Nửa đêm theo dấu những đàn cá sông ở miền Tây

01:06, 08/06/2018

Sấm sét đầu mùa như rạch nát màn đêm đen nghịt ở miền Tây. Vợ chồng Hải "chạch" vuốt nước mưa đầm đìa trên mặt, dỡ vội các lợp cá dưới dòng Vàm Cỏ

Sấm sét đầu mùa như rạch nát màn đêm đen nghịt ở miền Tây. Vợ chồng Hải "chạch" vuốt nước mưa đầm đìa trên mặt, dỡ vội các lợp cá dưới dòng Vàm Cỏ

Vợ chồng Hải dầm mưa đã gần ba giờ. Người vợ có vẻ thấm lạnh, nhưng chỉ lo cho con. Ngồi đầu ghe phụ chồng gỡ cá trong lợp, thảng hoặc chị ngoái lại nhìn con. Sấm sét liên tục trong mưa đêm.

Bắt cá đêm mưa

"Mưa bão gì tụi tui cũng phải tranh thủ thăm lợp. Lỡ cá chết ngộp thì uổng lắm, bán còn nửa giá mà người ta cũng chê" - anh Trần Long Hải, bạn bè quen gọi Hải "chạch", tranh thủ lúc ngớt tiếng sấm sét tâm sự.

Cũng như nhiều "đồng nghiệp" khác, vợ chồng họ quê từ tận huyện Tháp Mười, Đồng Tháp lênh đênh con nước đến tận miệt bưng biền Long An này mưu sinh bằng nghề đặt lợp cá đồng .

Nhưng tại sao dân "mỏ cá" đầu nguồn Đồng Tháp lại xuống tận đây tìm cá?

Hải giải thích: "Bận rày cá mú tự nhiên ở xứ nào cũng hiếm hết rồi. Tụi tui phải ngược theo các con sông đi tìm. Mà thiệt tình là nơi nào càng hiếm cá thiên nhiên thì càng dễ bán được giá hơn".

Sét nhì nhằng xé toạc màn đêm, nổ ù tai. Họ lặng yên dỡ lợp. Đêm nay trời động, có vẻ không may mắn. Các dây lợp dài cả 50m.

Hơn 1h sáng, họ vẫn chưa bắt nổi 2kg cá. Chưa kể đó chỉ là mớ cá trê, cá rô, cá lóc nhỏ và vài con tôm cỡ ngón tay. Dỡ xong cái lợp cuối cùng, vợ chồng Hải lục đục mở nồi cơm nguội với chén cá mắm dầm ớt đỏ lừ.

Trước khi rót ly rượu đế mời khách, người chồng quay mũi ghe vô bờ cho vợ tìm lùm cây, thay đồ sũng nước mưa. Chiếc ghe xập xệ nhỏ xíu, không có góc nào kín đáo trước khách lạ.

"Cưa đôi" với khách vài ly rượu, Hải "chạch" tâm sự gia đình mình đã mấy đời ngược xuôi theo con nước như thế này.

Bận xưa, tía má anh ở tận xã Xuân Tô, huyện Tịnh Biên, An Giang. Chiến tranh biên giới khốc liệt, họ mới dắt díu con cái lui về Tháp Mười, Đồng Tháp.

Từ khi Hải biết nhớ, "ngôi nhà" của anh đã là chiếc ghe lênh đênh hết cánh đồng nước nổi này đến con sông khác.

"Không phải mình ên tía má tui đâu. Hàng xóm bận đó ai cũng theo ghe cá. Nhưng đời tía má tui thì dễ sống hơn. Nhiều bữa ghe cá đầy nhóc, phải nghỉ thăm lưới, dỡ lợp, bởi thêm nữa thì có nước khẳm chìm ghe" - Hải nói.

Cả gia đình lênh đênh trên ghe cá - Ảnh: QUỐC VIỆT
Cả gia đình lênh đênh trên ghe cá - Ảnh: QUỐC VIỆT

Khoảng trước năm 2000, các tuyến đê bao chưa khép kín, cá mú thượng nguồn Campuchia còn đổ xuống nhiều theo lũ. Mươi năm trở lại đây càng hiếm dần, hiếm dần...

Người vợ kể đời tía má mình làm nghề cá, biết dành dụm, còn sắm được ít vàng thủ thân. Nhưng bận này vợ chồng họ mần siêng cỡ nào cũng chỉ tạm đủ trang trải qua ngày. Ba đứa con thì hai đứa lớn phải nhờ bà con nuôi trên bờ. Họ dắt theo bé gái út vì thương con còn nhỏ.

"Thương thì thương mà cũng thiệt lo. Mình thức khuya thức hôm, cứ xong việc là mệt đừ, lăn ra ngủ. Sợ con thức dậy một mình, giữa sông nước, có bề gì..." - vợ Hải chỉ sợi dây cột vào be ghe nói.

Cô kể mỗi khi vợ chồng ngủ phải cột chân con lại vì sợ chuyện sông nước xui xẻo...

Đêm khuya, chị vợ chợp mắt trước. Chưa tới 4h, anh chồng dỡ lợp lần cuối để kịp buổi chợ sáng ở Trà Cú. Nếu thương lái gom được nhiều, cá của họ có thể về đến tận TP.HCM, còn ít thì bán loanh quanh ở các chợ nhỏ dọc bờ sông.

Cá sông ra chợ bên đường

"Đồng nghiệp" của Hải cũng làm ăn cặp mé sông ở An Giang, Đồng Tháp. Cũng vậy, sau một đêm đặt lợp, giăng lưới, họ đưa ghe cặp bờ bán cá.

Ông Nguyễn Văn Tá (Bảy Tá) đang lui cui cùng vợ làm thau cá mới thu lợp trong đêm dưới kênh Xáng, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An. Ông nói: "Cũng hên được mấy trận mưa lớn đầu mùa, cá đi ngược nước nên còn kiếm được chút ít ở đoạn sông này". Chớ mọi bữa khúc sông này kiệt cá.

Hơn 8h sáng, bến Kênh Xáng dưới chân cầu Mỏ Heo, Đức Huệ có gần chục chiếc ghe lần lượt về bờ. Hầu hết những người tụ lại đây đều quen biết nhau, trong đó chỉ riêng nhà ông Bảy Tá đã lên đến gần chục người gồm vợ chồng ông, cả con cả cháu.

Sau một đêm miệt mài kiếm sống trên sông, nhiều gương mặt thấm mệt nhưng vẫn rất vui vẻ. "Ê, Hậu, 12 cửa địa ngục vợ chồng bay đêm qua được không?". "Đơ đỡ, còn địa ngục của mày?"...

Họ cười rổn rảng thăm hỏi nhau. 12 cửa địa ngục họ nói là những chiếc lợp, dây lưới bắt cá .

Một lát sau, hơn chục cái thau, thùng cá bày ra con đường liên xã. Tôi ước lượng 20-30kg cá được bày bán trong buổi sáng này. Nhiều nhất là cá trê, kế đến là cá rô, cá lóc, cá chốt và mớ cua đồng.

Thứ mắc nhất trong chợ phiên này là tôm càng sông nhưng chỉ lác đác vài con. Khách qua đường dừng lại, thi thoảng khách quê trên đường lên TP.HCM dừng lại mua một lần 2-3kg.

Những mẻ cá tươi rói vừa lên kịp phiên chợ sáng bên đường. Nhiều khách ghé mua cả thùng mang về
Những mẻ cá tươi rói vừa lên kịp phiên chợ sáng bên đường. Nhiều khách ghé mua cả thùng mang về "thành phố" - Ảnh: QUỐC VIỆT

Cá sông, cá đồng có giá

Vợ chồng ông Bảy Tá làm cá bán ở chợ bên đường thuộc tỉnh Long An - Ảnh: QUỐC VIỆT
Vợ chồng ông Bảy Tá làm cá bán ở chợ bên đường thuộc tỉnh Long An - Ảnh: QUỐC VIỆT

Mớ cá ông Bảy Tá bày ra thau 5-6kg. Cá lóc, cá trê sông nhỏ bán 100.000-120.000 đồng, cá rô khoảng 80.000 đồng. Loại mắc nhất trong thau là mấy con lươn rạch tràm vàng óng bán 180.000 đồng.

May mắn hồi đêm ông bắt thêm được vài con tôm sông bự bán ngang giá lươn sông. Ban đầu họ định dành tôm cho cháu nhỏ theo ghe ăn, nhưng nghĩ tiếc nên đem ra bán.

Ngậm ngùi mùa cá xa xưa

15 tuổi, cậu bé này đã hơn 10 năm theo cha mẹ đi tìm những luồng cá sông -Ảnh: QUỐC VIỆT
15 tuổi, cậu bé này đã hơn 10 năm theo cha mẹ đi tìm những luồng cá sông -Ảnh: QUỐC VIỆT

Bán hết mớ cá, bà Hai Vân - vợ ông Bảy Tá - chặc lưỡi: "Bữa nay mà còn chục ký nữa chắc cũng bán được, nhưng vét hết dưới ghe rồi. Cá mú ngày càng hiếm dần. 100 cái lợp của tui cộng thêm 200 cái lợp của mấy đứa con mà chỉ có nhiêu cá, chừng 10kg".

Trời lại đổ mưa. Ông Chín Dự, người đàn ông gần 50 năm sống trên ghe bắt cá, tâm sự tiếc đứt ruột cho những mùa ghe khẳm cá tôm đã trở thành quá khứ không bao giờ trở lại ở miền Tây sông nước..

Ông kể mới đây đã đụng độ suýt đánh nhau với đám xuyệt điện tận diệt cá bên mạn Mộc Hóa, Long An: "Tụi tui làm nghề của cha ông đặt lợp, giăng lưới, thả câu, còn họ dùng điện giật bắt sạch cá lớn, cá nhỏ. Mình chưa góp ý hết câu, tụi nó đã đòi chém. Tui thì già hốc rồi, ngán gì nữa, nhưng sợ sắp nhỏ tiệt đường kiếm cơm".

Cùng kiếm sống bằng nghề cá, nhưng họ lại xót xa cho những đàn cá bị thảm diệt bằng điện. Có người còn nhân thời điểm cá sinh sản đầu mùa mưa, giăng lưới mùng bắt sạch cá con. Cách bắt độc ác và tận diệt từ trứng nước!

Có thể hơi lạ khi nghe những người chuyên bắt cá kiếm sống lại tâm sự chuyện bảo vệ cá, nhưng họ đã nói lời từ đáy lòng. Nếu biết đánh bắt cá hợp lý cùng cách bảo vệ nguồn cá, mai này chuyện về mỏ cá sông nước Nam Bộ sẽ không nhuốm nỗi ngậm ngùi một thời xa xưa không trở lại…

Theo QUốc Minh (TTO)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh