Động lực xây dựng sản phẩm OCOP

08:07, 12/07/2021

Hiệu quả từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Long Mỹ là động lực để các cơ sở, hợp tác xã không ngừng đổi mới, mở rộng sản xuất và truyền cảm hứng để nhiều sản phẩm tiềm năng ra đời, góp phần đa dạng hệ thống sản phẩm OCOP của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

 

Hiệu quả từ Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở huyện Long Mỹ là động lực để các cơ sở, hợp tác xã không ngừng đổi mới, mở rộng sản xuất và truyền cảm hứng để nhiều sản phẩm tiềm năng ra đời, góp phần đa dạng hệ thống sản phẩm OCOP của địa phương nói riêng và của tỉnh nói chung.

 Dự kiến cuối tháng 7, huyện Long Mỹ sẽ tổ chức họp đánh giá các sản phẩm tiềm năng OCOP trước khi trình hội đồng cấp tỉnh.
Dự kiến cuối tháng 7, huyện Long Mỹ sẽ tổ chức họp đánh giá các sản phẩm tiềm năng OCOP trước khi trình hội đồng cấp tỉnh.

Cuối năm 2020, huyện Long Mỹ có 4 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn 3 và 4 sao OCOP cấp tỉnh. Trong đó trà mãng cầu là sản phẩm thế mạnh khi được nhiều cơ sở, hợp tác xã lựa chọn. Các cơ sở sản xuất trà mãng cầu dần mở rộng thị trường, không chỉ trong tỉnh mà còn ra nhiều tỉnh, thành cả nước. Từ đó góp phần tiêu thụ ổn định số lượng lớn nông sản địa phương, tạo công ăn việc làm và cải thiện thu nhập của lao động địa phương.

Đối với chị Lê Kim Phụng Em, cơ sở sản xuất trà mãng cầu Phụng Phát, khi sản phẩm đạt chuẩn OCOP 4 sao là bước tiến dài trong quá trình sản xuất và xây dựng thương hiệu. Chứng nhận OCOP là bệ phóng để sản phẩm của chị đi xa hơn và sản lượng tiêu thụ cũng tăng so với trước đây. Không chỉ vậy, chị Phụng Em cho biết, ngoài hỗ trợ quảng bá sản phẩm, chị còn được tiếp cận với các chương trình hỗ trợ khác rất cần trong quá trình nâng chất lượng và đa dạng nhiều sản phẩm từ mãng cầu. Như máy đóng túi trà để sản xuất trà mãng cầu túi lọc mà chị được hỗ trợ cuối năm 2020. Bước đầu sản phẩm này ra thị trường đã nhận được phản hồi tích cực vì giữ được hương vị của trà mà lại tiện sử dụng. Ngoài ra, khi xây dựng sản phẩm OCOP, cơ sở còn quan tâm đến thiết kế, bao bì tạo ấn tượng và đặc trưng riêng, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng và mục đích sử dụng, nhờ đó sản lượng tiêu thụ mỗi tháng đều đạt trung bình 400-500kg.

Còn đối với hộ kinh doanh Trần Nìm, đến với chương trình OCOP là bước ngoặc lớn, giúp anh tự tin để giới thiệu và quảng bá sản phẩm. Sau khi đạt chứng nhận 3 sao cho sản phẩm mật ong, anh Nìm tham gia tích cực vào những hội chợ, chương trình xúc tiến sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh, dù sự kiện lớn hay nhỏ đều thu xếp công việc gia đình để tự mang sản phẩm tham gia, thay vì chỉ gửi sản phẩm theo đoàn. Theo anh Nìm, người hiểu sản phẩm nhất chính là người làm ra sản phẩm, khi giới thiệu hay mời đối tác dùng thử sẽ thuyết phục hơn. Các sản phẩm khi mang đi giới thiệu thường bán hết, kể cả ở sự kiện ngoài tỉnh. Tiếng lành đồn xa, chỉ từ hộ kinh doanh nhỏ lẻ, hiện nay anh Nìm đã thành lập tổ hợp tác nuôi ong lấy mật tại địa phương, chuyển giao kỹ thuật và bán giống ở các tỉnh Bạc Liêu, Vĩnh Long, Cần Thơ... Hiện anh Nìm đang chuẩn bị hoàn thiện và đăng ký OCOP cho sản phẩm sáp ong đóng hộp.

Từ những thành quả đó, cơ quan chuyên môn mà trực tiếp là Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ từ đầu năm đến nay tiếp tục rà soát những sản phẩm tiềm năng, kể cả các trường hợp người sản xuất tự đăng ký. Bên cạnh đó làm tốt công tác tuyên truyền sâu rộng hơn nữa về chương trình OCOP, những lợi ích thiết thực mang lại cho người dân, hỗ trợ hoàn thiện hồ sơ để trình hội đồng OCOP các cấp.

Theo ông Lê Hồng Việt, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Long Mỹ, hiện nay quá trình rà soát, xác định sản phẩm, thực hiện các thủ tục hồ sơ theo quy trình OCOP thực hiện thuận lợi hơn nhờ các cơ sở đã có sự chủ động, tích cực và tiếp cận nhanh, biết thông tin chương trình OCOP qua phương tiện truyền thông. Hơn nữa, người dân cũng mong muốn mở rộng thị trường tiêu thụ, có điều kiện tiếp cận nhiều hoạt động hỗ trợ của địa phương và của tỉnh để nâng tầm sản phẩm và mở rộng sản xuất. Dự kiến cuối tháng 7, đầu tháng 8 tới đây, hội đồng OCOP huyện sẽ tổ chức họp, đánh giá khoảng 4-5 sản phẩm trước khi trình hội đồng cấp tỉnh. Sản phẩm năm nay phong phú hơn, mở rộng ra các loại nông sản khác, cách chế biến đa dạng hơn như mắm, gạo và mứt. Qua đó có thể thấy địa phương không thiếu các sản phẩm thế mạnh, kỳ vọng những lan tỏa tích cực từ chương trình OCOP sẽ là động lực để khơi dậy sự sáng tạo, tư duy sản xuất mới, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng, mang đặc trưng của địa phương và có tiềm năng vươn xa trên thị trường.

Theo Báo Hậu Giang

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh