Tham gia cùng đoàn Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị trong chuyến đi thực tế tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi có dịp được trải nghiệm nhiều điều thú vị về miệt vườn sông nước nơi này.
Tham gia cùng đoàn Hội Nhà báo tỉnh Quảng Trị trong chuyến đi thực tế tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, tôi có dịp được trải nghiệm nhiều điều thú vị về miệt vườn sông nước nơi này.
Tặng quà lưu niệm với Hội Nhà báo Vĩnh Long. |
Điều đầu tiên mà tôi cảm nhận là tình cảm của các anh chị em bạn bè đồng nghiệp dành cho đoàn Quảng Trị là tình cảm chân thành, ấm áp và sự đón tiếp nồng hậu.
Từ TP Hồ Chí Minh, đến Vĩnh Long, Bến Tre, Bà Rịa- Vũng Tàu ra tới Phú Yên… đến đâu chúng tôi cũng được Hội Nhà báo địa phương và các cơ quan báo chí quan tâm giúp đỡ tận tình; từ chỗ ăn ở, đi lại cũng như giao lưu vui vẻ thắm tình đoàn kết giữa những người làm báo.
Ấn tượng là chị Nguyễn Thị Hồng Thư- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo tỉnh Vĩnh Long, chị Lê Thị Thanh Nga- Chánh Văn phòng Hội Nhà báo Bến Tre- sau khi nhận được lịch trình đi thực tế của đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị gửi vào, các chị đã liên tục gọi điện hỏi han tình hình và bố trí cho đoàn đến những điểm tham quan, thực tế hết sức sinh động của vùng sông nước miền Tây.
Ở Vĩnh Long, chị Nguyễn Thị Hồng Thư cũng chính là người làm MC giới thiệu cho chúng tôi những nét chính về quê hương chị.
Và chúng tôi được đi thuyền trên sông Cổ Chiên trôi giữa những cù lao xanh ngát cây trái, ngắm cầu Mỹ Thuận- cây cầu dây văng đầu tiên của Việt Nam bắc qua sông Tiền, nối liền 2 tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long- là trục giao thông chính của vùng ĐBSCL.
Chúng tôi mới cảm nhận rằng, mảnh đất nằm ở vị trí trung tâm ĐBSCL này được phù sa bồi đắp quanh năm, đất đai màu mỡ, ruộng vườn tươi tốt, cây trái phát triển.
Với những lợi thế địa lý mà thiên nhiên ưu đãi, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch sinh thái sông nước miệt vườn, thu hút khách du lịch gần xa.
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 25 khu- điểm du lịch; trong đó nổi bật nhất là các điểm du lịch sinh thái tại cù lao An Bình (Long Hồ) với số lượt khách quốc tế đến tham quan, du lịch chiếm khoảng 60- 70% tổng lượt du khách quốc tế đến Vĩnh Long.
Đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị chụp ảnh lưu niệm tại Khu du lịch Vinh Sang (Vĩnh Long). |
Năm 2017, Vĩnh Long tăng cường khai thác thế mạnh du lịch sinh thái và du lịch văn hóa- danh nhân, đạt 1,1 triệu lượt du khách đến tham quan, trong đó có 225.000 lượt khách quốc tế và 875.000 lượt khách nội địa.
Bên cạnh thế mạnh du lịch sinh thái sông nước, tại Vĩnh Long còn có các công trình văn hóa trọng điểm như: Khu tưởng niệm cố Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng (huyện Long Hồ), Khu lưu niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt (huyện Vũng Liêm), Khu lưu niệm Giáo sư, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa (huyện Tam Bình).
Các di tích lịch sử cấp quốc gia như: Văn Thánh miếu, Công Thần miếu, chùa Tiên Châu, chùa Phước Hậu, Lăng ông Tiền quân Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn… hàng năm đều thu hút hàng chục ngàn lượt khách đến viếng, tham quan và tìm hiểu về giá trị văn hóa, lịch sử…
Tiếc là hôm đến Vĩnh Long, do trời mưa nên đoàn không đến tham quan Khu lưu niệm cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt được làm chị Nguyễn Thị Hồng Thư áy náy lắm, thế nhưng tôi lại nghĩ rằng, không đến được lại hay;
bởi vì điều đó lại càng làm cho đoàn thêm quyến luyến Vĩnh Long, để khi xa rồi lại nhớ, lại muốn đến thêm lần nữa…
Chia tay Vĩnh Long với nhiều tình cảm luyến lưu, chúng tôi lại đến với Bến Tre- quê hương của phong trào “Đồng khởi”, của xứ dừa nổi tiếng miền Tây lại bắt gặp những cô gái mặc áo bà ba duyên dáng lỡ gặp rồi xao xuyến mãi không muốn đi…
Đó là những điều giới thiệu về quê hương của mình mà Chủ tịch Hội Nhà báo Bến Tre Trần Cao Tư nói vội khi giao nhiệm vụ cho anh Huỳnh Văn Thanh- Phó chủ tịch Thường trực- đưa đoàn đi tham quan tour du lịch trải nghiệm trên sông Tiền.
Cô hướng dẫn viên du lịch người Bến Tre duyên dáng trong tà áo bà ba đã hướng dẫn chúng tôi một cách nhiệt tình về những phong cảnh, tập quán của quê hương và con người Bến Tre làm cho chúng tôi hiểu hơn về mảnh đất này.
Ngồi trên thuyền lớn vào mùa nước nổi, chúng tôi mới cảm nhận được sự mênh mông của sông nước miền Tây, có dịp được ngắm cầu Rạch Miễu nối 2 bờ Tiền Giang và Bến Tre- công trình hoàn toàn do các kỹ sư Việt Nam thiết kế và đưa sử dụng vào năm 2009.
Được các anh trong Hội Nhà báo Bến Tre quan tâm, đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành tại bến thuyền du lịch cồn Phụng đi thuyền lớn trên sông Tiền tham quan dọc các cồn Long, Lân, Qui, Phụng và các làng nuôi cá bè của ngư dân nơi đây.
Điểm dừng chân tiếp theo là lò sản xuất kẹo dừa truyền thống của Bến Tre, tại đây đoàn được dùng thử kẹo dừa nóng hổi vừa ra lò, bánh tráng, rượu dừa... và tìm hiểu về quy trình sản xuất kẹo dừa. Ở đây còn có rất nhiều đặc sản như bánh tráng Mỹ Lồng, bánh phồng, quà lưu niệm và đồ thủ công mỹ nghệ của Bến Tre.
Tiếp tục lên xe ngựa đi dọc các đường làng mát mẻ, để đến điểm dừng chân nghe các cô nàng miền Tây ca vọng cổ.
Tại đây, du khách sẽ được nhấm nháp tách trà mật ong ngọt lịm, dùng 5 món trái cây. Xuống xuồng 3 lá, đi dọc trên kinh rạch sông nước, để cảm nhận cái hương vị miền Tây nắng gió và rất nhiều cảnh đẹp. Du khách có thể tự mình chèo đò, để có cái trải nghiệm chân thật nhất.
Xuồng chèo đưa đoàn ra sông lớn, lên thuyền du lịch đến cồn Phụng tham quan di tích Đạo Dừa nổi tiếng, tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của giáo chủ Nguyễn Thành Nam.
Cô hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi biết: Trước đây cồn Phụng có tên là cồn Tân Vinh. Về sau, nó còn có một tên gọi khác là cù lao Đạo Dừa.
Nguyên do là vì ông Nguyễn Thành Nam (1909-1990) đã đến đây xây chùa Nam Quốc Phật và thành lập nên một giáo phái gọi là Đạo Dừa vào đầu thế kỷ XX.
Và trong thời gian xây dựng ngôi chùa ấy, những người thợ nhặt được một cái chén cổ có hình con chim phụng, nên nó còn được gọi là cồn Phụng, và trở thành tên phổ biến cho đến ngày nay.
Ban đầu, cồn Phụng chỉ là một cồn nhỏ nổi giữa sông Mỹ Tho vào những năm 1930 với khoảng 28ha, nhưng do lượng phù sa bồi đắp dồi dào mỗi năm mà nay đã lên trên 50ha.
Đây là 1 trong 4 cồn nằm trên đoạn sông vừa kể được đặt theo quan niệm tứ linh mang điềm an lành hạnh phúc là: long, lân, quy, phụng. Cồn Rồng là "long", cồn Thới Sơn là "lân", cồn Biện Quy là "quy", và cồn Tân Vinh là "phụng"…
Đoàn Hội Nhà báo Quảng Trị tham quan miệt vườn cù lao ở Bến Tre. |
Đêm ở lại Bến Tre đoàn chúng tôi được các anh trong Ban Thường vụ Hội Nhà báo tỉnh, các anh, chị lãnh đạo của các cơ quan báo chí và đồng hương Quảng Trị tại Bến Tre giao lưu thân mật, những lời ca, tiếng hát, những bài thơ về quê hương Bến Tre và Quảng Trị được các anh, chị thể hiện một cách say mê, nhiệt tình càng thắt chặt thêm mối quan hệ thân tình của những người làm báo trên quê hương đồng khởi Bến Tre…
Tuy chuyến đi thực tế của Hội Nhà báo Quảng Trị ngắn ngủi, nhưng đây cũng là một dịp để những người làm báo tỉnh nhà tiếp xúc, giao lưu với các anh, chị và các bạn đồng nghiệp ở miền Tây Nam Bộ để trao đổi, học hỏi thêm kinh nghiệm làm báo, qua đó thắt chặt mối quan hệ giữa Hội Nhà báo Quảng trị và Hội Nhà báo các tỉnh Nam Bộ trong quá trình hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ.
Và cũng là dịp để các nhà báo về thăm xứ sở cù lao với nhiều cây xanh, trái ngọt, trải nghiệm mô hình sinh thái miệt vườn, trải nghiệm với những vùng sông nước miền Tây, như thật hòa mình vào một thiên nhiên trong lành.
Đây cũng là một trong những mô hình góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và quảng bá hình ảnh quê hương miền sông nước miền Tây rất đáng được đón nhận với lòng biết ơn và trân trọng.
Bài, ảnh: NGỌC SỸ
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin