Mới đây, Thanh Nam càng khẳng định sự năng động, sáng tạo hơn khi thử sức mình với món cóc sấy dẻo. Một lần nữa, chàng thanh niên trẻ đã tận dụng lợi thế của địa phương để tạo nên những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn đông đảo thực khách.
Chuyện về thanh niên Hồ Thanh Nam (quê ấp Hòa Phú, xã Định Thành, Thoại Sơn, An Giang) khởi nghiệp với món trà mãng cầu đã không còn xa lạ với nhiều người. Mới đây, Thanh Nam càng khẳng định sự năng động, sáng tạo hơn khi thử sức mình với món cóc sấy dẻo. Một lần nữa, chàng thanh niên trẻ đã tận dụng lợi thế của địa phương để tạo nên những sản phẩm mới lạ, hấp dẫn đông đảo thực khách.
Cóc được phơi trong nhà kính |
Chàng trai sinh năm 1991 Thanh Nam đã mạnh dạn từ bỏ công việc có đồng lương ổn định để về chính mảnh đất của cha mẹ canh tác kém hiệu quả bấy lâu nay lập nghiệp. Qua tích lũy kinh nghiệm, tham khảo nhiều mô hình ở các địa phương, Nam nghĩ đến việc lập vườn trồng mãng cầu xiêm.
Sau thu hoạch nhận thấy không chủ động được đầu ra cho sản phẩm, Nam nghĩ đến việc sấy mãng cầu làm trà, đóng gói, đăng ký thương hiệu để nâng cao giá trị sản phẩm và tạo đầu ra ổn định quanh năm.
Nhìn những khoảnh đất trống quanh khu vườn đến 17 công, Nam nghĩ mình vẫn cần tận dụng để làm thêm gì đó. Thế là câu chuyện cóc sấy dẻo ra đời.
“Tận dụng phần đất trống giữa các cây mãng cầu, tôi trồng xen canh 1.100 cây cóc Thái Lan. Đây là loại cây dễ trồng, 6 tháng bắt đầu ra trái và thu hoạch đều đều, mà ít tốn công chăm sóc cũng như ít tốn kém phân bón.
Thế nhưng, đến khi thu hoạch giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và thị trường, có khi chỉ 1.000-2.000 đồng/kg, có khi thương lái “dội hàng” không thu mua.
Thấy vậy, dịp Tết vừa qua, tôi và gia đình làm cóc sấy dẻo bán thử xem khách hàng có chịu món này không. Vậy mà, bạn bè và người thân thưởng thức thấy ngon, hàng làm ra không kịp giao cho khách” - Thanh Nam phấn khởi chia sẻ.
Đến tận cơ sở để mục thị món ăn mới lạ, tôi thật bất ngờ với món ăn thanh nhẹ này, từng trái cóc được gọt sạch vỏ, tẩm đường và đem phơi khô trong nhà kính hấp thụ năng lượng mặt trời, sau đó được đưa vào máy sấy để trái cóc thấm đường và khô ráo, đến khi ăn đảm bảo vị ngọt vừa phải, vị chua nhẹ đặc trưng của cóc Thái và độ dẻo để không gây cảm giác ngán cho khách hàng.
Sau khi ăn món cóc sấy dẻo, được thưởng thức thêm ly trà mãng cầu xiêm nóng nữa thì thật tròn vị, cảm giác thật thanh tao, nhẹ nhàng.
Thanh Nam chia sẻ thêm: “Món ăn này không phải quá xa lạ với người miền Tây, nhưng điểm đặc biệt ở đây là tôi đã gia giảm lượng đường để khách không có cảm giác ngán so với mứt cóc, không có màu công nghiệp, không có chất bảo quản.
Trái cóc được sinh trưởng tự nhiên rất ít phân bón, còn cây mãng cầu xiêm được tôi bón bằng phân hữu cơ nhà tự làm nên về nguồn gốc sản phẩm, khách hàng hoàn toàn yên tâm vì được kiểm soát chặt chẽ từ đầu vào đến khi thành phẩm.
Tôi đã đăng ký thương hiệu, kiểm định chất lượng, giới thiệu sản phẩm tại hội chợ, ký gửi sản phẩm tại Cửa hàng thanh niên khởi nghiệp của tỉnh để sản phẩm được nhiều người biết đến hơn”.
Với mức đặt hàng khách sỉ từ 200-500kg cho một đơn hàng, hiện tại để đảm bảo đủ số lượng cóc sấy dẻo cung ứng cho thị trường, Nam phải thu mua cóc tươi của các hộ dân lân cận.
“Tôi làm được cũng giúp các anh, các chú xung quanh, vì giải quyết đầu ra ổn định cho trái cóc. Ngoài ra, tôi còn giải quyết việc làm cho lao động địa phương mỗi khi cần người làm vườn, gọt vỏ cóc ở khâu sơ chế.
Qua sự góp ý của khách hàng, tôi đang nghiên cứu làm thế nào để món ăn có màu sắc bắt mắt hơn, không bị sậm màu ở các khâu phơi sấy, bảo quản cóc được lâu hơn, điều chỉnh độ ngọt, dẻo phù hợp với nhu cầu của số đông.
Cùng với đó là tăng cường khâu quảng bá để mọi người biết đến món ăn dân dã, ăn chơi mà đậm đà hương vị quê hương này” - chàng trai 9X chia sẻ đầy tâm huyết.
Theo NGỌC GIANG/TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin