Theo chân anh Chuột đi săn chuột

10:01, 14/01/2020

"Tên Chuột của anh nghe lạ quá?", tôi hỏi. Anh trả lời: "Không biết nữa, cha mẹ đặt vậy. Nhưng chắc cái tên cho mình thêm cái nghề, gắn bó với con chuột hoài". Đồng Bến Bào lành lạnh sương đêm, gió Tết, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuột kêu "chút chít, chút chít" từ cái rập mà anh Chuột gài được.

“Tên Chuột của anh nghe lạ quá?”, tôi hỏi. Anh trả lời: “Không biết nữa, cha mẹ đặt vậy. Nhưng chắc cái tên cho mình thêm cái nghề, gắn bó với con chuột hoài”. Đồng Bến Bào lành lạnh sương đêm, gió Tết, thỉnh thoảng lại nghe tiếng chuột kêu “chút chít, chút chít” từ cái rập mà anh Chuột gài được.

Chống xuồng neo cặp con kinh Bà Từ, anh khẽ khàng cột dây vào bụi lá dừa nước rồi bước lên bờ kinh. Lấy bọc thuốc rê, ve ve vấn vấn kỹ lưỡng, anh ngớp từng ngụm khói trắng thả lên trời. Anh giới thiệu kỹ về mình, dù anh em tôi đã sơ giao trước đó.

Anh tên Nguyễn Văn Chuột, năm nay 36 tuổi, sinh ra và lớn lên ở con kinh Bà Từ (thuộc ấp Bến Bào, xã Vĩnh Lộc A, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu). Gia cảnh vốn nghèo, anh học hành chẳng tới đâu, theo nghề nông với ít công đất vuông nên chọn nghề săn chuột để đắp đổi cho gia đình.

Anh Chuột gầy ốm và có vẻ dạn dày hơn so với tuổi. Điều đó chẳng ảnh hưởng gì khi mà anh thoăn thoắt và thiện nghệ trong nghề săn chuột. Bà con quanh xóm hay gọi anh là “tay sát chuột”. Trớ trêu và vui thay, anh lại tên Chuột!

Anh Chuột đi săn chuột đồng.
Anh Chuột đi săn chuột đồng.

Anh Chuột vui tính và cứ cười khà khà trong câu chuyện. Anh nói rằng, dân xứ này ai cũng rành rạnh từng loại chuột, gọi từng tên khác nhau. Nếu nói về chỗ chuột trú ngụ thì có chuột đồng - do sống trong ruộng lúa; chuột lá - do sống trong đám lá dừa nước.

Tương tự như vậy thì có chuột khóm, chuột dừa… Trong số này, chuột khóm là ngon hết sảy do sống trong rẫy khóm, hay đục khoét khóm để ăn nên rất mập mạp, thịt nhiều.

Còn nếu nói về hình dáng và đặc điểm nhận dạng, anh Chuột kể vanh vách: chuột cống nhum, chuột cống lang, chuột cơm… Tôi hỏi anh sao rành đến vậy, anh cười khà khà: “Nghề mà!”.

Với nghề săn chuột, anh Chuột nói rằng chẳng khó khăn chi đâu, chỉ cần một chút quan sát và kỹ lưỡng. Trong lúc chờ thăm rập chuột đã gài dọc các đám lá dừa nước ven mé kinh Bà Từ, anh Chuột kể tôi nghe, anh săn chuột từ lúc 7-8 tuổi, theo các anh trong xóm đi đào hang chuột.

Với anh, đó là cả một ký ức vui nhộn mà bây giờ dường như không còn, hoặc còn rất ít. Anh Chuột dẫn giải: “Đào hang chuột cần nhiều người, có chó khôn nữa mới ăn, bây giờ người ta đi Bình Dương mần hết, đâu có ai mà đào”.

Anh kể, muốn đào chuột phải biết nhìn đường mòn xem chuột thường đi hướng nào, chỗ nào có khả năng có chuột ở. Chuyện tìm và đào hang chuột là cả một “kỹ năng nghề nghiệp”.

Chuột thường làm hang ở những bụi rậm, đất cao, trước miệng hang thường có vết chân và phân chuột, đất dày và đùn lên.

Đặc biệt, loài chuột rất tinh ranh, thường đào các hang thông với nhau, ở đó có một hang cái và các hang ngách - theo cách gọi của dân săn chuột, để khi động, có thể tẩu thoát bằng nhiều hướng.

Do vậy, người bắt chuột trước khi đào hang phải tìm xem hang cái thông ra các ngách nào để chặn miệng hang lại. Khi đào hang, chuột chạy ra và mọi người cứ việc tóm gọn.

Nhưng cũng có trường hợp đào hoài mà không thấy chuột ra có nghĩa là chúng đã dồn về các ngách để cố tìm cách thoát thân. Người đào sẽ xách nước đổ vào hang, chuột ngộp sẽ chạy ngoài.

Câu chuyện của anh giản đơn, chốc chốc lại pha lẫn những tiếng cười, những câu nói vui hệch hạc ruộng đồng. Thấy tôi lấy điện thoại ra định ghi âm, anh khoát tay: “Ghi vậy không có đã, phải đi coi mới biết, mới thấy hay”.

Anh hứa dẫn tôi đi săn chuột theo cách mà ít có nơi nào làm được. Còn mớ rập đã gài, một chút về thăm sau cũng được, vì chuột chui vào rập không chết. Anh Chuột quày quảy bước xuống mũi xuồng, nắm chặt bụi lá dừa nước cho tôi xuống, rồi lấy dầm bơi mau.

Con kinh Bà Tư buổi tối u tịch nhưng nhờ có cây đèn soi anh đeo trên đầu nên thấy mờ mờ. Anh Chuột bơi xuồng thẳng về phía bên kia con sông lớn, nơi có những đám lá dừa nước ngút ngàn, tối trời. Chiếc xuồng nhỏ băng băng ngang qua sông lớn, phía trước tối thui làm tôi không khỏi rùng mình, im re ngồi đợi.

Dưới xuồng, anh Chuột đã thủ sẵn đồ nghề, anh nói với tôi là sẽ bắn chuột. Vật dụng bắn chuột chỉ đơn giản là một thanh gỗ và tạo áp lực bằng dây thun để mũi chĩa lao thẳng về phía chuột đang di chuyển. Đơn giản, dễ làm nhưng săn chuột lại đầy hiệu quả.

Anh Chuột bơi xuồng thật khẽ, phát hiện có chuột chạy trong đám lá là “bóp cò” ngay. Anh bắn dễ dàng và gần như “bách phát bách trúng”, dù vật dụng bắn chuột khá dài, xuồng lại rung lắc nên việc ngắm chỉnh là rất khó.

Lại nữa, chuột nhạy lắm, hễ có động tĩnh nhẹ là chúng rút nhanh. Với tôi, anh Chuột thật là người bắn chuột thiện xạ. Anh cho biết, còn có thể bắn chuột trong rẫy khóm hay trên ngọn cây dừa. Chỉ có điều cách bắn này phải “thu hoạch ngay”, nghĩa là nếu đi lâu thì phải chuẩn bị sẵn thùng nước đá. Chuột bị bắn hạ sẽ được lột da cho vào đá để đảm bảo còn tươi nguyên.

Hơn 2 tiếng bắn chuột, lai rai tán dóc vậy mà anh Chuột đã bắn hạ gần 2 ký chuột đã lột da, tươi ngon. Anh quay đầu xuồng chở tôi về chỗ cũ, ở bờ kinh Bà Từ. Cao hứng anh nói luôn: “Thôi, rập chuột mai gom cũng được. Bây giờ anh em mình lai rai chơi”.

Anh “alo” cho anh Việt, một người anh em lại chơi cho xôm tụ. Vậy rồi, anh vào căn chòi tôm gần đó đâm chén muối ớt, gom rơm, củi chất đốt để nướng chuột. Chuột tươi nguyên, không tẩm ướp gia vị nướng trên lửa hồng được anh gọi là “nướng mọi”.

Chuột vừa chín thì anh Việt cũng bơi xuồng vừa tới, tay cầm ca rượu đế bước lên. Cả ba chúng tôi quây quần bên đống lửa hồng ấm cúng đêm cuối đông.

Anh Chuột giới thiệu, anh là rể của người con trai thứ sáu, còn anh Việt là rể của người con gái thứ tư. Anh Việt đây mới đúng là “đỉnh của đỉnh” trong chuyện săn chuột. Có đêm, anh bắn được cả chục ký. Lại biết thêm, anh Toàn - anh vợ của anh Chuột cũng thiện xạ chẳng kém gì.

Anh Chuột, anh Việt say sưa kể cho chúng tôi nghe về nghề này. Trung bình mỗi đêm bắn được khoảng 4-5 ký chuột, giá bây giờ chừng 60.000 đến 80.000 đồng mỗi ký.

Dĩ nhiên, trúng - thất cũng phải theo mùa, theo vụ và phải chịu khó thức đêm. Anh Việt nói, hồi đó chỉ bán cho chòm xóm nên khó sống, bây giờ dễ thở hơn.

Săn chuột càng nhiều thì bà con càng đỡ lo vì chúng hay cắn phá mùa màng. Anh Chuột thêm vào: “Từ hồi đồ đồng lên hương thì chuột đồng cũng trở thành đặc sản.

Chuột mình kiếm được không đủ bán”. Vậy rồi hai anh kể cho chúng tôi nghe những món ngon từ chuột. Nào là chuột xào rau răm, chuột xào lá cách, chuột nướng, chuột chiên, khô chuột đến chuột quay lu, chuột xào lăn và cả chuột nấu canh chua, chuột hấp cơm…

Kể đến đâu, anh Chuột lại xé đùi chuột nướng chấm muối ớt đưa tôi, anh Việt thì xé thêm phần ức chuột. Ai cũng rôm rả: “Ăn đi, ăn nóng mới ngon!”. Cái tình người miệt đồng sao thiệt thà và hào sảng!

Đã quá nửa đêm mà chuyện vẫn chưa dứt bởi cái ấm nồng bên đống lửa tàn tro và tiếng cười khề khà không câu nệ.

Dường như cách người quê đối đãi với đất quê cũng thật chí tình, tựa nương nhau mà sống. Anh Chuột nói: “Đi săn chuột lai rai rồi cũng qua ngày. Anh em cũng có rủ đi mần xa, mà thôi, xa nhà hông quen”.

Đồng Bến Bào, đêm tháng Chạp năm Kỷ Hợi

Theo Báo Cần Thơ

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh