Là một trong năm đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức như: sụp lún đất; sạt lở bờ sông, bờ biển; xâm nhập mặn, nước biển dâng lấn sâu vào nội đồng; thời tiết cực đoan, mưa lớn, lốc xoáy thường xuyên xuất hiện ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân…
Là một trong năm đồng bằng trên thế giới chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH), ĐBSCL đang đối mặt với những thách thức như: sụp lún đất; sạt lở bờ sông, bờ biển; xâm nhập mặn, nước biển dâng lấn sâu vào nội đồng; thời tiết cực đoan, mưa lớn, lốc xoáy thường xuyên xuất hiện ảnh hưởng sinh hoạt, sản xuất, kinh doanh của người dân…
Hướng đến phát triển bền vững ĐBSCL trong tương lai là giải pháp mà nhiều chuyên gia và nhà quản lý đã đề xuất, nhằm thích ứng BĐKH, góp phần thực hiện Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH.
Thách thức
Theo Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), ĐBSCL có tổng diện tích trên 4 triệu héc-ta, dân số 17,7 triệu người, chiếm 18% dân số cả nước.
Trong đó, sản xuất nông nghiệp chiếm vai trò trọng yếu trong vùng, với gần 50% tỷ lệ lao động trong vùng thuộc lĩnh vực nông nghiệp.
Hằng năm, vùng ĐBSCL sản xuất lúa với sản lượng 23,64 triệu tấn, chiếm 55% sản lượng lúa của cả nước; 3,5 triệu tấn trái cây, chiếm 44% sản lượng trái cây của cả nước; 0,59 triệu tấn tôm, chiếm 80% và 1,25 triệu tấn cá tra, chiếm 95% sản lượng cả nước… Các sản phẩm trên đạt kim ngạch xuất khẩu hằng năm khá cao.
Cụ thể, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 8,5 tỉ USD, trong đó: gạo đạt kim ngạch xuất khẩu 2,1 tỉ USD; cá tra đạt 1,7 tỉ USD; tôm đạt 2,5 tỉ USD; rau quả đạt 1,5 tỉ USD… Các sản phẩm trên được đánh giá sản lượng xuất khẩu tăng trong năm 2018.
TP Cần Thơ tăng cường ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao lợi nhuận cho người sản xuất. Ảnh: HÀ VĂN |
Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp, ĐBSCL đã, đang và sẽ đối mặt với nhiều tác động nghiêm trọng do BĐKH, nước biển dâng.
Thách thức lớn nhất mà vùng phải đối mặt đó là thách thức từ các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội ở phía thượng nguồn sông Mekong, phát triển kinh tế - xã hội nội tại của ĐBSCL;
những thách thức do tác động của BĐKH và nước biển dâng dẫn đến làm thay đổi dòng chảy ở các lưu vực sông, suy giảm lượng phù sa, sạt lở bờ sông, sụt lún đất do khai thác nước ngầm quá mức, sự gia tăng xâm nhập mặn, hạn hán…
Thách thức từ thay đổi cấu trúc mùa vụ, gia tăng dịch bệnh và thay đổi năng suất cây trồng do ảnh hưởng BĐKH, trong đó những thay đổi ảnh hưởng sản xuất như:
hằng năm, mùa mưa đến trễ hơn khoảng 2 tuần lễ, cường độ và thời gian có nắng gia tăng; cỏ dại phát triển, rút ngắn chu kỳ sinh trưởng và gia tăng mức sinh trưởng của côn trùng dẫn đến dịch bệnh diễn biến phức tạp và nguy cơ kháng thuốc cao…
Tiến sĩ Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: “Các thách thức trên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp tại vùng ĐBSCL thời gian tới.
Đặc biệt, khi lượng phù sa từ thượng nguồn về hạ nguồn sông Mekong giảm thì sản xuất lúa ảnh hưởng nghiêm trọng…”.
Theo Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN), ưu thế tự nhiên cho phát triển trước đây và hiện nay của ĐBSCL sẽ thay đổi theo hướng suy giảm tài nguyên nước và phù sa; sự gia tăng của nước mặn, nước lợ;
sụt lún đất và nước biển dâng sẽ tác động lớn tới tài nguyên đất, cơ cấu sử dụng đất, các hệ sinh thái và môi trường, làm thay đổi căn bản mô hình sản xuất, tập quán sinh hoạt, sinh kế và đời sống của người dân trong vùng.
Tiến sĩ Andrew Wyatt, Quản lý chương trình Mekong thuộc IUCN, cho biết: “ĐBSCL sản xuất nông nghiệp dựa vào hệ thống đê bao, tuy nhiên, hiện nay độ cao của đất canh tác sau đê chỉ cao hơn mực nước biển trung bình chưa tới 1m và dễ bị tổn thương nếu bão lớn xuất hiện ở ĐBSCL thường hơn và mạnh hơn.
Đồng thời, hằng năm tốc độ lún đất đều diễn ra do khai thác nước ngầm để nuôi tôm tăng nhanh, tưới tiêu... Tình trạng này sẽ góp phần làm tăng thêm các nguy cơ tác hại của thiên tai thời gian tới”.
Phát triển bền vững
Những bất cập nêu trên đang và sẽ đe dọa quá trình phát triển của vùng ĐBSCL, sinh kế và đời sống người dân trong vùng nói riêng và cả nước nói chung, qua đó tác động tới khu vực và quốc tế, đặc biệt là vấn đề an ninh lương thực.
Theo Tiến sĩ Trần Công Thắng, để phát triển nông nghiệp bền vững, các địa phương vùng ĐBSCL cần rà soát, điều chỉnh quy hoạch vùng theo định hướng phát triển bền vững và thích ứng BĐKH;
huy động nguồn lực tập hợp từ Trung ương, địa phương, doanh nghiệp theo hình thức đầu tư cho cơ sở hạ tầng: thủy lợi, cụm ngành, trung tâm dịch vụ hậu cần, giao thông;
đổi mới tổ chức sản xuất theo chương trình tập trung ruộng đất, phát triển vùng nguyên liệu ổn định, phát triển hợp tác xã, thu hút đầu tư phát triển chuỗi giá trị; đầu tư phát triển nguồn nhân lực, viện nghiên cứu, đào tạo và chuyển giao khoa học công nghệ, nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả…
Theo đó, sản xuất nông nghiệp vùng phải định hướng theo các tiểu ngành. Điển hình, lĩnh vực sản xuất lúa: các địa phương trong vùng cũng không cần phải cứng nhắc duy trì sản xuất với số lượng lớn.
Lúa tập trung sản xuất tại vùng ổn định, có đê bao khép kín, ít ảnh hưởng lũ, hạn mặn; sản xuất theo vùng chuyên canh lớn, phát triển hợp tác xã kiểu mới kết nối doanh nghiệp; tăng diện tích lúa chất lượng cao đáp ứng thị trường xuất khẩu…
Đặc biệt, ĐBSCL phát triển hạ tầng nông nghiệp phải mang tính đa mục tiêu, thích ứng với lũ, hạn mặn, ứng phó hiện tượng cực đoan, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Trong đó, các vùng thượng nguồn không tiếp tục xây dựng đê bao khép kín, chỉ tập trung gia cố đê tháng 8 hỗ trợ sản xuất; linh hoạt trữ, điều tiết lũ và nâng cao khả năng tiêu thoát lũ…
Điều chỉnh quy hoạch thủy lợi phù hợp từng vùng chuyên canh rau màu, thủy sản nước ngọt, nước lợ, nước mặn…
Theo Tiến sĩ Andrew Wyatt, ĐBSCL có thể tránh nguy cơ gia tăng thiên tai do phát triển thiếu bền vững qua các biện pháp như:
bảo tồn và khôi phục vùng hấp thu lũ ở Đồng Tháp Mười và Tứ Giác Long Xuyên bằng cách chuyển sang các mô hình nông nghiệp dựa vào lũ để hấp thu nước lũ và giảm sụt lún, đảm bảo nguồn nước ngầm và bồi đắp phù sa.
Điển hình mô hình trồng sen có thể hấp thu đến 1,5cm phù sa mỗi mùa lũ. Dời các vuông tôm thâm canh thiếu bền vững ra xa vùng ven biển và thay bằng mô hình tôm rừng để bảo vệ bờ biển, hạn chế được việc bơm nước ngầm gây sụt lún và giúp duy trì được độ cao của đồng bằng, đối phó nước biển dâng…
Giáo sư – Tiến sĩ Hà Thanh Toàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ, cho biết: “Thời gian qua, nhà trường thực hiện nhiều mô hình sản xuất ứng phó BĐKH trong nông nghiệp, sản xuất giống, cây trồng phù hợp… Trường Đại học Cần Thơ sẽ tổng kết các hoạt động này và tổ chức chuyên đề nhìn lại một năm thực hiện Nghị quyết 120 của Chính phủ, từ đó có kế hoạch phối hợp với đơn vị, các địa phương ứng phó BĐKH thời gian tới”. |
Theo Báo Cần Thơ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin