Không khí rộn ràng cuối năm làm tôi nhớ đến những cái Tết năm xưa. Thuở ấy, gần Tết là nhà nhà đều chuẩn bị bánh mứt. Trong các loại bánh thường có vào ngày Tết ở miền quê thuở ấy thường không thiếu bánh phồng nếp.
Không khí rộn ràng cuối năm làm tôi nhớ đến những cái Tết năm xưa. Thuở ấy, gần Tết là nhà nhà đều chuẩn bị bánh mứt. Trong các loại bánh thường có vào ngày Tết ở miền quê thuở ấy thường không thiếu bánh phồng nếp.
Tôi nhớ bánh phồng nếp vì loại bánh dân dã ấy đã để lại trong tôi biết bao hình ảnh đẹp và những kỷ niệm êm đềm, ngọt ngào hương vị của ngày đầu xuân, mà ngày nay không dễ gì bắt gặp.
Khi lúa nếp mùa đã bắt đầu vàng bông, rải rác đây đó trong xóm đã nghe tiếng chày giã những mẻ cốm dẹp từ hạt nếp đầu mùa vừa chín tới. Nhà nào cũng có hàng chục công đất ruộng, trong đó có chừa một phần diện tích để trồng nếp.
Ở miền quê ngày xưa, các món bánh mứt cho ngày Tết các gia đình đều tự làm, tuỳ theo điều kiện và khả năng của mỗi gia đình. Nguyên liệu sẵn có tại địa phương nên hầu như nhà nào cũng có mứt gừng, mứt dừa, mứt chuối khô... Nhà có điều kiện hơn thì có cả mứt bí, mứt mãng cầu…
Bánh thì chỉ một vài thứ, như bánh tét, bánh phồng nếp, bánh in, bánh bông lan… Có mua thì chỉ mua thêm một ít mứt thèo lèo, vài gói trà ướp hương sen…
Vậy là có một cái Tết đạm bạc nhưng không kém phần đầm ấm, vui vẻ và cả niềm nao nức của những đứa trẻ khi được xúng xính trong bộ quần áo mới.
Làng nghề quết bánh phồng ở xã Tân Đức, huyện Đầm Dơi rộn ràng, báo hiệu xuân về, Tết đến. Ảnh: Hồng Nhung |
Mùa quết bánh phồng đúng vào mùa nếp vừa chín, cũng vào thời điểm chuẩn bị đón mừng năm mới. Tôi nghĩ, đó cũng là một sự sắp đặt không phải ngẫu nhiên, mà là một món quà thiên nhiên ban tặng cho con người, làm ra món ngon từ hạt nếp dẻo thơm tạ ơn đất trời và đón mừng năm mới.
Bởi quết bánh phồng phải chọn loại lúa nếp mới chín đầu mùa, vừa ngon, vừa dẻo và thơm. Sau khi được xay xát xong, ngâm vài tiếng đồng hồ trước khi đem hấp chín như cơm nếp. Cơm nếp chín được đưa ngay vào cối để quết, bởi quết khi còn nóng thì bột mới mau mịn, dẻo.
Ngày xưa tôi thấy ba tôi cầm chày quết, còn má tôi ngồi bên miệng cối, khi thấy đầu chày dính bột thì đưa tay vuốt… Mẻ cơm nếp được quết cho đến khi thật nhuyễn để cán ra miếng bánh phồng không còn hoặc rất ít thấy lẫn hạt cơm nếp. Cái bánh như thế khi nướng ăn mới ngon.
Sau khi quết xong, bột lại được nhào trộn đều với nước cốt dừa và đường theo một lượng vừa ăn, để cái bánh vừa có hương thơm, vừa có vị ngọt và béo. Khi đã quết, trộn đều gia vị thì đem ra vo thành viên rồi cán đều, sẽ thành cái bánh.
Từ khi cơm nếp được cho vào cối để quết, đã nghe thoảng quanh nhà mùi hương của nếp mới lẫn trong làn gió sớm mai. Đó là hương vị của cuộc sống miền quê đã gắn bó biết bao thế hệ vào mảnh vườn, thửa ruộng quê nhà…
Nướng bánh phồng phải lửa lớn, trở đều tay thì bánh mới xốp, phồng và có màu vàng đẹp. Ảnh: Hồng Nhung |
Bánh được cán xong đến đâu là đem trải lên tấm liếp để đem phơi đến đó. Ngày xưa, tôi thấy ở quê nhà nào cũng có những tấm liếp đan bằng tre với độ dày của các mắt đan vừa phải.
Có nhà phơi trên chiếc chiếu mới. Bánh phồng chỉ phơi một nắng là có thể đem cất để dành ăn dần. Mỗi gia đình làm khoảng vài chục, có nhà cả trăm bánh, vừa để ăn, vừa đem biếu bà con làm quà…
Ngày ấy, những buổi sáng khi vừa làm xong mẻ bánh phồng, má tôi lại chuẩn bị món ăn mà tôi rất thích, được chế biến chính từ những cái bánh phồng vừa làm xong ấy.
Đó là khi bánh được đem phơi nắng chừng nửa buổi, chưa khô hẳn, còn mềm và dẻo, má tôi đem vào nhà một ít, cuốn với dừa nạo (cơm dừa chưa thật cứng), trộn với đường cát… ăn mới ngon làm sao!
Mùi thơm của nếp, vị ngọt của đường, hoà với vị béo của dừa cho tôi cảm giác ngọt ngào chảy dài trong những cái Tết của năm tháng tuổi thơ, đến nay vẫn không sao quên được!
Những ngày giáp Tết, thường là mùa lúa đã thu hoạch xong. Lúa đã vô bồ, rơm thì chất thành đống trước sân nhà. Ngay sau khi nhà đã làm xong bánh phồng, tôi thường được thưởng thức món bánh phồng nướng.
Đối với tôi, món bánh phồng nướng hấp dẫn không thua bất cứ loại bánh mứt nào mà tôi được ăn trong những năm tháng tuổi thơ với cuộc sống đạm bạc, nhưng thật đầm ấm ở quê nhà.
Mỗi sáng sớm, khi mặt trời chưa lên, trong cái se lạnh những ngày giáp Tết, sương giăng lãng đãng trên đồng ruộng, trên mặt nước sông…, tôi thường ngồi bên bếp lửa rơm mà ngoại đốt lên để nướng bánh phồng, vừa sưởi ấm, vừa nhìn ngoại nướng bánh.
Hai tay ngoại cầm hai vỉ nướng, trở qua trở lại thật đều. Cái bánh phồng lúc đầu chỉ bằng cái dĩa lớn, nướng chút xíu trên lửa rơm sẽ phồng lên, lớn nhanh, lớn gấp đôi cái bánh ban đầu.
Ngoại vẫn tiếp tục cầm vỉ trở đều hai mặt bánh dưới bếp lửa rơm còn chút đượm hồng, cho tới khi hai mặt bánh ửng lên màu sạm là bánh phồng đã chín giòn…
Mùi của lửa rơm hoà với mùi thơm của bánh nướng theo gió đầu xuân thoang thoảng quanh nhà, len theo ngõ xóm, lan cả trên mặt sông trước nhà.
Hương thơm ấy phảng phất theo tôi suốt chặng đường dài của cuộc sống tha hương. Hình ảnh ông ngoại tôi ngồi thong thả thưởng thức những miếng bánh phồng giòn rụm và uống ly trà nóng trong không khí lành lạnh, con cháu quây quần những ngày đầu năm mới in đậm dấu ấn trong tôi khoảnh khắc thật êm đềm. Một hình ảnh thật đẹp của Tết quê, yên bình và đầm ấm.
Ngày nay, cuộc sống của mọi gia đình đã khấm khá, no ấm và đầy đủ hơn so với mấy mươi năm trước. Nhiều loại bánh mứt cao cấp có mặt ở các gia đình vùng quê hay thành thị trong ngày Tết, nhưng tôi vẫn nhớ hoài hương vị bánh phồng nếp nướng bằng lửa rơm trước sân nhà trong cái lạnh đầu xuân./.
Theo Nguyễn Sông Trẹm/Báo Cà Mau
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin