Trung tuần tháng 12, tiết trời se lạnh, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Festival Lúa gạo toàn quốc lần thứ IV. Theo dòng người, tôi cũng đi trẩy hội.
Giới thiệu sản phẩm cho khách hàng. |
Trung tuần tháng 12, tiết trời se lạnh, tỉnh Vĩnh Long tổ chức Festival Lúa gạo toàn quốc lần thứ IV. Theo dòng người, tôi cũng đi trẩy hội.
Con đường mang tên Võ Văn Kiệt, xưa là phi trường quân sự của chế độ cũ (chính quyền Sài Gòn), nay lột xác trở thành con đường đẹp nhất ở Vĩnh Long. Các nhà tổ chức sự kiện thích con đường này vì nó thông thoáng, đủ không gian cho vận chuyển, bài trí với trên ngàn gian hàng.
Tôi đi trẩy hội với tâm thế một nông dân, háo hức muốn được nhìn thấy những sản phẩm gạo đã được tôn vinh và sắp được tôn vinh “mặt mày” thế nào.
Men theo cổng chính từ phía đường Nguyễn Huệ- Võ Văn Kiệt, bên đường bài trí bằng những biểu tượng hình bông lúa vàng trĩu nặng, ban đêm được thắp sáng bằng đèn led cùng với đèn từ hàng quán tạo nên vẻ rực rỡ muôn màu, thích mắt.
Để tạo cảnh quan mang chút hương đồng gió nội, người ta bày trước trung tâm cách cổng hội chợ trăm mét một mô hình cánh đồng lúa với những con vật thân quen, như trâu, bò, chó, con cò, ao sen… Tuy không thật, nhưng người qua cảm nhận được, người ly hương có gợi nhớ ít nhiều trong ký ức. Thích nhất là đám trẻ con, cái gì cũng lạ lẫm và đẹp, lên xe rồi mà đầu cứ ngoái lại.
Đêm khai mạc, tất cả đều chỉn chu, rực rỡ dưới ánh đèn. Sau dãy gian hàng trưng bày máy nông nghiệp và văn phòng đại diện giới ngân hàng là khu vực hàng đặc sản địa phương, vùng miền, nổi bật là gạo. Tôi thấy có cả gian hàng giới thiệu gạo tỉnh Quảng Trị, vùng đất khắc nghiệt miền Trung cũng có mặt tranh tài.
Điểm qua các gian hàng, tôi quyết định hôm sau sẽ trở lại.
9 giờ sáng hôm sau, tôi có mặt trong hội chợ. Mắt lướt nhanh bao quát một lượt, chân bước vội về gian hàng tỉnh Sóc Trăng.
Trước tôi, có 7- 8 người đang trả tiền và khệ nệ với túi gạo. Tôi vừa lấy một túi, vừa nói: “Kiểu này, chắc mai hết gạo!”- “Ờ, mai hết à anh!” Nghe cô bán hàng nói, tôi lấy liền 2 túi, mỗi túi 5kg, cả thảy 300 ngàn. Tính ra, gạo đắt gấp 3 lần loại gạo bình dân. Nhưng không sao, vì xuân này cả nhà được ăn loại gạo ST25 ngon đệ nhất hoàn cầu! Và chỉ trong buổi sáng, gian hàng hết gạo phải treo bảng hẹn với khách.
Nắm bắt tâm lý, nhu cầu người tiêu dùng, các doanh nghiệp liên kết nông dân sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, sử dụng chế phẩm sinh học hạn chế sử dụng phân vô cơ và thuốc hóa học. Tất nhiên, chi phí sản xuất có đắt đỏ hơn, nhưng bù lại, xây dựng được niềm tin với người tiêu dùng. Theo hướng này, những doanh nghiệp sản xuất gạo không ưu thế như ở đồng bằng nhưng cũng cải thiện được phẩm chất, làm nên gạo ngon góp mặt trong ngày hội. Nghe nói, kỳ hội lần này, gạo Thần Tài 79 được tôn vinh đứng hàng đệ nhất gạo ngon thương hiệu Việt.
Ngoài gạo và các đặc sản khác, tôi chú ý 2 sản phẩm của nông dân cũng góp mặt trong ngày hội: Phân bón vi sinh của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Thuận Thới- Trà Ôn và phân bón dạng nước của nông dân Nguyễn Văn Phúc (tên thường gọi Tám Líp, xã Chánh An- Mang Thít).
Giám đốc HTX Thuận Thới- Trà Ôn là chàng trai 28 tuổi tên Nguyễn Văn Thảo. Thảo tốt nghiệp Khoa Sinh Trường ĐH Cần Thơ. Ra trường xin việc không được, Thảo quyết định trở về ruộng đồng với cha mẹ. Thấy cách sản xuất của nông dân quê mình sao lắm vất vả mà lợi nhuận thấp và điều băn khoăn nhất là hóa chất được sử dụng trên cây ăn trái, đồng ruộng có xu hướng gia tăng, thiếu kiểm soát, Thảo bắt đầu áp dụng kiến thức được học từ nhà trường nhằm cải thiện quy trình sản xuất của gia đình.
Việc đầu tiên của Thảo là cất trại lá nuôi trùn quế từ phân bò. Ban đầu trong gia đình cũng ái ngại, vì công việc không mấy vệ sinh và triển vọng còn mờ mịt. Nhưng với quyết tâm của mình, Thảo đã thuyết phục được người xung quanh. Lứa nuôi đầu thành công, trùn quế được bán cho người chăn nuôi để làm thức ăn cho gà, cá. Phân trùn thì Thảo dùng bón cho cây vườn nhà. Màu xanh cây lá, năng suất tạo nên sự khác biệt, người xung quanh bắt đầu quan tâm đến công việc của Thảo.
Là hội viên nông dân, trong các buổi sinh hoạt, Thảo nói về lợi ích của việc nuôi trùn quế và vận động thành lập HTX nông nghiệp khép kín quy trình nuôi bò- nuôi trùn. Quy trình này giải quyết được nỗi bức xúc của dân về môi trường, không còn phân bốc mùi hôi, không để chất thải hòa vào dòng nước và điều quan trọng là đem đến thu nhập cho người tham gia HTX. Sau thời gian kiên trì thuyết phục, tháng 7/2018, HTX ra đời. Theo tôi, có lẽ đây là HTX nông nghiệp duy nhất trong tỉnh làm ăn có lời.
Điểm sơ qua thành tích HTX để chia sẻ niềm vui:
“… Ngoài ra, hiện bên kỹ thuật còn đang nghiên cứu và chuẩn bị chuyển giao 2 quy trình mới là sử dụng trùn xử lý vỏ ca cao cho HTX Ca cao và xử lý cây khóm, đầu khóm và vỏ khóm ở huyện Châu Thành- Kiên Giang. Bên cạnh những việc nghiên cứu chuyển giao, còn phải hướng dẫn cho sinh viên các trường ĐH như Cửu Long, Cần Thơ, Kiên Giang... về thực tập nghề và làm công tác nghiên cứu nhằm trang bị cho các em một lượng kiến thức nhất định về nông nghiệp khép kín để về giúp đỡ quê hương mình.
Bộ phận kinh doanh xúc tiến với các HTX bạn, các đại lý phân ra sản phẩm hoặc ký hợp đồng với các công ty bán nguyên liệu cho họ về làm phân hữu cơ, rồi gặp các trường, viện đề xuất các hướng nghiên cứu mới phù hợp với tình hình kinh tế và nhận sinh viên về.
Từ thời điểm HTX thành lập đến nay, đã xử lý trên 500 tấn phế thải. Và thu mua lại của nông dân 320 tấn phân trùn độ ẩm 80% với giá từ 1.000- 1.500 đ/kg, góp phần làm tăng thêm thu nhập cho người dân, từ 1- 1,5 triệu đồng/tháng.
Hiện HTX cũng ký hợp đồng đầu tư phân cho HTX Nông nghiệp Long Hiệp ở xã Long Hiệp (huyện Trà Cú- Trà Vinh) để sản xuất gạo sạch, Công ty Phúc Nông ở An Giang, Công ty MeKong ở Tiền Giang. Bên cạnh đó, HTX đã đưa sản phẩm tham gia một số hội chợ ở TP Hồ Chí Minh và cũng được các công ty quan tâm tìm hiểu.
Đang xúc tiến tư vấn và ký hợp đồng cung ứng phân trùn quế cho các HTX cây ăn trái trong và ngoài tỉnh như bưởi Năm Roi Mỹ Hòa, nhãn xuồng ở Châu Thành (Đồng Tháp), xoài cát ở Cần Thơ, quýt hồng Lai Vung (Đồng Tháp)...”
Và đến với Festival lần này, HTX giới thiệu với người tiêu dùng chế phẩm phân trùn đóng gói theo quy cách và chế phẩm phân bón lá chiết xuất từ trùn quế theo công nghệ vi sinh. Nhìn sản phẩm, tôi tin vào triển vọng phát triển của HTX. Em đáng có thêm lời chúc khi trong quá trình làm Chủ nhiệm HTX, Thảo đã hoàn thành chương trình thạc sĩ sinh học của Trường ĐH Cần Thơ.
Chế phẩm thứ hai có trong gian trưng bày của Hội Nông dân Vĩnh Long là phân bón lá, bón gốc cho cây ăn trái được chiết xuất từ cá theo công nghệ vi sinh. Đây là sản phẩm của nông dân Nguyễn Văn Phúc- một nông dân giỏi vang danh.
Tôi quen anh nông dân Tám Líp có trên 30 năm, từ cái thuở anh trồng nhãn xuồng. Anh là kiểu người đa nghệ, cái gì cũng là đầu tiên và nổi tiếng với sản phẩm của mình.
Ở xã Chánh An (Mang Thít), phù sa sông Cổ Chiên tích tụ tạo nên dãy cồn Vàm Lịch, án ngữ phía trên dòng hợp lưu cửa sông Măng Thít- Cổ Chiên. Những năm 80, thế kỷ trước, ở đây là chỉ có cây bần và cỏ lác. Với sức vóc thân trai, anh khai phá, tạo nên những vuông tôm càng xanh mà đến kỳ thu hoạch tôm, tính hàng tấn.
Thời bao cấp nghèo khó, chuyện nuôi tôm của anh thu hút sự quan tâm của quan chức và ngành nông nghiệp. Phong trào nuôi tôm ăn nên làm ra. Khi nuôi tôm xuất khẩu thoái trào, anh cải tạo ao tôm lập vườn, trồng cây ăn trái.
Khi tôi quen anh, lúc ấy vườn trồng giống nhãn xuồng trắng là chủ yếu, còn lại là xuồng vàng bánh xe hay còn gọi là xuồng lá quắn cùng một ít sầu riêng, măng cụt…
Ông Nguyễn Văn Phúc và tổ hợp lên men vi sinh chiết xuất phân bón từ cá. |
Thời ấy, nhãn xuồng anh mang ra đãi khách là loại 25 trái/kg, to như trái chanh, để trên miệng ly bông uống rượu không lọt. Giá vàng lúc bấy giờ 450 ngàn một chỉ, 1kg nhãn xem xém nửa phân vàng. Với 3ha nhãn xuồng, đến mùa thu hoạch, cái nơi heo hút là ấp Vàm Lịch giống như mùa trẩy hội. Khách thập phương dồn dập đổ về, sông Vàm Lịch lúc nào cũng đục nước vì đưa rước khách.
Sang thời mở cửa, giá nhãn đi xuống, cơn sốt cá tra dâng cao. Anh cho đào ao, gần 2ha, nơi trước trồng nhãn xuồng vàng bánh xe, thả cá. Ngoài đê, sóng sông Cổ Chiên lớp lớp, trong ao, cá tra quẫy đuôi sóng dậy mấy mùa.
Nghề nuôi cá của anh khác thiên hạ. Các chủ ao cá khác, khi cá khó ở thì chạy tới hiệu thuốc. Còn anh, cho xe tải lên An Giang lấy dây, lá về nấu làm thuốc chữa bệnh cho cá. Chỉ riêng việc xổ sán cho cá, thay vì dùng thuốc tây, anh lại dùng mật ong trộn với thức ăn để tẩy sán. Cách làm của anh, con cá không mất sức, giá thành giảm. Có nhiều năm anh trúng đậm.
Ngoài ao cá ra, phần vườn còn lại, anh thay giống nhãn xuồng trồng nhãn Ido. Người trong làng băn khoăn, khi thấy anh làm hiệu quả thì theo, mới tập tành thử nghiệm thì anh đã trồng món khác. Lần này là giống khó chơi, xung quanh chưa thấy ai làm ra trái bao giờ.
Lời ra tiếng vào, anh vẫn kiên trì với cây nhãn mới. Trồng được 3 năm, năm 2000, cơn bão từ Bến Tre, Cái Mơn quét qua, nhãn vườn anh ngã rạp, cây thì bứt gốc, thiệt hại vô kể. Bây giờ, khi đến vườn anh, nếu chú ý, khách nhận ra có rất nhiều cây nhãn dáng xiêu phong, chân quỳ.
Có trường đại học đến khảo nghiệm vườn anh, đặt vấn đề mượn 3 công nhãn để làm vườn mẫu cho sinh viên thực tập. Họ đưa ra điều kiện, nếu năng suất một vụ dưới 3 tấn/công thì sẽ bồi thường. Anh đồng ý mà cũng chẳng ý kiến gì.
Kết thúc vụ mùa, năng suất vườn nhãn thực nghiệm đạt dưới 3 tấn/công. Trường đặt vấn đề bồi thường cho anh. Anh cười, năng suất đối chứng do anh làm đạt 4 tấn/công!
Khi đến thăm vườn, vận động anh mang chế phẩm trưng bày thì tôi mới biết vì sao năng suất đạt siêu như vậy.
Trước mắt tôi là vườn nhãn xanh rậm rì, đầy sức sống, chột đọt to mập, lá cong nẩy lên, chuẩn bị phóng đọt cho vụ tới.
Tôi đếm, có 6 xi tẹc, mỗi cái 2 ngàn lít. Anh nói, đang chuẩn bị cung cấp 10 ngàn lít chế phẩm phân bón lá cho một công ty tại TP Hồ Chí Minh để đóng chai cho ra thị trường. Công ty muốn độc quyền chế phẩm này nên hàng anh gửi cho tôi không dán nhãn hiệu, chỉ ghi mấy chữ nguệch ngoạc “Phân bón lá chiết xuất từ cá”.
Hạt gạo sạch, dẻo thơm; trái ngon, đẹp được làm nên từ ý tưởng của những nông dân bình dị, chân quê.
Bài, ảnh: LÊ MINH HÀ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin