Cũng như hàng cau trước ngõ, vườn chuối bên hiên nhà, lũy tre cuối xóm, rặng trâm bầu ven bờ ruộng…, từ lâu hàng dừa nước ven sông đã trở nên quen thuộc với dân vùng sông nước Vĩnh Long quê tôi.
Dừa nước có sức sống mãnh liệt như người dân Vĩnh Long quê tôi. |
(VLO) Cũng như hàng cau trước ngõ, vườn chuối bên hiên nhà, lũy tre cuối xóm, rặng trâm bầu ven bờ ruộng…, từ lâu hàng dừa nước ven sông đã trở nên quen thuộc với dân vùng sông nước Vĩnh Long quê tôi.
Hiện chưa rõ toàn tỉnh có bao nhiêu héc ta dừa nước nhưng thấy có ở nhiều nơi, nhất là ở vùng nước lợ. Ở tỉnh ta, dừa nước sống tập trung nhiều ở các huyện Vũng Liêm, Trà Ôn, Mang Thít và Tam Bình. Chúng tạo thành những mảng xanh dầy đặc, thuần chủng, rợp bóng dọc đôi bờ kinh, rạch.
Anh Lê Văn Nhất (Bảy Nhất, 62 tuổi)- anh vợ tôi- kể: Vào những năm kháng Pháp, chống Mỹ, xã Trung Hiệp (Vũng Liêm) quê anh tôi là xã vùng sâu, dân cư thưa thớt, đồng ruộng trũng thấp bị ngập nước quanh năm.
Kinh, rạch chằng chịt nhưng cạn và hẹp do dừa nước mọc um tùm, lấn dòng, xuồng ghe qua lại khó khăn, nhưng chính chúng là “rừng lá” che chở cho bộ đội, cán bộ ta an toàn trước những trận càn khốc liệt
của địch…
Lâu rồi, hàng dừa nước dưới mé rạch Rô trước nhà anh tôi (nay ở xã Trung Chánh- Vũng Liêm) vẫn xanh tươi. Bụi này ôm lấy bụi kia, tàu dừa nước như bàn tay lớn xòe vút lên không.
Đọt dừa nước nhọn hoắt vươn thẳng đứng lên trời như ngọn giáo, bắp dừa nước căng tròn mọng nước và bộ rễ cắm sâu vào đất, bám chặt vào bờ kinh.
Vào những buổi trưa hè, dừa nước che kín bóng sân nhà anh tôi, trỗi khúc ca xào xạc trong cơn gió chiều. Trong những ngày giông bão, thân và lá dừa cọ nhau như tiếng ai thét gào trong mưa.
Trước đây, dân quê anh tôi còn nghèo, nhà ở đa số là nhà lá. Các bộ phận của ngôi nhà phần lớn đều làm bằng dừa nước, từ kèo nhà, mè, mái cho đến vách nhà. Lá dừa được róc ra chằm lá để lợp nhà. Tàu dừa chẻ ra làm hom, làm lạt để chằm lá.
Bẹ dừa chẻ ra làm lạt dùng để buộc cột kèo, đòn tay và vách nhà. Nhà lá ở rất mát nhưng sau 4-5 năm là phải thay lá mới. Trái dừa nước uống rất ngọt và cơm dừa ăn rất béo.
Gốc dừa nước còn là nơi ở của cá bống dừa, rùa, rắn... và chúng cũng giúp cho dân quê anh tôi mưu sinh qua tháng ngày.
Cách đây 4 năm, ủy ban xã họp dân thông báo nạo vét rạch Rô trước nhà anh tôi để tạo thông dòng chảy kết hợp làm bờ bao ngăn lũ và đề nghị bà con ai nấy đốn cây phát quang dọc hai bên bờ rạch để xáng cạp dễ làm.
Xóm anh tôi ai cũng mừng. Anh tôi cũng vậy nhưng anh ấy còn tiếc chừa lại vài bụi sát bờ để sau này nếu còn sẽ gây giống trồng tiếp.
Rồi rạch Rô được máy cạp móc, xác thân dừa có bụi được thải lên bờ rạch cùng đất, có bụi bị cắt xẻ tan nát, thân dừa nổi bềnh bồng trôi theo dòng nước. Anh tôi vớt xác dừa lên chẻ lạt, chẻ hom.
May thay, công trình làm xong nhưng mấy bụi dừa anh tôi chừa lại vẫn sống. Chúng lại trổ buồng cho trái, rồi anh lại nhân tiếp trồng thành những hàng ven sông.
Đến nay hàng dừa cao lại như xưa nhưng không còn lấn dòng rạch nữa vì anh tôi thường đốn bỏ bớt. Nhờ dừa mà bờ kinh, rạch quê anh tôi ít bị sạt lở vì chúng chắn được sóng tàu, cản được dòng chảy và giữ đất.
Dừa nước có sức sống mãnh liệt, có “ý chí vươn lên và giàu truyền thống cách mạng” như người dân Vĩnh Long quê tôi.
Nhưng ngày nay, do kinh tế của người dân khá lên, những ngôi nhà lá đã từng bước được thay bằng những nhà kiên cố khang trang, nên mảng dừa nước ven sông chỉ còn vai trò giữ bờ, che mát hoặc làm củi.
Và thời gian gần đây, nhiều kinh, rạch được nạo vét, thậm chí được nạo vét nhiều lần để đắp đê, đắp đường giao thông… làm cho lòng kinh sâu hơn nên dễ bị lở.
Dừa nước càng khó sống, mảng xanh ven sông thu hẹp dần thay vào đó là những cống, đập, kè bằng bê tông, thảm đá hộc tấn mé kinh để xử lý bờ sông, bờ kinh bị sạt lở. Người ta ít quan tâm dùng giải pháp mềm, trồng dừa nước, cây cỏ để giữ mé!
Tuy nhiên, người viết còn được biết là ở một số tỉnh lân cận như Cần Thơ, Bến Tre, Trà Vinh, trái dừa nước còn dùng để chế biến thực phẩm, đồ uống giải khát đóng hộp như làm “thạch dừa”...
Còn theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi thì dừa nước còn dùng để làm thuốc, nhựa trích từ cụm hoa của nó dùng để cất thành cồn, cứ 500 lít nhựa sản xuất được 47- 48 lít cồn 95 độ.
Nếu như Vĩnh Long làm được điều này sẽ tạo thêm nhiều việc làm, thêm thu nhập cho dân ở nông thôn. Với tất cả tấm lòng nhiệt thành của nhân dân và chính quyền các cấp, tôi đề nghị cần khơi dậy việc gìn giữ, bảo tồn và phát triển loài cây thân thuộc này, đem lại sự đa dạng sinh học, góp phần thêm trù phú cho miền sông nước.
Bài, ảnh: MỸ TRUNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin