Trở lại xóm đũa Tân Long

03:05, 14/05/2020

Cho dù còn lắm khó khăn trong thực tại, nhưng những người làm nghề vót đũa tre thủ công truyền thống ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, vẫn quyết giữ lấy nghề.

Cho dù còn lắm khó khăn trong thực tại, nhưng những người làm nghề vót đũa tre thủ công truyền thống ở ấp Phụng Sơn B, xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, vẫn quyết giữ lấy nghề.

Người dân làm nghề vót đũa ở Tân Long.
Người dân làm nghề vót đũa ở Tân Long.

Về thăm xóm đũa Tân Long trong những ngày cả nước đang quyết tâm phòng, chống dịch Covid-19 lây lan ở cộng đồng.

Đường rộng, nhà đông nhưng vắng bóng người đi lại, hầu hết những người ở đây rất ý thức thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang cá nhân và nhà ai nấy ở, không tụ tập đông người. Nhưng không vì vậy mà làm ảnh hưởng đến công việc vót đũa của nhiều hộ dân trong xóm.

Vừa cưa xong lóng tre, chị Võ Thị Kiều Khoa quay sang nói với tôi là chị đã hơn 10 năm làm nghề vót đũa, tiền kiếm được không nhiều, nhưng cũng đủ để tiêu xài cá nhân hàng ngày trong gia đình.

Chị cho biết mỗi ngày chị có thể vót được 1 thiên đũa (1.000 đôi) với giá bán ra từ 100.000-200.000 đồng/100 đôi, tùy theo đũa thường hay đũa đặt.

Trừ chi phí mua tre nguyên liệu, ngày công… chị còn được khoản thu nhập chừng 300.000 đồng/ngày. Nhờ vậy mà gia đình chị cũng như nhiều hộ khác làm nghề vót đũa không thâm hụt tiền chi tiêu, con cái học hành, đám tiệc…

Tuy nhiên, do nguồn nguyên liệu tre tại địa phương giờ không còn nhiều, muốn có tre để vót phải sang các nơi khác để mua, vì vậy khi sản phẩm bán ra thu tiền lợi nhuận không còn nhiều như trước. Số thanh niên không còn trụ được với nghề nên vào làm công nhân cho các công ty, xí nghiệp.

Những người còn bám lấy nghề đến hôm nay đa phần là người già và trẻ nhỏ, nhưng điều đáng mừng là lượng đũa làm ra đều tiêu thụ ổn định, giá cả cũng có phần cao hơn trước nên người làm nghề vót đũa vẫn ổn định cuộc sống.

Chị Hà Thị Lượm cho rằng: “Cho dù thời gian qua người làm nghề vót đũa ở đây gặp không ít khó khăn vì biến động thị trường, nhưng đã hơn 40 năm, người dân xóm đũa ấp Phụng Sơn B vẫn miệt mài gắn bó nghề vót đũa tre truyền thống”. Người có công đưa nghề về xứ Tân Long không ai khác ngoài dì Tư Ngân (Mai Thị Ngân).

Xưa quê gốc của dì ở Cái Răng (thành phố Cần Thơ), dì biết nghề vót đũa từ khi còn là con gái sống chung cha mẹ ruột của dì. Sau ngày nước nhà thống nhất, dì Tư Ngân phải duyên kết nợ vợ chồng với bác Trung (Tạ Văn Trung), ở xứ Tân Long này.

Lúc đầu dì chuyên vót đũa bằng nguyên liệu cây cau, sau thấy cây tre vừa rẻ, vừa nhiều nên chuyển sang vót đũa tre.

Thấy nghề vót đũa không khó, nhiều chị em trong xóm cũng bắt chước học theo, chủ yếu để có đũa dùng trong gia đình khỏi phải mua tốn tiền. Nhưng rồi người ta thấy đũa dì Tư Ngân làm ra có nhiều người tìm đến hỏi mua, tiền thu nhập mỗi ngày cũng không ít. Từ đó, nghề vót đũa được lan truyền rộng rãi và trở thành nghề truyền thống của nhiều chị em phụ nữ xứ Tân Long tận bấy giờ.

Xóm đũa tồn tại suốt mấy chục năm qua, nhưng cũng có lúc điêu đứng bởi đũa nhựa, đũa sắt, đũa ngà… ồ ạt ra đời. Người tiêu dùng chọn mua các sản phẩm mới nên đũa tre bị ứ đọng sau thời gian dài không bán được.

Nhưng qua quá trình sử dụng các loại đũa nhựa, đũa sắt, đũa ngà, người tiêu dùng thấy khuyết điểm của những loại đũa này như trơn khó gắp, gặp nóng dễ bị chảy... thì đa phần người dân lại quay về với đôi đũa tre quen thuộc và xóm đũa tiếp tục hoạt động nhộn nhịp như trước.

Chị Hai Hoa, người có “thâm niên” với nghề vót đũa tại đây, cho biết: “Đũa được làm bằng tre xiêm, lóng dài, đặc ruột. Để có được chiếc đũa suôn tròn đều thì phải phụ thuộc rất lớn vào đôi tay khéo léo của người bào đũa.

Muốn đũa sử dụng được lâu dài, không bị mối mọt và có màu sắc sáng bóng thì khi đũa được bào xong thành phẩm phải qua công đoạn xử lý ngâm nước muối đun sôi hoặc nước trà khoảng vài chục phút, rồi đem đũa phơi nắng 7-8 ngày cho thật khô mới đem đi tiêu thụ.

Vì thế, đũa tre ở Tân Long được nhiều người tiêu dùng không chỉ là dân sở tại tỉnh nhà, mà còn lan rộng ra nhiều tỉnh thành khác như Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau… rất ưa chuộng”.

Hiện xóm đũa Tân Long đã thành lập tổ hợp tác với hơn 30 hộ dân tham gia. Ngoài tự hỗ trợ nhau trong sản xuất, cũng như tiêu thụ đầu ra sản phẩm thì các thành viên còn được các cấp chính quyền địa phương tạo điều kiên cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn xoay vòng tại chỗ thông qua Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xã… để mua nguyên liệu làm nghề.

Với mục tiêu đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, đến thời điểm này, bà con xóm đũa Tân Long vẫn quyết định giữ nguyên màu của đũa tre truyền thống được làm thủ công, không sử dụng bất cứ một loại hóa chất, hay phẩm màu nào.

Từ đó, đũa tre Tân Long từng được chọn để trưng bày triển lãm tại các hội chợ lớn, nhằm giới thiệu đến bạn bè trong và ngoài nước, sản phẩm đặc trưng truyền thống của địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, chị Tạ Thị Mỹ Lệ, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp Phụng Sơn B, cho biết nếu như những năm trước số hộ nghèo trong ấp còn ở mức cao thì nay giảm xuống còn 19 hộ.

Đã có nhiều hộ nhờ làm nghề vót đũa truyền thống mà vươn lên thoát nghèo bền vững với mức thu nhập ổn định khoảng 6 triệu đồng/tháng.

Đây cũng là sự nỗ lực chung tay giúp đỡ của các cấp, các ngành cùng với chính quyền địa phương để người dân an cư lạc nghiệp, sống vững với nghề, tạo đà thuận lợi trong công tác xóa đói giảm nghèo của địa phương. 

Theo QUANG HẢI (Báo Long An)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh