'Tiếng đồn Cần Đước nổi danh'

01:03, 09/03/2021

Cần Đước được xem là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Long An. Nơi đó đã sinh ra nhiều nghệ nhân tài ba. Đó cũng là vùng đất Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại thường xuyên lui tới truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ cũng như trực tiếp đào tạo nhiều nghệ nhân tên tuổi.

Cần Đước được xem là cái nôi của đờn ca tài tử (ĐCTT) Long An. Nơi đó đã sinh ra nhiều nghệ nhân tài ba. Đó cũng là vùng đất Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại thường xuyên lui tới truyền dạy nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ cũng như trực tiếp đào tạo nhiều nghệ nhân tên tuổi.

Đình Vạn Phước đang được làm hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chụp ảnh lưu niệm trước đình Vạn Phước vừa được trùng tu)
Đình Vạn Phước đang được làm hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh (Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Phạm Tấn Hòa chụp ảnh lưu niệm trước đình Vạn Phước vừa được trùng tu)

Tiếng đồn Cần Đước nổi danh
Giai kìm, Quýnh gáo, Quế tranh, Lòng cò

Nghệ nhân Năm Giai trong câu phương ngôn trên chính là học trò của nghệ nhân nhạc sư Chín Láo, truyền nhân xuất sắc thuộc thế hệ học trò đầu tiên của nhạc sư Nguyễn Quang Đại.

Nhạc sư Nguyễn Quang Đại - hậu tổ đờn cai tài tử

Quyển Sơ lược tiểu sử nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại có ghi: “Nghệ nhân nhạc sư Nguyễn Quang Đại là một quan nhạc của triều đình nhà Nguyễn. Cuối thế kỷ XIX, ông hưởng ứng phong trào Cần Vương, vào Nam truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ.

Ông cũng là người có công khai sáng ra bộ môn ĐCTT và nhạc lễ Nam bộ, mang đậm nét đặc thù bản sắc dân tộc Việt Nam”. Khi vào Nam, Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại lưu lại vùng Đa Kao, Sài Gòn lúc bấy giờ và có thời về Cần Đước để truyền dạy nhạc.

Ông Nguyễn Văn Nam (cố Bí thư Huyện ủy Cần Đước) từng chia sẻ: “Lúc ông (nhạc sư Nguyễn Quang Đại) mới về Cần Đước, ông đến nhà ông Hương cả Nguyễn Văn Cương... Ông Ba Đợi đến như một thượng khách được ông Cả Cương trọng đãi, ở luôn tại nhà ông Cả Cương”.

Ở đây, ông đã truyền dạy nhạc tài tử và nhạc lễ. Học trò của ông có rất nhiều người là nhạc sư nổi tiếng: Nhạc Láo, nhạc Thời, cô Năm Giỏi, cô Bảy Lung, ông xã Năm,... Từ các môn đệ của ông, thế hệ tài danh nối tiếp ra đời: Hai Biểu, Năm Giai, Văn Vĩ,...

Không chỉ truyền dạy ngón đờn cho học trò, Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại còn là người có công lớn trong việc phát triển ĐCTT Nam bộ. Ông là người hệ thống hơi điệu tài tử thành 4 điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán trong 20 bài bản Tổ, sáng tác 8 bài Ngự để cung nghinh vua Thành Thái - một vị vua yêu nước.

Ngoài ra, trong Nhạc tài tử và sự cải cách nhịp thức của nghệ nhân Nguyễn Quang Đại của nhạc sĩ Vỹ Chỗ có ghi: “… nghệ nhân Ba Đợi còn làm một việc cải cách lớn, nếu không muốn nói là một cách mạng âm nhạc là: Nới rộng nhịp thức cho bài bản và định hình nhịp nội, ngoại đầy tính triết học Đông Phương”.

Ngày nay, khi nhắc đến ĐCTT Nam bộ, không ai quên nhắc đến thầy Ba Đợi như Nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian Võ Trường Kỳ từng nhận định: “Trong giới ĐCTT Nam bộ xem thầy Ba Đợi như Hậu tổ, vì tài nghệ của ông vượt trội trên nhiều lĩnh vực nghệ thuật, âm nhạc và sân khấu truyền thống dân tộc so với các nhạc sư, nhạc sĩ đương thời ở Nam bộ”.

Đã từ lâu, đình Vạn Phước trở thành địa điểm quen thuộc, nơi trở về của giới đờn ca tài tử tỉnh nhà và cả giới đờn ca tài tử nói chung (Trong ảnh: Các nghệ nhân ưu tú của tỉnh dâng hương Đức nhạc sư nhân lễ húy kỵ)
Đã từ lâu, đình Vạn Phước trở thành địa điểm quen thuộc, nơi trở về của giới đờn ca tài tử tỉnh nhà và cả giới đờn ca tài tử nói chung (Trong ảnh: Các nghệ nhân ưu tú của tỉnh dâng hương Đức nhạc sư nhân lễ húy kỵ)

Tiếng đờn tài tử ở sân đình Vạn Phước

Mặc dù công lao của Đức nhạc sư Nguyễn Quang Đại không dành riêng cho Cần Đước, lúc đương thời Đức nhạc sư sống và truyền dạy nhạc ở nhiều vùng, học trò của ông ở khắp các tỉnh từ Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Nai,... nhưng ngày nay, Cần Đước vinh dự là nơi thờ tự linh vị của ông tại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ.

Vốn là cái nôi của ĐCTT tỉnh nhà, lại là nơi thờ tự đức Hậu tổ của ĐCTT, lại có nhiều bậc tài tử ưu tú nổi danh trong giới vẫn đang hoạt động, Cần Đước thực sự tiềm ẩn bên trong những giá trị phát triển du lịch lớn lao.

Đã từ lâu, đình Vạn Phước trở thành địa điểm quen thuộc, nơi trở về của giới ĐCTT tỉnh nhà và cả giới ĐCTT nói chung.

Hàng năm, đình Vạn Phước đều tổ chức lễ húy kỵ Đức nhạc sư và Liên hoan ĐCTT như một hình thức tri ân hậu tổ, thu hút hàng ngàn người đến tham gia và thưởng thức.

Dưới cội cây cổ thụ trước sân đình, giữa khung cảnh thoáng đãng của cánh đồng lúa, trước mái đình thờ linh vị đức nhạc sư, các nghệ nhân vẫn thường xuyên cùng nhau chơi ĐCTT như một cách giữ gìn và giới thiệu bộ môn nghệ thuật truyền thống, Di sản văn hóa phi vật thể đến du khách, người nghe.

Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Cần Đước - Võ Thành Ngon cho biết, Cần Đước đã thành lập câu lạc bộ ĐCTT gồm các nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú trên địa bàn huyện chuyên phục vụ phát triển du lịch.

Khi du khách về Cần Đước, ngoài tìm hiểu các giá trị văn hóa đặc trưng của huyện, còn có thể thưởng thức ĐCTT trong khuôn viên đình Vạn Phước, nơi phụng thờ Đức nhạc sư, hậu tổ của ĐCTT. Điều đó hẳn sẽ mang đến một trải nghiệm vô cùng đặc biệt cho du khách.

Năm 2020, đình Vạn Phước được đầu tư trùng tu, tôn tạo. Công trình hoàn tất vào dịp cuối năm 2020, chuẩn bị khánh thành vào đầu năm 2021. Và đình Vạn Phước cũng đang được làm hồ sơ đề nghị công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh.

Theo QUẾ LÂM (Báo Long An)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh