Mưu sinh sông nước

03:08, 26/08/2019

Cà Mau quê hương tôi sông ngòi chằng chịt. Những con sông chảy dài vô tận mang theo nhiều sản vật của thiên nhiên. Trên những dòng sông hiền hoà ấy là nơi mưu sinh của nhiều nông dân chân chất.

Cà Mau quê hương tôi sông ngòi chằng chịt. Những con sông chảy dài vô tận mang theo nhiều sản vật của thiên nhiên. Trên những dòng sông hiền hoà ấy là nơi mưu sinh của nhiều nông dân chân chất.

Niềm vui khi bắt được cá, tôm của anh Bùi Văn Thành (ấp Đất Biển, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời).
Niềm vui khi bắt được cá, tôm của anh Bùi Văn Thành (ấp Đất Biển, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời).

Hoàng hôn buông xuống, tiếng máy xuồng huyên náo cả một khúc sông Mỹ Bình. Một buổi tối mưu sinh của những người làm nghề cào sò huyết trên sông lại bắt đầu.

Trong số người đang tất bật chạy ngược chạy xuôi cào kiếm từng con sò có anh Võ Văn Lân (ấp Mỹ Bình, xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời). Hỏi thăm mới biết, anh Lân sống bằng nghề này không biết đã bao nhiêu năm, bởi bản thân anh cũng không nhớ nổi.

Anh chỉ nhớ rằng, từ trước giờ, ngoài những lúc đi cân cá phi ở vuông bán lại thì anh Lân lại quay về cào sò huyết trên sông.

Cho đến nay, khi có vài công đất vuông ít ỏi của riêng mình để canh tác thì anh Lân vẫn không từ bỏ nghề giúp gia đình mình qua cơn khốn khó.

Nghề cào sò huyết trên sông rất đơn giản. Chỉ cần 1 xuồng máy, 1 dụng cụ cào sò bằng inox do người làm nghề tự chế là có thể hành nghề. Nếu cào sò huyết thịt thương phẩm thì khoảng cách mỗi răng cào sẽ thưa hơn so với cào sò huyết giống.

Cũng giống như những nghề mưu sinh trên sông nước, nghề cào sò huyết cũng tuỳ thuộc vào vận may. Đi chung một đoàn, có người cào trúng, người cào thất. Như vừa rồi, sau mấy hôm cào sò huyết giống, bạn anh Lân trúng đậm bỏ túi hơn chục triệu đồng, còn anh thì chỉ được vài triệu.

Nhưng với anh, được nhiêu đó cũng ấm lòng. Bởi, anh em sống nghề sông nước này, ai đánh bắt được bao nhiêu thì ăn bấy nhiêu, không có tính toán, ganh đua lẫn nhau. Hơn nữa, chỉ vài ngày cào sò mà được nhiêu đó cũng gọi là may mắn.

Nghe nói thu nhập thì cao, nhưng để có đồng tiền chân chính, người làm nghề như anh Lân phải chịu cảnh vất vả. Có buổi cào tối, có buổi cào trưa. Nhưng làm buổi nào thì cũng lênh đênh trên sông nước suốt mấy tiếng đồng hồ.

Mỗi cái cào quăng xuống rồi kéo lên, nhiều nhất là rác, bùn, chỉ có vài con sò nhỏ. Để có được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày phải quăng, kéo, lựa không biết bao nhiêu lần cào.

Thế nên, chuyện đau tay đã trở nên quen thuộc. Cào ban ngày thì đỡ cực, nhưng nếu phải cào ban đêm thì khổ cực hơn. 4 giờ chiều cào tới 7, 8 giờ tối mới về.

Trời lạnh, gió buốt, đường xuồng máy thì nhiều hiểm nguy. Thế nhưng, nghĩ đến vợ, đến con, những người gắn bó với nghề cào sò huyết trên sông như anh Lân phải kiên nhẫn mà làm.

Không phải anh Lân không muốn kiếm nghề khác trên bờ nhẹ nhàng hơn, nhưng “Tánh mình thích tự do, làm thuê cho người ta thì ràng buộc lắm, nhiều điều không như ý muốn. Nghề cào sò hay cân cá bán lại thoải mái hơn nhiều, mình làm bao nhiêu ăn bấy nhiêu.

Siêng năng thì cũng không đến nỗi nào. Cào sò huyết này, một buổi làm cũng được vài trăm, có khi trúng nữa”, anh Lân cười nói. 

Cũng mưu sinh trên sông như anh Lân, việc dầm mưa dãi nắng với anh Bùi Văn Thành đã không còn là chuyện lạ. Sau 1 giờ đồng hồ, 40 cái lú cũng dỡ gần xong xếp đầy xuồng mà tôm, cua, ba khía, cá chỉ chừng nửa thùng nước sơn.

Anh Thành cười buồn: “Gom góp hết, bán lẻ ở chợ chắc cũng được trăm ngoài ngàn”. Với anh, như vậy cũng là vui, bởi nhiều khi trở về gần như tay trắng. 

Thu nhập từ nghề lú trên sông nước bữa nhiều bữa ít, nhưng với anh Thành, nhờ có nghề bà cậu mà đắp đổi.

Cái thời cá bạc tôm vàng đã lùi vào dĩ vãng. Nơi những dòng sông bây giờ, sản lượng cá, tôm không còn dồi dào, trù phú như trước, nhưng nếu nông dân biết chăm chỉ, cần cù lao động thì cũng không đến nỗi đói nghèo.

Ai không tường cứ ngỡ gia đình anh Thành khấm khá. Hơn 20 công đất vuông đâu phải ít. Nhưng đèn nhà ai nấy tỏ.

Đất vuông nhà anh tuy bộn nhưng toàn là mướn, đâu có công nào là của riêng anh. Chi phí 1 năm mướn vuông đã 20 triệu đồng; Mà nuôi tôm, cua thiên nhiên bây giờ cũng "hên xui", năm được, năm huề vốn. 

Ông bà ta hay nói: “An cư lạc nghiệp”, anh Thành tin vậy. Dù không phải đất sở hữu của mình nhưng có đất người ta sẽ chuyên tâm làm ăn, chăm chút từng tấc đất.

Đời sống dù gì cũng đỡ hơn cảnh rày đây mai đó, bôn ba xứ người. Và anh cũng quả quyết rằng, chỉ cần không ngại khó ngại khổ, làm 10 đồng ăn xài chỉ 1-2 đồng rồi tương lai nhất định sẽ tươi sáng hơn.

Bởi vậy, hơn 1 năm qua, ngày nắng cũng như ngày mưa, cứ mỗi khi trời xế chiều, anh Thành lại đặt mấy chục cái lú kiếm từng con tôm, con tép. Và hôm sau, khi mặt trời tỉnh giấc, anh Thành lại dỡ giàn lú, ôm ấp hy vọng thu hoạch được nhiều cá, tôm.

Đặc thù của nghề đặt lú dưới sông là một giàn mấy chục cái liên tiếp. Khi đặt còn đỡ, chớ khi dỡ lú khá nặng. Sông cạn đỡ tốn sức, còn sông sâu thì cực bội phần, vì vậy, đòi hỏi người làm nghề ngoài cần cù phải có sức khoẻ, sự dẻo dai.

Anh Thành tâm sự: “Nghề nào cũng có cái cực riêng của nó. Với tôi, nghề đặt lú này làm riết cũng quen rồi. Sáng dỡ, rồi về muối lại cho sáng mai vợ đem ra chợ Xẻo Quao ở Sông Đốc bán sớm. Cua nhỏ đặt được thì về thả lại trong vuông nuôi. Đồ nhà nên ra chợ mình bán giá mềm hơn người ta một tí cho dễ tiêu thụ. Nhờ nghề này bình quân 1 tháng cũng được 3-5 triệu đồng”.

Thu nhập như thế ở vùng nông thôn không phải nhỏ, cùng với số tiền nuôi tôm, cua, cuộc sống gia đình anh Thành dần ổn định.

Nhưng hàng ngày trên những dòng sông Đất Biển (xã Phong Điền, huyện Trần Văn Thời), mọi người vẫn thấy hình ảnh anh nông dân tầm tứ tuần vất vả bên giàn lú nhặt “lộc” của thiên nhiên. Và mỗi buổi họp chợ sớm, vợ anh lại tần tảo bán mớ cá, mớ tôm mà anh đánh bắt được.

Chăm lo làm ăn, để lo toan cuộc sống gia đình, quan trọng hơn là đường học hành của con cái sau này và hy vọng tương lai sẽ sở hữu được mảnh đất của riêng vợ chồng anh.

Còn đối với anh Tạ Văn Khánh (Khóm 7, thị trấn Trần Văn Thời, huyện Trần Văn Thời) sông nước là hồn quê, là ký ức tuổi thơ, là điều gì đó tuy bình dị nhưng không thể thiếu trong cuộc đời.

Lớn lên cùng nghề giăng lưới, giăng câu, vợ anh (chị Võ Thuý Hằng) cũng là đứa con của vùng nước nổi An Giang nổi tiếng một thời cá linh, cá chốt đầy xuồng làm mắm ăn không hết, nên những ngày tháng bôn ba nơi đất Bình Dương nhộn nhịp kiếm sống, mỗi khi rảnh rang, hai vợ chồng lại kéo chài, cắm câu cho đỡ buồn.

Cuộc sống đô thị nhộn nhịp nhưng dường như không phù hợp với nông dân thích tự do tự tại như anh, vậy là, cả năm nay, gia đình anh lại về quê mưu sinh với nghề thả lưới trên sông.

Những đêm tối trời, ngoài giăng, canh từng mẻ lưới, vợ chồng anh lại cùng nhau bắt ba khía. Thức trắng đêm, thu nhập cũng được vài chục đến vài trăm ngàn đồng, tạm gọi là đủ sống.

Nhưng ngặt nỗi đâu phải ngày nào cũng có thu nhập. Sóng yên, gió lặng thì giăng lưới còn mưa, dông thì những tay lưới nằm yên một góc nhà. Một ngày làm trang trải cho hai, ba ngày sau. Thế nên, căn nhà lụp sụp đã nhiều năm tuổi dựng tạm cạnh mé sông trên phần đất của chính quyền cho mượn cũng chưa được thay mới.

Anh Khánh tâm tình: “Cuộc sống bình bình vậy thôi. Nhưng vợ chồng tôi thích nghề sông nước này. Thoải mái, mình chăm chỉ, chịu khó thì cũng có miếng cơm qua ngày. Nhưng cũng không biết làm tới chừng nào, còn cá thì còn làm”.

Nghề chim trời cá nước tuy bấp bênh, vất vả là vậy, nhưng với những người mưu sinh trên sông nước, động lực để họ gắn bó với nghề chính là những đồng tiền mướt mồ hôi kiếm được giúp trang trải cuộc sống hàng ngày, là cuộc sống tự do, là hoà mình với thiên nhiên, sông nước.

Sau ngày lao động mệt nhoài, họ chỉ nuôi hy vọng, những mẻ lưới, giàn lú kéo lên sẽ mang theo nhiều tôm, cá./.

Theo Báo Cà Mau

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh