Khó kiểm soát việc nuôi yến

10:07, 21/07/2020

Tiếng ồn từ các thiết bị dẫn dụ chim yến đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nội thành ở nhiều đô thị tại ĐBSCL và phân loài này rơi vãi cũng tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh

 

Một nhà nuôi chim yến ở tỉnh Bạc Liêu Ảnh: DUY NHÂN
Một nhà nuôi chim yến ở tỉnh Bạc Liêu Ảnh: DUY NHÂN

Tiếng ồn từ các thiết bị dẫn dụ chim yến đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nội thành ở nhiều đô thị tại ĐBSCL và phân loài này rơi vãi cũng tiềm ẩn nguy cơ gây dịch bệnh

Bạc Liêu là tỉnh có số lượng nhà nuôi chim yến (nhà yến) nhiều nhất ĐBSCL. Mặc dù tỉnh này đã không ít lần tổ chức các cuộc hội thảo để tìm giải pháp hạn chế việc phát triển nhà yến ồ ạt trong nội thành, nội thị nhưng số lượng vẫn liên tục gia tăng.

Gây bức xúc trong dân

Chỉ trong vòng 7 năm, số lượng nhà yến ở tỉnh Bạc Liêu tăng gấp 13 lần. Từ chỗ năm 2013 có 111 nhà thì nay là 1.500 và hơn 80% tập trung ở nội thành, nội thị. Riêng TP Bạc Liêu có khoảng 700 nhà yến.

Số lượng nhà yến lớn như vậy đã biến TP Bạc Liêu thành "TP của chim yến". Có những khu dân cư chỉ trên một đoạn đường ngắn đã có cả chục nhà yến, thậm chí gần trường mẫu giáo, trước cổng bệnh viện…

Tiếng ồn từ các thiết bị dẫn dụ yến đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân nội thành nhiều năm qua. Bên cạnh đó, nguy cơ tiềm ẩn dịch bệnh cũng rất khó kiểm soát.

"Lúc mua nhà ở, tôi đã tìm khu vực yên tĩnh để có thể nghỉ ngơi sau một ngày làm việc căng thẳng đầu óc. Nhưng vừa về ở không bao lâu thì một chủ đất xây nhà yến ngay bên cạnh.

Họ không sống ở đây, chỉ xây nhà nuôi yến. Những buổi trưa của gia đình công chức không còn bình yên bởi tiếng máy dụ chim yến. Cả những ngày cuối tuần hay nghỉ lễ cũng không được yên" - ông Nguyễn Đức Toàn (ngụ phường 1, TP Bạc Liêu) ngao ngán.

Ngoài tiếng ồn còn là ô nhiễm do phân yến rơi vãi, nỗi lo lắng những khi có dịch cúm. "Một hộ nuôi yến nhưng hàng chục hộ bị ảnh hưởng. Tôi nghĩ chính quyền nên cân nhắc quy hoạch, quản lý cho phù hợp giữa lợi ích kinh tế cá nhân với cuộc sống của cộng đồng" - chị Trần Như Ngọc (ngụ phường 7, TP Bạc Liêu) bức xúc.

Ông Nguyễn Đình Xuyên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y và Chăn nuôi tỉnh Kiên Giang, cho biết toàn tỉnh này có hơn 2.856 hộ nuôi yến, so cùng kỳ năm 2019 thì tăng 654 hộ. Sản lượng yến sào thu hoạch trong 6 tháng đầu năm nay ước hơn 8,5 tấn, tăng hơn 29% so cùng kỳ năm 2019.

Theo bà Võ Thị Thanh Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh An Giang, hiện địa phương này có số lượng nhà yến không ngừng tăng vọt.

Nếu năm 2019 chỉ có 585 nhà thì đến nay đã hơn 800 nhà và tiếp tục tăng. Sản lượng tổ yến thu được ước khoảng 5 tấn/năm, góp phần tăng trưởng cho tỉnh ước 125 tỉ đồng/năm.

Tuy nhiên, nhà yến chủ yếu do người dân tự phát xây dựng, đa số là cơi nới trên tầng lầu nhà ở hoặc tự chuyển công năng từ nhà ở thành nhà yến, không theo thiết kế được phê duyệt và phần lớn xây dựng tại các khu dân cư, đô thị.

Đặc biệt, một số nơi sử dụng âm thanh dẫn dụ có cường độ lớn làm ảnh hưởng cộng đồng, cảnh quan đô thị… gây phản cảm và bức xúc trong dân.

Cần quy hoạch

UBND tỉnh Bạc Liêu vừa chỉ đạo Sở NN-PTNT phối hợp các ngành chức năng liên quan khảo sát thực tế về âm thanh, tiếng ồn và giám sát dịch bệnh tại một số cơ sở dẫn dụ, nuôi yến.

Tuy nhiên, ngoài việc nhắc nhở thì mọi việc vẫn như cũ, bởi không có chế tài nào để cơ quan chức năng xử lý việc ô nhiễm tiếng ồn từ những nhà yến.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Bạc Liêu, cho biết hầu hết nhà yến là xây dựng tự phát, chưa có giấy phép. "Chim yến là động vật hoang dã được quản lý theo quy định tạm thời tại Thông tư 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NN-PTNT.

Tuy nhiên, việc quản lý động vật hoang dã đã có nhiều văn bản pháp luật khác nhau, do nhiều cơ quan quản lý nên gây khó khăn trong việc thực hiện. Việc dẫn dụ, gây nuôi chim yến còn mang tính tự phát, phong trào, chưa có định hướng phát triển dài hạn.

Do vậy, việc quản lý an toàn dịch bệnh, an toàn cho người còn chưa bảo đảm. Quản lý điều kiện nuôi với đối tượng này còn thiếu, chưa có quy định về điều kiện chuồng trại phù hợp với tập tính…

Phần lớn các cơ sở nuôi chim yến nằm trong khu dân cư, gây khó khăn trong phòng chống dịch bệnh; khu vực nuôi chim yến tối, ẩm ướt và nhiều phân yến, có thể gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sinh hoạt cộng đồng dân cư…" - ông Ly nhìn nhận.

Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho rằng việc ban hành quy định tạm thời về lĩnh vực dẫn dụ, gây nuôi chim yến chính là cơ sở, hành lang pháp lý để kiểm soát phần nào tình trạng dẫn dụ, gây nuôi chim yến phát triển tràn lan.

Qua đó cũng góp phần tạo nguồn thu nhập cho các hộ theo đuổi nghề nuôi chim yến và đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Bạc Liêu.

"Vấn đề cấp bách của nghề nuôi yến hiện nay là cần có quy hoạch cụ thể vùng nuôi, đào tạo kỹ thuật cho người nuôi, quy hoạch vùng thức ăn cho yến.

Ngoài ra, cần thông tin cho người dân hiểu rõ hơn về các quy định, chính sách của nhà nước, cách vừa khai thác vừa bảo vệ đàn yến, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu những đặc tính nuôi yến trong điều kiện tự nhiên tại ĐBSCL" - ông Trung nêu. 

Cần Thơ: Cấm nuôi yến ở nhiều khu vực

Theo ông Nguyễn Thanh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, bên cạnh những lợi ích kinh tế khi khai thác sản phẩm từ chim yến thì việc nuôi ồ ạt phát sinh nhiều nguy cơ như: Ô nhiễm tiếng ồn; dịch bệnh, nhất là bệnh cúm A/H5N1...

Vì thế, HĐND TP Cần Thơ đã thông qua nghị quyết quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn TP, hiệu lực từ ngày 20-7.

Theo đó, khu vực không được phép nuôi yến là toàn quận Ninh Kiều và một số phường, thị trấn, khu vực, khu đô thị, khu dân cư, khu tái định cư, khu công trình công cộng được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chi tiết trên địa bàn các quận, huyện như Bình Thủy, Cái Răng, Ô Môn, Thốt Nốt, Phong Điền, Thới Lai, Cờ Đỏ và Vĩnh Thạnh.

Vùng nuôi yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép nuôi kể trên. Các cơ sở chăn nuôi, nhà yến xây dựng và hoạt động trước ngày nghị quyết này có hiệu lực thì phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm phù hợp kể từ ngày nghị quyết có hiệu lực thi hành đến ngày 31-12-2024.

Theo DUY NHÂN - THỐT NỐT (Người lao động)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh