Những ngày tháng 5 này, người dân ĐBSCL náo nức mừng vui, bởi cầu Vàm Cống- chiếc cầu dây văng thứ 2 nối đôi bờ sông Hậu- chính thức đưa vào sử dụng. Không vui sao được, khi ước mơ ngàn đời của người dân trong khu vực nay đã thành hiện thực…
Người dân đồng bằng vui mừng khi qua cây cầu mơ ước. |
Những ngày tháng 5 này, người dân ĐBSCL náo nức mừng vui, bởi cầu Vàm Cống- chiếc cầu dây văng thứ 2 nối đôi bờ sông Hậu- chính thức đưa vào sử dụng. Không vui sao được, khi ước mơ ngàn đời của người dân trong khu vực nay đã thành hiện thực…
Chiếc cầu mơ ước
Cầu Vàm Cống là dự án thành phần 3 thuộc Dự án kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mekong bao gồm 5 dự án thành phần với tổng chiều dài 78km; trong đó có cầu Cao Lãnh, tuyến nối Cao Lãnh- Vàm Cống, cầu Vàm Cống, tuyến tránh TP Long Xuyên và tuyến Mỹ An- Cao Lãnh.
Đây là dự án đặc biệt quan trọng của ngành giao thông vận tải để kết nối khu vực phía Tây của ĐBSCL tạo thành trục giao thông huyết mạch thứ hai song song với QL1.
Dự án cầu Vàm Cống được khởi công ngày 10/9/2013. Cầu có chiều dài 2,97km, phần cầu vượt sông dài 870m và 2km đường dẫn trên địa bàn huyện Lấp Vò (Đồng Tháp), quận Thốt Nốt và huyện Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ), cách bến phà Vàm Cống khoảng 3km về phía hạ lưu.
Cầu được thiết kế với quy mô cầu dây văng 2 mặt phẳng dây, nhịp chính dài 450m, tĩnh không thông thuyền 37,5m. Trụ tháp chính hình chữ H cao 143,9m, mặt cắt ngang cầu rộng 24,5m. Cầu có quy mô 6 làn xe cho phép lưu thông, với vận tốc thiết kế 80km/h. Tổng mức đầu tư của dự án 5.465 tỷ đồng bằng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Hàn Quốc và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh được xây dựng với 6 làn xe, chia sẻ áp lực rất lớn cho cầu Mỹ Thuận và cầu Cần Thơ. |
Cầu Vàm Cống có vị trí quan trọng khi nối địa phương “khuất nẻo” Đồng Tháp với vùng đất Tây Đô. Do đó công trình khánh thành là ngày được người dân mong chờ hơn bao giờ hết.
Chúng tôi còn nhớ như in hình ảnh ông Lư Văn Nghĩa (86 tuổi, ngụ xã Trung An, quận Thốt Nốt- TP Cần Thơ) cứ chống gậy đi tới đi lui, mắt cứ hướng về chiếc cầu sừng sững phía trước. Ông không giấu sự vui mừng: “6 giờ sáng, tui đã kêu thằng con chở ra xem cầu hôm nay khánh thành. Chắc không riêng gì tui mà cả người dân đồng bằng đều vui khi có cây cầu to đẹp như thế này”.
Bà Nguyễn Thị Tuyết (phường Mỹ Bình, TP Long Xuyên- An Giang) khi đọc báo, nghe đài biết hôm nay cầu khánh thành nên cũng vượt chặng đường gần 20 cây số đến đây từ sáng sớm. “Không biết mấy giờ mới cho xe chạy nhưng dù mấy giờ đi nữa thì vợ chồng tui cũng sẽ chờ để chạy lên cầu, ngắm cầu rồi mới về”.
Chú Bùi Văn Lợi (ấp Đá Nổi A, xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp- Kiên Giang) cũng phấn khởi “khoe”: Cầu Mỹ Thuận được khánh thành rồi đến cầu Cần Thơ, cầu Rạch Miễu, cầu Cao Lãnh, cầu Cổ Chiên tui đều đi ráo, giờ được chứng kiến cầu Vàm Cống hoàn thành nữa thật hạnh phúc vô cùng…
Trời càng trưa, nắng như đổ lửa, thế mà dòng người vẫn nườm nượp lên cầu. Không thể tả hết được nụ cười, ánh mắt, niềm hân hoan hiện rõ lên từng khuôn mặt, bởi mong mỏi bao đời “qua sông không lụy phà” của người dân ĐBSCL nói chung, khu vực Đồng Tháp Mười, tứ giác Long Xuyên nói riêng nay đã trở thành hiện thực.
Nhiều cơ hội cho đồng bằng
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa nhận, ĐBSCL là vùng đang gặp rất nhiều khó khăn trong phát triển, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Mặc dù Nhà nước đã tập trung nhiều nguồn vốn, triển khai trong nhiều nhiệm kỳ cho vùng nhưng phải khẳng định đến nay, giao thông vẫn là điểm nghẽn của vùng.
Do đó, cầu Vàm Cống đưa vào khánh thành, sử dụng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cầu Vàm Cống hoàn thành, đi qua sông Hậu trên địa bàn TP Cần Thơ qua Long Xuyên, An Giang và Cao Lãnh, Đồng Tháp sẽ không còn đi phà nữa; bà con, doanh nghiệp đi lại dễ dàng. Nếu đi phà mất khoảng 30- 45 phút, còn chạy xe qua cầu chỉ mất 3- 5 phút.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cũng nhấn mạnh cầu Vàm Cống có vị trí chiến lược, nằm trên trục giao thông mới xuyên Đồng Tháp Mười, xuyên ĐBSCL, đó là đường Hồ Chí Minh kết nối từ TP Hồ Chí Minh qua Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang xuống Cà Mau.
Khánh thành cầu Vàm Cống cũng có nghĩa là một mắt xích quan trọng trên đường Hồ Chí Minh đã khơi thông, cùng với cầu Cao Lãnh và đoạn đường cao tốc nối cầu Vàm Cống- cầu Cao Lãnh có thể nói tỉnh Đồng Tháp hiện nay không còn là tỉnh khuất nẻo nữa mà đã nằm giữa 2 cầu lớn bắc qua sông Hậu. Và không có con đường nào đi lên TP Hồ Chí Minh nhanh nhất bằng con đường đi qua cầu Vàm Cống, qua QL80, hoặc cầu Cao Lãnh để về đến TP Hồ Chí Minh.
Cây cầu này đem lại động lực rất lớn cho sự phát triển của vùng ĐBSCL. Tạo điều kiện cho du khách, nhà đầu tư đến vùng nhanh nhất, tiện lợi nhất. “Thông xe cầu Vàm Cống nghĩa là đã thực hiện ước mơ ngàn đời ông cha từng mơ ước. Vui mừng, mong ước của chúng ta có cây cầu bắc qua sông Hậu giờ đã thành sự thật”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể nói.
Cây cầu hoàn thành có ý nghĩa rất lớn không chỉ đối với 2 tỉnh Cần Thơ và Đồng Tháp mà các tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước. |
Để phát huy cầu Vàm Cống và tuyến đường Hồ Chí Minh nói chung, thời gian tới, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết Bộ Giao thông Vận tải sẽ kiến nghị Quốc hội, Chính phủ triển khai thêm một số công trình kết nối cho tuyến đường này.
Cụ thể, từ tiền tiết kiệm của cầu Vàm Cống (khoảng hơn 1.000 tỷ đồng), bộ tham mưu Chính phủ và được sự đồng ý của Chính phủ Hàn Quốc, bộ đang khẩn trương triển khai công tác giải phóng mặt bằng để sớm khởi công tuyến tránh TP Long Xuyên để kết nối vào cầu Vàm Cống, đảm bảo hiệu quả tuyến đường này.
Cầu Vàm Cống hoàn thành cũng mang “trọng trách” hoàn thiện mạng lưới hạ tầng giao thông đường bộ, kết nối thông suốt trung tâm ĐBSCL với các vùng miền trong cả nước. Cùng với cầu Mỹ Thuận, Cần Thơ, Rạch Miễu, Hàm Luông, Năm Căn, Cổ Chiên, Mỹ Lợi, Cao Lãnh, cầu Vàm Cống sẽ góp phần giúp ĐBSCL “cất cánh”.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thành Thống:
Nhân dân TP Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL rất hân hoan chào mừng sự kiện khánh thành cầu Vàm Cống. Sự kiện này là hiện thực hóa ước mơ, mong mỏi của người dân Cần Thơ, Đồng Tháp và các tỉnh ĐBSCL. Sau cầu Cần Thơ, nay có thêm cầu dây văng hiện đại thứ hai bắc qua sông Hậu, tạo động lực lớn cho phát triển kinh tế- xã hội thành phố và các tỉnh ĐBSCL. Ông Nguyễn Thanh Hùng- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp:
Cầu Vàm Cống, cũng như cầu Cao Lãnh và tuyến kết nối giữa cầu Vàm Cống và Cao Lãnh. Đây là một dự án thành phần để kết nối phát triển vùng kinh tế của ĐBSCL; đồng thời cũng hình thành nên tuyến giao thông phía Tây của ĐBSCL ngoài QL1. Bên cạnh, Đồng Tháp được kết nối với TP Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang không phải qua phà, đây là một yếu tố rất thuận lợi trong phát triển hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế cho cả tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL. Đây cũng là tuyến kết nối mang tính liên vùng quốc gia, để phát triển kinh tế- xã hội, việc giao thương đi lại của nhân dân được tốt hơn. Để đảm bảo giao thông, Đồng Tháp cũng kêu gọi đầu tư tuyến đường cao tốc Cao Lãnh- An Hữu nhằm kết nối nhanh tuyến cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh ra cao tốc Trung Lương- Mỹ Thuận và hình thành một hệ thống giao thông liên hoàn. Bên cạnh đó, trên các trục giao thông phát triển, chúng tôi quy hoạch các cụm công nghiệp chế biến chuyên sâu về nông nghiệp, các cụm- khu công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển đô thị để thực sự thúc đẩy phát triển kinh tế khi có cầu Vàm Cống, Cao Lãnh đưa vào hoạt động. |
Bài, ảnh: NHÓM PV
Các tin liên quan |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin