Nhân kỷ niệm 88 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2018), chúng tôi có dịp trở lại Ba Chùa (xã Nhơn Bình- Trà Ôn), bất ngờ cảm nhận sự thay đổi và đi lên của quê hương này- nơi đầu tiên thành lập Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Nhân kỷ niệm 88 năm ngày Thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930- 3/2/2018), chúng tôi có dịp trở lại Ba Chùa (xã Nhơn Bình- Trà Ôn), bất ngờ cảm nhận sự thay đổi và đi lên của quê hương này- nơi đầu tiên thành lập Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Người dân ấp Ba Chùa tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, đời sống. |
Theo dòng lịch sử
Ngày 3/2/1930, sau khi thống nhất 3 tổ chức Đảng và lấy tên là Đảng Cộng Sản Việt Nam, tháng 3/1930, đồng chí Châu Văn Liêm được phân công đến Vĩnh Long tổ chức hội nghị chuyển Chi bộ An Nam Cộng sản đảng Ngã tư Long Hồ thành Chi bộ Đảng Ngã tư Long Hồ do đồng chí Nguyễn Văn Thiệt làm Bí thư, đây là tổ chức Đảng Cộng sản Việt Nam tiền thân của Tỉnh ủy Vĩnh Long.
Vừa mới ra đời, Chi bộ Đảng đã nhanh chóng tập hợp quần chúng nhân dân, phân công cán bộ đi các nơi tích cực hoạt động và xây dựng thêm nhiều chi bộ Đảng khác, đã thành lập được 5 chi bộ:
Chi bộ Ngã tư Long Hồ, Vũng Liêm, Ba Chùa (Tường Lộc), Cái Ngang (Tam Bình) và La Ghì (xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn, lúc này chi bộ Đảng La Ghì thuộc tỉnh Cần Thơ).
Theo sách “Vĩnh Long- vùng đất và con người” của tác giả Nguyễn Chiến Thắng (nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy), tính đến cuối tháng 10/1930, số chi bộ Đảng tiếp tục tăng dần, Vĩnh Long phát triển từ 5 chi bộ lên 12 chi bộ với trên 100 đảng viên.
Đặc biệt, phong trào cách mạng thời điểm này diễn ra sôi nổi, rộng khắp trong tỉnh, dù địch tìm mọi cách lùng sục, vây ráp, bắt bớ hòng để dập tắt.
Trong khoảng thời gian này, dù bị đàn áp nhưng dưới sự lãnh đạo của các chi bộ Đảng, phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân diễn ra rất mạnh mẽ để đòi các quyền lợi về kinh tế trước mắt gắn với chính trị.
Các chi bộ tổ chức các cuộc mít tinh lớn để vạch mặt bọn địa chủ, lính làng gian ác; đòi chính quyền bỏ “thuế đuôi chuột”, chia lại ruộng đất cho dân nghèo, đòi dân sinh dân chủ…
Trước sự lớn mạnh của các tổ chức Đảng, Xứ ủy Nam Kỳ đã chỉ đạo thành lập Tỉnh ủy và trong số các chi bộ đầu tiên được thành lập thì Ba Chùa là nơi đầu tiên tổ chức đại hội thành lập BCH Tỉnh Đảng bộ Vĩnh Long.
Theo ông Nguyễn Chiến Thắng, ngày 15/2/1931 là một sự kiện lịch sử quan trọng của tỉnh và các đảng viên ở Vĩnh Long, đó là Đại hội thành lập BCH Tỉnh Đảng bộ Vĩnh Long.
Sự kiện được tổ chức tại nhà bà Lê Thị Giêng ở ấp Ba Chùa, xã Tường Lộc- Tam Bình (nay là xã Nhơn Bình- Trà Ôn). Đồng chí Ngô Văn Chính được tín nhiệm làm Bí thư đầu tiên của BCH Tỉnh Đảng bộ.
Ba Chùa sau đó cũng được chọn làm căn cứ và là nơi nuôi giấu cán bộ cách mạng. Cán bộ Tỉnh ủy Vĩnh Long, Xứ ủy Nam Kỳ như Tạ Uyên- Bí thư Xứ ủy, Phạm Hữu Lầu- Ủy viên Trung ương Đảng- đã từng đến Ba Chùa hoạt động.
Trong kháng chiến chống Pháp và kháng chiến chống Mỹ, nhân dân Ba Chùa đã tiễn hàng trăm con em ra chiến trường.
Ba Chùa hôm nay
Chúng tôi đến ấp Ba Chùa vào lúc người dân đang cùng nhau xúc cát chuẩn bị làm đường, Bí thư chi bộ kiêm Trưởng ấp- Đoàn Văn Đậm cho biết, dân mình mong mỏi con đường này đã lâu.
Người dân ấp Ba Chùa góp công làm đường giao thông nông thôn. |
Được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Đảng ủy và UBND xã, chi bộ đã cùng với tập thể nhân dân trong ấp vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 300 triệu đồng, mỗi hộ dân còn góp 500.000đ và ủng hộ ngày công để cùng nhau làm tuyến đường này. “Tết này, bà con mình sẽ đón năm mới thật vui vì có đường mới để đi”- ông Đậm phấn khởi.
Tại Trường Tiểu học Nhơn Bình B- trước đây là khu căn cứ Ba Chùa, nói về sự đổi thay của quê hương sau ngày giải phóng, thầy Bùi Văn Đông- Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng nhà trường- cho biết: “So tầm 3 năm đã có sự đổi thay nhiều rồi, huống chi thời gian dài như vậy”- hớp ngụm trà, thầy nói tiếp- “Cuộc sống người dân mình nay đã phát triển vượt bậc rất nhiều lần.
Học sinh Trường Tiểu học Nhơn Bình B an tâm cắp sách đến trường thông qua chính sách an sinh xã hội và các nguồn tài trợ. |
Giờ dân mình đã ăn ngon, mặc đẹp, nhà nhà đều có phương tiện đi lại. Điện thắp sáng gần như phủ kín, còn nước sạch cũng đã cơ bản đáp ứng nhu cầu người dân địa phương”.
Thầy Bùi Văn Đông nhớ lại: Những năm 2000, vẫn còn phải đem vỏ lãi rước học sinh đi học, nhưng giờ ý thức cho con em đi học của phụ huynh rất tốt, tỷ lệ huy động học sinh ra lớp đạt 100%, tỷ lệ học sinh tham gia BHYT đạt 100%.
Bên cạnh, với chính sách an sinh của Nhà nước cùng với các nguồn xã hội hóa, vận động tài trợ mà học sinh nghèo vẫn được cắp sách đến trường, không còn phải “lăn tăn” mua sách vở, quần áo mà còn được hỗ trợ gạo ăn và các nhu yếu phẩm phục vụ cho sinh hoạt, học tập.
Còn thầy Nguyễn Văn Lạc- Chủ tịch Công đoàn trường- kể, những năm mới giải phóng, phải cuốc bộ từ nhà qua thị trấn Tam Bình đi học nhưng hầu như không có đường để đi, phải lội ruộng, xuyên bờ ranh rồi men theo mé sông mà đi từ rạng sáng, đốt hết 2 cây đuốc mới tới nơi. Giờ thì tại xã có trường, từ mẫu giáo đến THCS, đường sá thuận tiện.
Bên tách trà hàn huyên, ông Nguyễn Văn Lưu (Tám Lưu)- cán bộ hưu trí với 55 năm tuổi Đảng- tự hào nói: “Sự lãnh đạo của Đảng đã đưa phong trào cách mạng của cả nước nói chung và của xã nhà nói riêng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác”- rồi ông đọc bài thơ chúc Tết của Bác Hồ- “Năm qua thắng lợi vẻ vang/ Năm nay tiền tuyến chắc càng thắng to/ Vì độc lập, vì tự do/ Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào/ Tiến lên! Chiến sĩ, đồng bào/ Bắc Nam sum họp xuân nào vui hơn”.
Ông Tám Lưu kể, ngày xưa kết nạp Đảng vẫn có cờ nước, vẫn có tuyên thệ nhưng không được tổ chức ở hội trường trang trọng như bây giờ.
Qua hơn 4 năm tham gia cách mạng, phấn đấu và rèn luyện, năm 1962, ông được kết nạp Đảng dưới gốc bần, lúc đó chỉ có mỗi Bí thư Chi bộ xã và ông, để tránh bị địch phát hiện.
Ba Chùa hôm nay, điện sáng nhà nhà.Ảnh: KHÁNH DUY |
Tuy khó khăn là vậy nhưng tinh thần, lý tưởng của anh em cao lắm, một lòng theo Đảng, vậy nên thành công.
Rồi ông Tám Lưu kể, chuyện học hành thời chiến cũng rất vất vả, chủ yếu là học ở bờ tre, chứ nào có trường lớp được xây dựng khang trang như bây giờ.
Còn chuyện làm kinh tế cũng lắm gian lao, do đây là vùng đất cầm thủy, nước ngập triền miên, nông dân sống dựa vào cây lúa nhưng không khá nổi vì bị bệnh khoan cổ, kể như thất trắng, cho trâu ăn còn chê đắng.
Sau ngày độc lập, với chủ trương mới, nông dân cũng chuyển từ lúa mùa sang trồng lúa thần nông với 3 vụ/năm, năng suất có vụ đạt 40 giạ/công, nên đời sống người dân ngày ổn định hơn. “Thời bình làm ăn rất dễ, miễn siêng năng thì sẽ có điều kiện vươn lên”- ông Tám Lưu khẳng định.
Ông Ngô Văn Cường- Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Bình- cho biết, với sự lãnh đạo xuyên suốt của Đảng, xã nhà đã thay đổi vượt bậc, nhất là những năm gần đây.
Hiện, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 33 triệu đồng/người/năm, tăng 21 triệu đồng/người/năm so năm 2010; xã cũng đã đầu tư nhiều công trình giao thông, thủy lợi nội đồng đảm bảo khép kín phục vụ 100% cho cây lúa và trên 80% vườn cây ăn trái.
Đặc biệt, từ năm 2015 đến nay, đã nâng tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch từ 17,4% lên 59,8%; đồng thời phát triển trên 50 cơ sở sản xuất, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Đạt được thành quả trên, chính là nhờ vào những chủ trương hợp “ý Đảng, lòng Dân”, hầu hết các phong trào đều được người dân tích cực hưởng ứng, trong phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xã có 9/9 ấp văn hóa, xã được công nhận đạt chuẩn văn hóa năm 2015, chi bộ đạt trong sạch vững mạnh năm 2017.
Hiện, xã đang tiếp tục huy động mọi nguồn lực xây dựng nông thôn mới, chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn để “đem đến cho người dân sự hài lòng về chất lượng cuộc sống, từ đó tiếp tục chung tay hưởng ứng các phong trào hành động cách mạng do Đảng và Nhà nước phát động”- ông Ngô Văn Cường chia sẻ.
Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng ấp Ba Chùa Đoàn Văn Đậm Hiện, mong ước lớn nhất của người dân trong xã là đầu tư bia tưởng niệm Ba Chùa để ghi nhớ công lao của các vị tiền nhân và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. |
Bài, ảnh: THANH TÂM- XUÂN TƯƠI
[links()]
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin