Gần 20 năm qua, bà Sáu Thia đã dạy cho hàng ngàn đứa trẻ vùng lũ miền Tây biết bơi
Gần 20 năm qua, bà Sáu Thia đã dạy cho hàng ngàn đứa trẻ vùng lũ miền Tây biết bơi
Hưng Thạnh là xã có nhiều kênh rạch nhất nhì miệt Tháp Mười, Đồng Tháp. Nhiều năm trước, tình trạng cha mẹ đi làm, những đứa trẻ ở nhà sẩy chân xuống kênh rạch bị đuối nước không phải là hiếm. Từ các lớp dạy bơi miễn phí của bà Sáu Thia, tình trạng đau lòng này chấm dứt với hơn 2.000 trẻ được chứng nhận đạt chuẩn biết bơi.
Hồ bơi dã chiến
Dưới con sông rộng thuộc ấp 3, xã Hưng Thạnh, gần chục đứa trẻ lặn hụp theo hiệu lệnh của người phụ nữ luống tuổi, dáng người nhỏ nhắn. Đó là lớp dạy bơi miễn phí của bà Trần Thị Kim Thia, dân nơi đây thường gọi là bà Sáu Thia.
“Hồ bơi” của các em ở đây vô cùng đơn giản, được bà Sáu Thia tạo nên từ những chiếc cọc tre cắm xuống đáy sông với lưới cước bao bọc xung quanh. Mỗi điểm bơi có khoảng 30 đứa trẻ độ tuổi 5-13. Để dễ quản lý và dạy được hiệu quả, bà Sáu chia các em thành từng tốp, mỗi tốp khoảng 10 em, mỗi buổi bơi khoảng 90 phút.
Ban đầu bà Sáu cho lũ trẻ tay bám vào thành “hồ bơi” chính là thanh tre cột nổi trên mặt nước, rồi ra hiệu lệnh lặn, sau đó chúng từ từ ngoi lên, đồng thời hai chân đạp nước. Sau một hồi các học viên nhí lặn hụp và đạp nước, bà Sáu bắt đầu tập cho lần lượt từng đứa bơi. Bà nâng bụng các em, đồng thời hướng dẫn cách sải tay bơi và kết hợp chân đạp nước. Từ từ bà Sáu giảm tải việc nâng và buông tay để các em tự bơi từng chút một.
Bà Sáu Thia với một trong các lớp học bơi miễn phí do bà đứng lớp. Ảnh: HẢI DƯƠNG |
Vào tay bà Sáu mươi bữa là bơi ngon lành
Năm 2002, xã Hưng Thạnh triển khai dự án phổ cập bơi cho trẻ em, bà Sáu Thia được chọn làm “huấn luyện viên” cho đến nay. “Lúc đó, mỗi lần lũ về, nghe đài kêu có trẻ em đuối nước, lòng tôi đau thắt lại. Nghĩ tới mấy đứa nhỏ vùng lũ ở đây nên tôi đảm nhận công việc dạy bơi này” - bà Sáu Thia tâm sự.
Khóa bơi thường được tổ chức vào dịp hè, trước khi lũ về khoảng một tháng để khi lũ về thì các em đã kịp biết bơi, không phải lo chuyện bị đuối nước. Mỗi khóa bơi sẽ diễn ra liên tục trong vòng 15 ngày. Dưới sự huấn luyện của bà Sáu, hầu hết các em đều biết bơi chỉ sau khoảng 4-5 ngày học.
Nói về kỹ thuật dạy bơi của bà Sáu Thia, bà Trần Thị Thu, một phụ huynh có con học bơi, cho biết: “Cô Sáu Thia dạy bơi hay lắm! Không biết có bí quyết gì mà cô dạy thằng con tôi trong 10 ngày đã biết bơi ngon lành. Trước đó, vợ chồng tôi cũng hì hục cắm cây, dạy con đạp nước như cô Sáu nhưng tập suốt một năm trời con tôi vẫn không bơi được”. Còn em Đỗ Minh Hiển, học sinh lớp 6 Trường THCS Hưng Thạnh, cho hay: “Con học bơi chỗ bà Sáu hồi bảy tuổi. Con xem trên truyền hình thấy các bạn bị đuối nước cũng sợ lắm nên con theo bà Sáu học bơi. Biết bơi thì không sợ đuối nước, lại còn có thể cứu người. Mấy bạn trong lớp con đều do bà Sáu dạy bơi hết”.
Thấy bà Sáu Thia dạy bơi tận tâm, hiệu quả nên ngày càng có nhiều phụ huynh chủ động đưa con đến học. Bảy điểm dạy bơi được mở ra trên toàn xã với sự đứng lớp chủ yếu của bà Sáu, thu hút tổng cộng khoảng 200 học viên mỗi mùa dạy bơi
Nằm trong tốp 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu Bằng tâm sức bền bỉ và đáng quý của mình, bà Sáu Thia đã nhận rất nhiều bằng khen của các đoàn thể địa phương. Không những vậy, bà Sáu còn là một trong ba đại diện Việt Nam lọt vào tốp 100 phụ nữ tiêu biểu toàn cầu do BBCbình chọn. |
“Chồng chỉ có một, trẻ không biết bơi thì hàng ngàn”
Tâm sự về cuộc đời mình, bà Sáu Thia cho biết bà quê gốc ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Bà là con gái út trong gia đình, được cha mẹ thương yêu, không làm động móng tay. Đến năm 26 tuổi, cha mẹ bà lần lượt qua đời, để nuôi thân bà bắt đầu đi làm thuê rồi lưu lạc đến vùng Tháp Mười lập nghiệp đến nay. Tại đây, bà làm đủ thứ nghề, từ làm cỏ, dặm lúa, đan lục bình, bán vé số đến cả công việc đốn tràm, bốc vác vốn chỉ thuộc về cánh đàn ông. Hễ việc nào kiếm ra tiền là bà lăn xả vào làm. Những lúc không dạy bơi thì bà lấy vé số đi bán, trừ chi phí ăn uống, bà lời được khoảng 200.000 đồng/ngày, đủ trang trải cho cuộc sống đơn côi. Ấy vậy mà khi đến hè, bà Sáu Thia không ngần ngại bỏ công việc của mình để dạy bơi miễn phí cho bọn trẻ. Có phụ huynh tỏ lòng biết ơn đã gửi tiền cho bà, xem như học phí nhưng bà nhất quyết không nhận. Thấy vậy, xã đã hỗ trợ bà mỗi điểm dạy 300.000 đồng.
Hơn thế nữa, bà Sáu Thia còn có một tấm lòng yêu thương trẻ em vô bờ bến. Bà sẵn sàng hy sinh hạnh phúc cá nhân để đổi lại việc trẻ em được biết bơi. Bà Sáu kể vào những năm đầu dạy bơi, có không ít người ngỏ lời hỏi cưới nhưng bà đã từ chối tất cả để toàn tâm toàn ý dạy bơi cho trẻ. Bà Sáu tâm tình: “Nếu có chồng thì mình phải có trách nhiệm chăm lo cho chồng con, việc dạy bơi sẽ bị xao lãng đi, mấy đứa nhỏ sẽ ra sao. Chồng thì chỉ có một nhưng trẻ em thì có đến hàng ngàn. Hạnh phúc của tôi là nhìn những đứa nhỏ biết bơi và không có đứa trẻ nào phải đuối nước”. Do đó đến nay dù đã ở cái tuổi 61 nhưng bà Sáu Thia vẫn sống thui thủi một mình trong căn nhà trống trước hở sau và chưa bao giờ bà hối hận với quyết định của mình
Được địa phương và phụ huynh tin tưởng Thời gian qua, bà Thia luôn giữ vai trò chính trong các lớp dạy bơi của xã. Bà Thia dạy bơi rất hiệu quả, được địa phương và phụ huynh tin tưởng, trẻ em yêu quý. Bà dạy đúng kỹ thuật, hơn hết là bà dạy tận tâm, tạo cho trẻ động lực để tập bơi. Nhờ đó mà hơn 20 năm qua, trên địa bàn xã Hưng Thạnh không xảy ra trường hợp trẻ em đuối nước. Ông LÊ VĂN TÀI, Phó Chủ tịch xã Hưng Thạnh |
Theo PLO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin