núi Tô (Phượng Hoàng Sơn), núi Két, núi Voi, núi Tượng, núi Bà Đội Om, núi Trà Sư, núi Dài Lớn, núi Dài Nhỏ, núi Nước, Bàu Mướp… Vùng bán sơn địa nên thơ hùng vĩ giữa đồng bằng trù phú với sông rạch chằng chịt, cùng với những lễ hội dân gian mang đậm bản sắc các dân tộc, khiến An Giang trở thành miền đất mang nét văn hóa đặc trưng.


Theo ĐẶNG HOÀNG THÁM (Báo Cần Thơ)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh