Nằm ven theo sông Chà Và Lớn, xóm bầu cải Đông Thuận ở khóm Đông Bình B (phường Đông Thuận- TX Bình Minh) có tuổi đời hàng chục năm. Theo thời gian, xóm nghề đã có nhiều đổi khác nhưng vẫn giữ được nhịp phát triển riêng giữa đô thị nhộn nhịp và kỹ thuật sản xuất cây giống ngày càng hiện đại.
Nằm ven theo sông Chà Và Lớn, xóm bầu cải Đông Thuận ở khóm Đông Bình B (phường Đông Thuận- TX Bình Minh) có tuổi đời hàng chục năm. Theo thời gian, xóm nghề đã có nhiều đổi khác nhưng vẫn giữ được nhịp phát triển riêng giữa đô thị nhộn nhịp và kỹ thuật sản xuất cây giống ngày càng hiện đại.
Qua mấy mươi năm, xóm bầu cải Đông Thuận nhộn nhịp bên dòng Chà Và Lớn. |
Theo các vị cao niên, “nghề bầu cải góp mặt ở xóm này từ trước năm 1975, lúc đầu chỉ vài ba hộ, rồi dần dần lan ra thành xóm nhỏ…”.
Sở dĩ gọi là xóm bầu cải vì ngày trước người trong xóm tự quấn bầu bằng lá chuối, rồi tự nhấn bầu, ương chủ yếu là giống cải bẹ dưa- còn gọi là cải tần xại đem bán ở chợ. Sau mấy mươi năm, nghề thủ công đã mang lại thu nhập ổn định, cải thiện cuộc sống cho nhiều hộ gia đình trong xóm.
Bên bàn trà, các vị cao niên trong xóm rôm rả những cái tên “sống ổn định, dư ăn nhờ bầu cải” như: Nhan Tụil, Phạm Thành Ba, Phạm Văn Hiệp, Nguyễn Văn Tây, Đặng Quang Thuận, Phan Văn Huệ, Đinh Công Chánh, Kim Duyên, Văn Út…
Ông Nguyễn Văn Lậy- Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khóm Đông Bình B- còn nhớ những người đầu tiên làm bầu, ương giống của xóm, trong đó có mẹ vợ của ông là bà Lê Kim Tâm.
Với 100m2 đất ương giống, cho ra thị trường 300 thiên cây giống/tháng, ông Lậy xởi lởi “nhờ bầu cải mà nhà tui có thu nhập ổn định, nuôi 3 người con học thạc sĩ”.
Một buổi chiều mưa vừa dứt hạt, bà Mạc Thị Thắm- vợ ông Lậy- thoăn thoắt lấy thun cột các bầu cây giống thành từng bó nhỏ và xởi lởi: “Nhà tui bán giống cho thu nhập vài trăm ngàn đồng/ngày, mùa mưa và dịp tết bán chạy tiền nhiều hơn. Như hồi tết này tui bán ngon ơ 4 triệu đồng/ngày, qua cái tết lời mấy chục triệu đồng”.
Toàn khóm Đông Bình B hiện có 47 hộ ương- bán cây giống với tổng diện tích khoảng 3.000m2 trồng các loại như: cải, cà tím, ớt, bầu, bí, bạch đàn, so đũa, vạn thọ, cát tường,…
Do đất đô thị hẹp nên hộ trồng nhiều thì khoảng 100m2, hộ trồng ít khoảng 30m2. Bình quân mỗi hộ cung cấp ra thị trường khoảng 20 thiên cây giống/tháng, thu nhập khoảng 3- 4 triệu đồng/tháng. Trong đó, cà, ớt có giá 300.000- 400.000 đ/thiên, cải 100.000- 120.000 đ/thiên…
Theo các hộ trồng, xế chiều hàng ngày (khoảng 16 giờ) xóm nghề thường nhộn nhịp do là thời điểm nhà nhà chất cây giống lên xe. Đồng thời, rạng sáng hôm sau (4- 5 giờ) lúc xe hàng từ trong xóm tỏa đi các nơi cũng rất nhộn nhịp.
Thời điểm bán chạy trong năm là khi bắt đầu mùa mưa, từ tháng 8 thì càng hút hàng và sôi động ngày đêm là tháng tết. Do đó, dịp tết hàng năm là xóm có tới cả 100 hộ trồng, diện tích cũng “nở nồi” hơn.
Cũng theo các hộ trồng, hiện hầu hết không còn tự quấn bầu lá chuối nữa mà mua bầu quấn sẵn (cũng bằng lá chuối, riêng đối với bạch đàn thì sử dụng bịch ny lông nhỏ).
Bên cạnh những thay đổi so trước kia, ông Nguyễn Văn Út- Phó Bí thư khóm cho hay, vẫn có những thứ không đổi tạo nên thế mạnh riêng của xóm bầu cải là vẫn dùng phân lò gạch, phân bãi ven sông cái và vẫn nhận bầu, bỏ hột thủ công như trước.
Nhờ vậy, bầu cây rất chắc trong quá trình vận chuyển, cây giống chất lượng khi mang về trồng tỷ lệ sống tốt, cho năng suất cao nên được ưa chuộng dù phương thức sản xuất cây giống trên thị trường ngày càng hiện đại và chuyên nghiệp hóa. Do vậy, các hộ trong xóm hầu hết ương giống theo đơn đặt hàng của mối lái chớ không lo dội chợ.
Theo người dân, sở dĩ xóm nghề hình thành men theo sông là để “lấy nước sông tưới mới tốt”. Mấy mươi năm trôi qua, con sông Chà Và Lớn đối với xóm nghề vẫn là “mạch nguồn sự sống”.
Và, sau mấy mươi năm, xóm nghề vẫn là nét chấm phá yên bình ở một vùng đất đang trên đường đô thị hóa. Thế nhưng, nhiều hộ ở xóm nghề thấp thoáng nỗi lo thế hệ “nối nghiệp” để duy trì và phát triển xóm nghề.
Là người gắn bó với xóm cải mấy mươi năm, chú Nguyễn Văn Huệ trăn trở: lực lượng còn “giữ nghề” của xóm bầu cải bây giờ chủ yếu là người lớn tuổi và trẻ em.
Còn giới trẻ học thành tài thì theo nghề khác, ở nơi khác; nhóm còn lại ở tuổi lao động thì phần lớn làm công nhân khu công nghiệp. Nhanh tay thoăn thoắt nhấn bầu, vợ chú Huệ buông mấy câu rớt vào trời chiều: “Vài chục năm nữa không biết có còn ai đi hốt tro bãi để bán lại? Xóm bầu cải này không biết có người trẻ nào theo nghề bầu cải nữa hay không?”
Ông Ngô Minh Phúc- Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận- cho biết, phường đang triển khai thực hiện mô hình ươm cây giống để duy trì và phát triển xóm nghề bầu cải Đông Thuận. Hàng năm, phường phối hợp Phòng Kinh tế, khuyến nông thị xã chuyển giao kỹ thuật trồng cho các hộ.
Bà Mạc Thị Thắm “Tui theo má bầu cải từ tấm bé tới nay 64 tuổi rồi. Cái nghề này dầm mưa dãi nắng, tay chân lấm lem nhưng khá nhẹ nhàng, già trẻ gì làm cũng vô tiền nên riết… mê nghề. Hộ có chừng 10m2 đất, cũng sống khỏe rồi nên đeo nghề hoài là vậy”. Ông Nguyễn Văn Út- Phó Bí thư khóm Đông Bình B “Bầu cải là truyền nghề từ thời của ba tôi sang tôi. Hiện tôi làm 3 công ruộng và có giàn 70m2 bầu các loại giống nhưng bầu cải là chính vì cho thu nhập cao hơn làm ruộng. Không chỉ tăng thu nhập cho hộ trồng, bầu cải còn giúp tăng thu nhập cho nhân công chất giống lên giàn, bỏ hột và những người mối lái mang cây giống đi tiêu thụ…” Ông Ngô Minh Phúc- Chủ tịch Hội Nông dân phường Đông Thuận Quỹ hỗ trợ nông dân hỗ trợ 10 hộ ở xóm bầu cải Đông Thuận, số tiền 30 triệu đồng/hộ để các hộ ương cây giống, mở rộng sản xuất- phát triển kinh tế hộ gia đình. Bên cạnh đó, hội nông dân phường phối hợp với các công ty cung cấp cây giống cũng như hỗ trợ nhiều công ty xuống hội thảo để triển khai giống mới cho bà con... |
Bài, ảnh: SÔNG HẬU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin