Báo động tình trạng bác sĩ bỏ việc tại các tỉnh ĐBSCL

03:06, 07/06/2018

Tình trạng bác sĩ của các bệnh viện công tại khu vực ÐBSCL liên tục nghỉ việc đã gióng lên hồi chuông báo động. Những tỉnh có bác sĩ nghỉ việc tại bệnh viện công lập chuyển sang bệnh viện tư làm việc nhiều nhất là: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long…

Tình trạng bác sĩ của các bệnh viện công tại khu vực ÐBSCL liên tục nghỉ việc đã gióng lên hồi chuông báo động. Những tỉnh có bác sĩ nghỉ việc tại bệnh viện công lập chuyển sang bệnh viện tư làm việc nhiều nhất là: Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Vĩnh Long…

Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nơi có hàng chục bác sĩ giỏi xin nghỉ việc.
Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long, nơi có hàng chục bác sĩ giỏi xin nghỉ việc.

Ðã đến mức báo động

Theo thống kê từ Sở Y tế tỉnh Cà Mau, từ đầu năm 2015 đến cuối tháng 3-2018 có 105 viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập nghỉ, bỏ việc, gồm 97 bác sĩ và tám dược sĩ.

Trong số đó, 38 bác sĩ chuyên khoa I, một bác sĩ chuyên khoa II, hai thạc sĩ và bốn dược sĩ chuyên khoa I. Năm 2016 và năm 2017 là thời điểm có nhiều viên chức trong ngành y tế của Cà Mau bỏ hoặc tự ý nghỉ việc, với 74 bác sĩ, dược sĩ.

Số cán bộ nghỉ, bỏ việc tập trung nhiều nhất tại Bệnh viện đa khoa Cà Mau và Bệnh viện đa khoa Cái Nước vốn là những cơ sở y tế tuyến đầu của tỉnh.

Tại tỉnh Kiên Giang, tình trạng dịch chuyển nhân lực của ngành y tế đối với những trường hợp có trình độ chuyên môn từ đại học trở lên diễn ra từ năm 2001 và tăng qua từng năm.

Ðến thời điểm này, có tổng cộng 78 người có trình độ từ đại học trở lên xin ra khỏi hệ thống y tế công lập hoặc rời địa phương.

Cụ thể, năm 2011 có ba người, trong đó có hai bác sĩ, một người có trình độ chuyên khoa I; năm 2012, số lượng cán bộ y tế nghỉ việc tăng mạnh, lên đến 14 người (10 bác sĩ đa khoa, hai bác sĩ chuyên khoa I, một thạc sĩ và một tiến sĩ);

năm 2016, số cán bộ dịch chuyển là 15 người và năm 2017 là 19 người. Riêng từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế Kiên Giang đã phải giải quyết cho sáu bác sĩ, một dược sĩ cao cấp và một thạc sĩ xin ra khỏi cơ sở y tế công lập.

Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Công Tuấn xác nhận, thời gian qua khoảng 30 bác sĩ ở các cơ sở y tế, bệnh viện công lập đã làm đơn xin nghỉ việc dẫn đến tình trạng thiếu hụt nhân sự trầm trọng. Hiện còn nhiều bác sĩ đã gửi đơn xin nghỉ việc chờ xem xét.

Ðáng lo ngại hơn, tại TP Vĩnh Long có hai bệnh viện tư nhân (quy mô 500 giường bệnh) đang trong giai đoạn hoàn thiện.

Thời gian tới, khi đi vào hoạt động, hai bệnh viện này sẽ “hút” khá nhiều nhân lực từ các cơ sở y tế công lập dịch chuyển sang làm việc, dẫn đến tình trạng thiếu hụt bác sĩ bệnh viện công trầm trọng hơn.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Vĩnh Long có tổng mức đầu tư xây dựng là hơn 950 tỷ đồng với quy mô 800 giường bệnh, bao gồm 20 khoa phòng và các hạng mục mới được khánh thành và đưa vào hoạt động từ tháng 3-2018.

Ðây là công trình khá hiện đại, với cơ sở vật chất, trang thiết bị đồng bộ sẽ giúp và nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế của bệnh viện; khắc phục tình trạng quá tải trong khám và điều trị bệnh cho nhân dân trên địa bàn.

Với cơ sở mới này, bệnh viện cần khoảng 170 - 175 bác sĩ để đảm nhận các vị trí, nhưng hiện giờ chỉ có khoảng 140 bác sĩ, tức thiếu hơn 30 bác sĩ... chưa kể một số bác sĩ đang viết đơn xin nghỉ. Tính chung tất cả các bệnh viện, cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long hiện thiếu khoảng 300 bác sĩ.

Trưởng phòng Tổ chức cán bộ Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Minh Ðức chia sẻ: Trước thực trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân sự có chuyên môn cao và hàng loạt bác sĩ làm đơn xin nghỉ việc, Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long cũng không biết làm gì khác được.

Khi tiếp nhận đơn, phía ngành y tế chỉ biết động viên, thuyết phục. Tuy nhiên, nhận thấy họ quyết tâm nghỉ việc, ngành phải giải quyết theo nguyện vọng, đúng quy định pháp luật.

Chưa có giải pháp hiệu quả

Theo ông Nguyễn Minh Ðức, hiện nay, để có được tấm bằng bác sĩ, người học phải đầu tư một khoản tiền rất lớn, từ 400 đến 500 triệu đồng, chưa kể những chi phí phát sinh khác.

Tuy nhiên, khi ra trường, nhận công tác trong ngành y tế, đồng lương hằng tháng của họ chưa tới ba triệu đồng. Với mức thu nhập như thế, các bác sĩ rất khó bảo đảm cuộc sống.

Trong khi đó, tại bệnh viện tư nhân, thu nhập ít nhất của bác sĩ là khoảng 30 triệu đồng/tháng. Vì thế, nhân lực từ bệnh viện công lập dịch chuyển sang bệnh viện tư nhân là rất dễ xảy ra.

Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau là bệnh viện hạng II, thực hiện được khoảng hơn 70% kỹ thuật lâm sàng, cận lâm sàng theo phân tuyến chuyên môn kỹ thuật của Bộ Y tế, trong đó có một số kỹ thuật thuộc bệnh viện tuyến trung ương.

Bệnh viện quy mô 700 giường bệnh, theo quy định phải có 910 người nhưng biên chế được giao chỉ 690 người, thiếu 220 người, dẫn đến áp lực công việc đối với y, bác sĩ là rất lớn.

Bác sĩ Bùi Ðức Văn, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau cho biết: Người bệnh đông và đòi hỏi ngày càng cao, cho nên y, bác sĩ phải chịu rất nhiều áp lực. Ðể bảo đảm công việc “chạy” trơn tru, chúng tôi phải hợp đồng thêm nhân lực và bệnh viện phải gánh thêm chi phí. Ðó cũng là một trong những nguyên nhân thu hẹp khoản thu nhập tăng thêm cho y, bác sĩ.

Tại Kiên Giang, việc dịch chuyển bác sĩ xảy ra hầu hết ở các đơn vị tuyến huyện, thị xã, nhưng nhiều nhất là tại TP Rạch Giá và đứng đầu là tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Kiên Giang. Rất nhiều bác sĩ có năng lực, chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản, có triển vọng trong công tác cũng bỏ bệnh viện công sang làm việc cho bệnh viện tư nhân.

Ðiển hình là trường hợp của bác sĩ Hun Xuân Hoàng, Trưởng phòng Tổ chức cán bộ của Bệnh viện đa khoa huyện Hòn Ðất.

Bác sĩ Hoàng là người có uy tín ở địa phương, có nhiều năm công tác và được quy hoạch vào chức Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Hòn Ðất.

Nguyên nhân chính khiến bác sĩ Hoàng xin nghỉ là do áp lực kinh tế và sức hút quá mạnh từ các phòng khám đa khoa tư nhân.

Một thực tế hiện nay là các bệnh viện lớn ở TP Hồ Chí Minh cũng đang có xu hướng đầu tư về các tỉnh, thành phố lân cận, trong đó có khu vực ÐBSCL. Chẳng hạn, tại TP Cần Thơ có rất nhiều bệnh viện tư nhân từ đa khoa tới chuyên khoa như: Hoàn Mỹ, Tây Ðô, Phụ sản quốc tế Phương Châu…

Thực tế những bệnh viện này chỉ có bộ khung nhân sự chính, còn bác sĩ điều trị là thu hút từ các bệnh viện công ở Cần Thơ và các tỉnh lân cận.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hữu Dự, Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ cho biết, các bệnh viện phải tự chủ về kinh phí càng khó khăn hơn trong việc giữ chân bác sĩ, mà đơn vị ông là một điển hình.

Bởi tâm lý người bệnh luôn đòi hỏi chất lượng từ cơ sở, thiết bị máy móc và hiệu quả điều trị phải cao, bệnh viện phải đầu tư để đáp ứng nhằm thu hút bệnh nhân.

“Tuy nhiên, do cơ chế cho nên dù có nâng cao chất lượng dịch vụ thì giá dịch vụ vẫn không thể tăng lên. Còn các bệnh viện tư nhân thì dễ dàng thực hiện điều này.

Nguồn thu tốt, thu nhập của bác sĩ tăng thì mới giữ chân được họ công tác lâu dài. Ðiều này gây khó khăn cho các bệnh viện chuyên khoa của địa phương như Bệnh viện Phụ sản Cần Thơ, Bệnh viện Nhi Cần Thơ, vì bác sĩ giỏi đã “chạy” sang các bệnh viện tư nhân hết rồi”, bác sĩ Nguyễn Hữu Dự bộc bạch.

Trước làn sóng nghỉ việc ồ ạt tại bệnh viện công lập, ngành y tế các tỉnh ÐBSCL vẫn chưa có giải pháp hiệu quả và thiết thực để ngăn chặn. Một lãnh đạo sở y tế thừa nhận:

Chúng tôi chỉ biết “dùng nước bọt” để thấm lòng người, hay thuyết phục, níu kéo người định chuyển đi ở lại theo kiểu… tình cảm anh em, đồng nghiệp.

Do đó dù có yêu nghề đến mấy, muốn cống hiến đến thế nào đi chăng nữa, họ phải nuôi được bản thân, gia đình, con cái trước mới lo được cho cộng đồng, xã hội.

Theo Báo Nhân Dân

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh