"Lá thành giấy bạc xây đời bên em..."

02:01, 09/01/2020

Trên dòng sông Cổ Chiên xuôi về hướng biển mọc lên một cù lao xanh tươi, trù phú mà người dân địa phương quen gọi là cù lao Dài (hay còn gọi cù lao Quới Thiện). Ngày nay, trên cù lao này có 2 đơn vị hành chính là xã Quới Thiện và xã Thanh Bình, thuộc huyện Vũng Liêm, nên bà con gộp vào gọi là cù lao Thanh Bình- Quới Thiện cho tiện.

 

 

Thu hoạch lá cau vàng.
Thu hoạch lá cau vàng.

Trên dòng sông Cổ Chiên xuôi về hướng biển mọc lên một cù lao xanh tươi, trù phú mà người dân địa phương quen gọi là cù lao Dài (hay còn gọi cù lao Quới Thiện). Ngày nay, trên cù lao này có 2 đơn vị hành chính là xã Quới Thiện và xã Thanh Bình, thuộc huyện Vũng Liêm, nên bà con gộp vào gọi là cù lao Thanh Bình- Quới Thiện cho tiện.

Trong khi chờ chuyến phà Thanh Bình- Quới Thiện cập bến, trước cảnh sông nước hữu tình, tôi khe khẽ đọc mấy câu thơ trong bài thơ “Tiền và lá” của nhà thơ Kiên Giang: “Tiền không là lá em ơi/Tiền là giấy bạc của đời in ra”, thì người bạn đi cùng nói vui: “Xứ này là quê của nhà thơ Truy Phong với bài thơ nổi tiếng “Một thế kỷ mấy vần thơ”, nên lá ở xứ này cũng khác, không như trong thơ Kiên Giang đâu. Lá ở đây là tiền đó nha. Chút xíu nữa tôi dẫn đường cho ông thấy tận mắt!”

Lên phà, thay vì chạy xe về hướng xã Thanh Bình để vào mấy vườn sầu riêng như dự tính thì khi nghe người bạn giới thiệu lá ở đây là tiền tôi liền thay đổi ý định, điều khiển xe quẹo trái đi về hướng UBND xã Quới Thiện.

Trên đường đi, tôi nhận thấy tuy là đất cù lao nhưng đường sá phần lớn được láng nhựa, nhiều nhà dân còn có ô tô đậu trong sân. Trước nhà thờ cù lao Dài có cây cầu bắc qua dòng kinh được thiết kế dây văng giống như cầu Mỹ Thuận thu nhỏ trông khá đẹp mắt, hệ thống đèn chiếu sáng được bố trí dọc theo các tuyến đường, một số đoạn có đèn đường năng lượng mặt trời.

Công an xã Quới Thiện cũng đã cho dựng lên mấy tấm bảng điện thoại đường dây nóng để nhân dân kịp thời báo tin liên quan đến an ninh trật tự, vì vậy mà mới đây một vụ đá gà ăn tiền vừa bị công an hốt trọn ổ.

Dọc theo những con đường đan, chúng tôi đi qua những khu vườn xanh mượt trồng nhiều loại cây ăn trái đặc sản của cù lao Dài như sầu riêng, măng cụt, xoài, bưởi da xanh,… Nhưng, màu xanh ở đây không chỉ trên cành cây mà sắc xanh còn phủ kín cả dưới đất.

Hỏi ra được biết khoảng 5 năm nay bà con ở xã Quới Thiện, mà nhiều nhất là ở 2 ấp Rạch Sâu và Rạch Vọp đã rủ nhau thực hiện mô hình “trồng cây cau vàng bán lá”, với diện tích lên đến vài trăm héc ta, trở thành một phong trào nhà nhà, vườn vườn trồng cau vàng bán lá, góp phần tăng thêm thu nhập đáng kể cho người dân xứ cù lao Dài này.

Nếu để ý trong những lẳng hoa tươi đẹp có mặt tại các shop hoa tươi sẵn sàng phục vụ các hội nghị, đám tiệc… thì sẽ thấy những tàu lá cau vàng được cắt tỉa làm phông nền xanh để tôn thêm vẻ đẹp rực rỡ của các loài hoa trong lẳng hoa.

Lá cau vàng sau khi cắt.
Lá cau vàng sau khi cắt.

Chú Trần Văn Thai (60 tuổi)- Bí thư kiêm Trưởng ấp Rạch Sâu- cho biết, vào khoảng những năm 1980 đã có người đi sang bên Bến Tre học hỏi cách trồng cây cau vàng rồi về trồng trên đất vườn nhà mình. Lúc đầu diện tích trồng còn rất ít, sau này thương lái tìm đến tận vườn thu mua và có đội ngũ cắt lá, rồi trả tiền sòng phẳng, chủ vườn chỉ có việc ngồi đó đếm lá, tính tiền!

Thấy vậy, phong trào trồng cây cau vàng ở cù lao ngày càng phát triển. Người dân tận dụng được tối đa diện tích đất trống bên dưới những tán cây ăn trái, thay vì để trống như trước thì phải tốn công làm cỏ.

Nay cây cau lấp đầy vào phía dưới tán cây, cỏ dại không mọc được mà lại có thêm thu nhập từ bán tàu lá cau. Đến nay, ở xã Quới Thiện đã có trên 400ha trồng cau vàng bán lá. Cau vàng được trồng bằng hột, khoảng một năm là cây mọc thành bụi và có thể thu hoạch lá.

Việc chăm sóc cũng không gì khó khăn, bởi khi phun thuốc, bón phân dưỡng trái cho xoài, măng cụt, sầu riêng… thì lượng thuốc dôi dư sẽ rơi xuống làm tốt cau vàng bên dưới. Ngược lại, khi bón phân cho cau vàng bên dưới, lượng phân này cũng sẽ làm tốt các cây ăn trái trồng bên cạnh.

Chú Trần Văn Thai dẫn chúng tôi đến một khu vườn của ông Nguyễn Văn Đa ở Tổ 14, ấp Rạch Sâu. Tại đây, đã có 6 phụ nữ đang cắt lá cau. Chủ vườn cho biết cứ khoảng 40 ngày là có thể cắt bán một đợt lá, mỗi năm cây cau có 8- 9 lần cắt lá.

Lá cau sau khi cắt được rửa sạch, đóng bao vận chuyển bằng xe đông lạnh để đảm bảo lá luôn tươi xanh. Nguồn thu mua chủ yếu đến từ các tỉnh phía Bắc, như giá hiện nay là 320 đ/lá, loại lá tốt thì có thể lên hơn 400 đ/lá. Mỗi 1 công trồng cau vàng sẽ cho xấp xỉ 10.000 tàu lá. Có nhà vườn trồng diện tích lớn thì mỗi đợt cắt lá thu về vài chục triệu đồng.

Thực tế cho thấy việc trồng cau bên dưới tán cây ăn trái không làm suy giảm năng suất của cây ăn trái trong vườn. Đúng là “Nhất cử lưỡng tiện”, thảo nào mô hình trồng cau vàng bán lá ở xã Quới Thiện ngày càng được nhiều người học hỏi, làm theo.

Chúng tôi tạm biệt vùng đất cù lao trù phú giờ đây khoác thêm lên mình màu xanh mướt của cây cau vàng. Trên chuyến phà quay về đất liền, nhìn dòng Cổ Chiên êm chảy, cù lao Thanh Bình- Quới Thiện đã dần khuất xa xa, trong đầu tôi đã hình thành một câu thơ “chế” dành riêng cho xứ này “Về đây đếm lá anh ơi/Lá thành giấy bạc xây đời bên em!”.

Bài, ảnh: TRẦN THẮNG

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh