Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 4/2017. Đây là dự án thủy lợi mà các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu rất mong chờ, bởi các mặt lợi ích mà dự án đem lại.
Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư từ tháng 4/2017. Đây là dự án thủy lợi mà các tỉnh Kiên Giang, Hậu Giang, Bạc Liêu rất mong chờ, bởi các mặt lợi ích mà dự án đem lại. Tuy nhiên, một số nhà khoa học lại bày tỏ quan ngại về tính khả thi, đặc biệt là bốn mục tiêu của dự án.
Tàu cá neo đậu trên sông Cái Bé, Cái Lớn, Kiên Giang. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN) |
Ngày 7/9, tại Kiên Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phối hợp UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức hội nghị về Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1 (Dự án Cái Lớn - Cái Bé) nhằm lấy ý của các nhà khoa học, các địa phương trong vùng dự án.
Địa phương tán đồng
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng cho biết, Kiên Giang chịu ảnh hưởng trực tiếp của chế độ thủy triều biển Tây, cho nên bị tổn thương nhiều do biến đổi khí hậu (BĐKH) gây ra.
Ở Kiên Giang, BĐKH không còn là dự báo, kịch bản mà thể hiện rõ qua tình hình xâm nhập mặn, thiếu nước ngọt trầm trọng vào mùa khô, thời tiết khắc nghiệt vào mùa mưa.
Nhưng hiện nay, hạ tầng đầu tư chưa được đồng bộ, chưa khép kín cho nên Kiên Giang không chủ động được trong công tác ứng phó tình hình BĐKH và diễn biến bất thường của thời tiết.
Chính vì vậy, hoạt động sản xuất nông nghiệp và người dân trên địa bàn tỉnh đã phải chịu ảnh hưởng nặng nề.
Ông Phạm Vũ Hồng cho rằng, Dự án Cái Lớn, Cái Bé có vai trò hết sức quan trọng đối với tỉnh và nhận được sự đồng tình của các cấp, ngành và người dân trong vùng dự án.
Khi hoàn thiện, Dự án sẽ góp phần khép kín toàn bộ hệ thống thủy lợi ven biển Tây, phát huy hiệu quả đồng bộ đối với toàn khu vực đúng với mục tiêu của dự án; mang lại hiệu quả tích cực cho sản xuất và đời sống của người dân Kiên Giang cũng như các tỉnh lân cận trong vùng bán đảo Cà Mau.
Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, nguyên nhân nông dân Hậu Giang vẫn còn nghèo và chưa phát triển mạnh là do tình hình tranh chấp mặn ngọt, ảnh hưởng đến sản xuất.
Hằng năm, tỉnh Hậu Giang phải chi hơn 40 tỷ đồng để đắp hàng trăm con đập thời vụ phục vụ sản xuất của nông dân, việc này vừa gây tốn kém, vừa ảnh hưởng đến môi trường.
Quan điểm của tỉnh Hậu Giang là ủng hộ xây dựng Dự án Cái Lớn, Cái Bé. Khi công trình này được hoàn thiện, Hậu Giang sẽ là một trong những địa phương được hưởng lợi trực tiếp.
Ông Nguyễn Hoàng Thăng, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Kiên Giang cũng tán thành và cho rằng, người dân tỉnh Kiên Giang, đặc biệt là nông dân vùng U Minh Thượng, đang mòn mỏi chờ dự án này. Bởi, Dự án được kỳ vọng sẽ mang đến bước phát triển mới cho toàn vùng.
Mô hình tôm - lúa mà người dân vùng U Minh Thượng (Kiên Giang) đang áp dụng mang lại hiệu quả song vẫn còn bấp bênh, hoạt động sản xuất và cuộc sống của người nông dân vẫn lệ thuộc nhiều vào thời tiết.
Nhà khoa học phản bác
Theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 17/4/2017 của Thủ tướng Chính phủ, Dự án Cái Lớn, Cái Bé giai đoạn 1 gồm bốn mục tiêu:
Một là, kiểm soát mặn, giải quyết mâu thuẫn giữa vùng nuôi trồng thủy sản ven biển và vùng sản xuất nông nghiệp của các tỉnh: Kiên Giang, Hậu Giang và Bạc Liêu thuộc lưu vực sông Cái Lớn, Cái Bé, đồng thời góp phần phát triển thủy sản ổn định ở vùng ven biển của tỉnh Kiên Giang.
Hai là, chủ động ứng phó BĐKH, nước biển dâng, tạo nguồn nước ngọt cho vùng ven biển để giải quyết tình trạng thiếu nước ngọt vào mùa khô, phòng chống cháy rừng, đặc biệt trong những năm hạn hán, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ổn định.
Ba là, tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn. Bốn là, kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án.
Tại hội nghị, nhóm nghiên cứu của Trường đại học Cần Thơ gồm Lê Anh Tuấn, Nguyễn Hữu Thiện, Dương Văn Ni, Nguyễn Hồng Tín và Đặng Kiều Nhân đã đưa ra những ý kiến phản biện gần như hoàn toàn bốn mục tiêu của Dự án Cái Lớn, Cái Bé.
Theo nhóm nghiên cứu, mục tiêu thứ nhất thiếu tính thuyết phục. Nhóm đặt câu hỏi, Dự án giải quyết mâu thuẫn mặn - ngọt, nhưng liệu mặn - ngọt có là mâu thuẫn lớn đến mức cần thiết phải tiến hành một dự án thủy lợi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay như Dự án Cái Lớn, Cái Bé không.
Quan ngại về mục tiêu hai, nhóm nghiên cứu nhắc lại những luận điểm cho rằng Dự án Cái Lớn, Cái Bé cần thiết, cấp bách như tình hình hạn - mặn mùa khô năm 2016, nguy cơ nước biển dâng, đồng bằng sông Cửu Long phải gánh trọng trách bảo đảm an ninh lương thực, nguy cơ cạn kiệt nguồn nước ngọt do tác động từ các nước thượng nguồn… là thiếu thuyết phục.
Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện cho rằng, không nên lấy sự kiện cực đoan mùa khô năm 2016 làm chuẩn tình hình chung để xây dưng công trình.
Nếu thời tiết lập lại như mùa khô năm 2016 thì công trình này cũng không có tác dụng. Trên thực tế, nước biển dâng chỉ 3 mm/năm, chuyện đáng lo nhất chính là đồng bằng sụt lún nhanh do khai thác nước ngầm quá mức, sông ngòi không còn chảy, tích tụ ô nhiễm…
“Năm 2016, hạn mặn cực đoan nhưng nước ta vẫn xuất khẩu gần năm triệu tấn gạo. Và việc cho rằng nguồn nước ngọt chảy vào đồng bằng sông Cửu Long cạn kiệt do tác động của các nước thượng nguồn là tuyên bố võ đoán”, chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện nhấn mạnh
Về mục tiêu thứ ba “tăng cường khả năng thoát lũ, tiêu úng, tiêu chua, cải tạo đất phèn”, nhóm nghiên cứu cho rằng, đây là mục tiêu mà từ các giải pháp cho đến tính khả thi đều kém thuyết phục nhất.
Về mục tiêu thứ tư, “kết hợp phát triển giao thông thủy bộ trong vùng dự án” nhóm nghiên cứu dẫn ra bài học từ các dự án Ô Môn-Xà No, ngọt hóa bán đảo Cà Mau, và cả dự án cống đập Ba Lai (Bến Tre) cho thấy, phần lớn các dự án này đều hạn chế giao thông thủy, tạo điều kiện cho lục bình phát triển, cản trở tàu bè đi lại.
Phát biểu ý kiến tại hội nghị, TS Dương Văn Ni, cho rằng, ở vùng đồng bằng sông Cửu Long cứ lập đi lập lại cảnh được mùa mất giá, được giá thì không có sản phẩm để bán, nông dân hết trồng rồi chặt, hết chặt lại trồng.
“Tôi đã từng chứng kiến cảnh người nông dân tay len, tay cuốc kéo nhau đi đắp đê ngăn mặn để trồng lúa. Rồi cũng những nông dân ấy với những dụng cụ ấy kéo nhau đi phá đập lấy nước mặn nuôi tôm.
Ở vùng bán đảo Cà Mau, con tôm và cây lúa mâu thuẫn nhau mấy chục năm qua. Vùng này thiếu sự đa dạng về cây trồng vật nuôi, chứ không mâu thuẫn giữa mặn - ngọt. Nếu chúng ta nhìn thấu đáo thì sẽ giải quyết vấn đề một cách căn cơ”, TS Dương Văn Ni chỉ rõ.
Có cùng quan điểm, PGS,TS Lê Anh Tuấn lập luận, thực tế cho thấy ở những vùng có cống ngăn mặn, người nông dân liên tục chặt bỏ cây trồng củ để trồng loại cây mới, do chất lượng đất không bảo đảm.
“Khi cống được đóng lại, về cơ bản là có nước ngọt, nhưng nước ngọt này không sử dụng được do bị ô nhiễm, sự đa dạng sinh học cũng mất đi, nhưng sâu bệnh lại phát triển…”
Tại hội nghị, GS,TS Nguyễn Ngọc Trân đã đưa ra nhiều kết quả nghiên cứu của ông và một số nhà khoa học về khí hậu, thổ nhưỡng, môi trường của vùng bán đảo Cà Mau và cảnh báo chính sự tác động quá mức của con người vào tự nhiên mới dẫn đến kết quả không mong chờ hiện nay.
GS,TS Nguyễn Ngọc Trân đồng ý cần phải có những giải pháp phòng ngừa hiện tượng thời tiết cực đoan, giải pháp ứng phó BĐKH nhưng ông ủng hộ những giải pháp, biện pháp phi công trình và đề nghị tỉnh Kiên Giang nên tổ chức một cuộc hội thảo về các biện pháp phi công trình trong tình hình biến động như hiện nay.
GS,TS Nguyễn Ngọc Trân đã chỉ ra tính chịu trách nhiệm khi trong bản báo cáo tóm tắt của dự án 48 trang đã 11 lần đổ lỗi cho đầu tư không/chưa đồng bộ, bảy lần viện dẫn cần đầu tư hoàn chỉnh.
“Cần phân tích khách quan hơn, cầu thị hơn, nêu lên hiện tượng mà không chỉ đúng nguyên nhân, rồi từ đó cho là cần thiết đầu tư là nguy cơ tiếp tục vòng xoáy bao ví đồng bằng với quá nhiều cống đập các kích cỡ”, GS,TS Nguyễn Ngọc Trân đề nghị.
Theo Nhân dân
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin