Bà Võ Thị Phương Loan- du khách đến từ tỉnh Đồng Nai- nói với chúng tôi với vẽ đầy bất ngờ, thích thú: "Có lẽ đây là con đường cây dầu đẹp nhất miền Tây tính đến thời điểm hiện nay. Không chỉ đẹp mà còn có số lượng cây dầu nhiều nhất, tốt nhất, cao nhất và xanh nhất ĐBSCL.
Hàng cây dầu ở xã Phú Khánh (huyện Thạnh Phú- Bến Tre). |
Tấm lòng của người cựu bí thư
Câu chuyện giữa chúng tôi và cựu bí thư xã Phú Khánh (huyện Thạnh Phú- Bến Tre), Nguyễn Văn Chơi (Sáu Đấu, 81 tuổi) cứ bị ngắt quãng giữa chừng bởi thỉnh thoảng ông cứ đưa mắt nhìn về hàng cây dầu đang xanh tốt đang vươn thẳng lên bầu trời xanh như minh chứng cho một sức sống mãnh liệt vùng quê sâu. Mặt khác, ông bị bệnh khiếm thính rất nặng nên việc cung cấp thông tin cũng rất khó khăn.
Ông Chơi kể: “Hồi mới giải phóng, xứ sở này nghèo lắm. Con đường này còn là đường đất nắng bụi, mưa lầy. Người dân chỉ quen trồng cây tạp, chủ yếu để làm củi. Khi tôi đề xuất trồng 3.000 cây dầu để vừa có bóng mát cho người đi đường, vừa có thêm thu nhập để làm cầu đường giao thông thì nhiều người phản đối lắm. Nhưng tôi đến từng hộ giải thích, vận động nhiều lần rồi họ cũng đồng tình. Mừng lắm!”
Về nguyên cớ trồng cây dầu, ông Chơi kể thêm: “Năm 1978, tôi nằm điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP Hồ Chí Minh). Những lúc rảnh rỗi, tôi ngồi nhặt những hạt dầu trong khuôn viên bệnh viện bởi thấy chúng quá tươi tốt, thân to, cao lớn, táng rộng với dự tính sẽ mang về trồng theo con đường chính của xã. Tổng cộng tôi đã nhặt được 6 bao với khoảng 3.000 hạt giống”.
Sau đó người bí thư tâm huyết này đã tổ chức trồng 3.000 hạt dọc theo 2 bên đường từ xã Đại Điền đến xã Phú Khánh với chiều dài 1.500m. Tuy nhiên, do chưa có nhiều kinh nghiệm trồng dầu và thời điểm đó ảnh hưởng hạn mặn nên số cây còn sống chỉ trên 35% cho đến nay.
Ông Chơi kể thêm: “Nhiều cơ quan báo chí nói tui trồng trên 4km đường là không chính xác; cạnh đó số cây hiện nay là 1.100 cây thôi (không phải là 3.000 cây). Về tuổi đời, chúng đã được 42 tuổi (nhiều người nói chúng có cả trăm tuổi là sai). Lúc mới trồng, ông Chơi cùng nhiều cán bộ xã phải thay nhau tưới để cây không chết khô vì hạn. Ban ngày cũng phải canh giữ không cho trâu bò cắn phá; ban đêm thì canh gác không cho người xấu nhổ bỏ cây”.
Ông Nguyễn Văn Út (80 tuổi) kể thêm: “Hồi mới trồng gặp nhiều khó khăn lắm, nhưng thấy anh Sáu quyết tâm quá nên tụi tui đồng lòng ủng hộ. Khi hàng hạt dầu nảy mầm, anh em chúng tôi mừng rơi nước mắt. Hơn 40 năm qua, bà con ở đây đã quen gọi tuyến đường này là con đường “Sáu Đấu”, đã có rất nhiều đoàn làm phim đến đây dựng cảnh, mời chúng tôi kể về sự ra đời của con đường độc, lạ này”.
Con đường cây dầu đẹp nhất miền Tây
Bà Võ Thị Phương Loan- du khách đến từ tỉnh Đồng Nai- nói với chúng tôi với vẽ đầy bất ngờ, thích thú: “Có lẽ đây là con đường cây dầu đẹp nhất miền Tây tính đến thời điểm hiện nay. Không chỉ đẹp mà còn có số lượng cây dầu nhiều nhất, tốt nhất, cao nhất và xanh nhất ĐBSCL. Giá như những địa phương khác cùng có được những tuyến đường tương tự thì tốt biết bao, bởi vừa có bóng mát cho người đi lại- nhất là các em học sinh và người cao tuổi, vừa tạo điểm nhấn rất đặc biệt cho một không gian xanh trong lành, thân thiện với môi trường”.
Một gốc cây dầu trên tuyến đường. |
Theo quan sát của chúng tôi, bình quân mỗi cây có chiều cao 20- 25m; chu vi thân gốc 3- 4m, thậm chí có cây hơn 5m. Do được chính quyền địa phương chăm sóc, cắt tỉa thường xuyên- nhất là trong mùa mưa bão nên con đường này rất khang trang, sạch đẹp và an toàn cho người qua lại. Điều đáng trân trọng hơn là người dân xã Phú Khánh luôn xem hàng cây dầu độc, lạ này là biểu tượng đáng tự hào cho tất cả người dân địa phương. Ai ai cũng đều phấn khởi khi kể về hàng cây “Sáu Đấu”. Mọi người luôn bảo nhau chăm sóc tốt “báu vật” của địa phương mình.
Bà Tô Thị Tố (xã Phú Khánh) kể: “Chúng tôi bảo nhau bảo quản chăm sóc tốt hàng cây này, dạy dỗ lớp trẻ cùng chung tay gìn giữ màu xanh từ hàng cây dầu; rồi không vứt rác thải, rác sinh hoạt ở dưới các gốc cây; thường xuyên vệ sinh 2 hàng cây bên đường”.
Không chỉ giữ gìn hàng cây quý hiếm, hiện nay tại xã Phú Khánh còn sở hữu rất nhiều con đường đẹp trồng cây bạch đàn, cây sao rất xanh tốt tạo được những gam màu xanh đầy sức sống lạc quan trên vùng đất vốn hứng chịu nhiều vết tích chiến tranh nay đang hối hả chuyển mình.
Nhìn những tốp học sinh đạp xe thong dong trên con đường rợp mát bóng cây dầu; nhìn những cụ già ung dung dạo mát bên nhau trong những khoảng xanh dìu dịu; nhìn những nhóm người tụ họp trước sân nhà kể chuyện ngày xưa trong tháng ngày chiến tranh khói lửa, chuyện xây dựng nông thôn mới hôm nay trong tiếng lá dầu kêu xào xạc; chúng tôi nghe lòng rộn rã khi xuân về, tết đến. Đâu đây tiếng ai hát trên những chiếc loa truyền thanh xã vang lên trong thanh âm chiều lặng “Cánh hoa dầu xoay tít bay bay. Nhớ ngày xưa bên nhau từng ngày. Nhớ những chiều gọi bay lên. Tay cầm tay ngắm những cánh hoa dầu”.
Bài, ảnh: SONG ANH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin