Làng nghề lưới Thơm Rơm nhộn nhịp vào mùa

02:08, 17/08/2017

Chúng tôi có dịp ghé thăm làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vào những ngày đầu mùa nước nổi. Không khí ở đây trở nên hối hả, nhộn nhịp người mua kẻ bán,  bởi theo nhiều bà con sinh sống ở đây thì làng nghề như được "sống lại" sau bao năm vắng lũ…

Chúng tôi có dịp ghé thăm làng nghề đan lưới Thơm Rơm ở phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ vào những ngày đầu mùa nước nổi. Không khí ở đây trở nên hối hả, nhộn nhịp người mua kẻ bán,  bởi theo nhiều bà con sinh sống ở đây thì làng nghề như được “sống lại” sau bao năm vắng lũ…

Bà con làng nghề đan lưới Thơm Rơm tất bật sản xuất ngư cụ đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường mùa lũ.
Bà con làng nghề đan lưới Thơm Rơm tất bật sản xuất ngư cụ đảm bảo đủ cung ứng cho thị trường mùa lũ.

Lũ về làng nghề thêm sức sống

Năm nay nước nổi đã về ĐBSCL sớm hơn cả dự định. Nước nổi về các sản vật thiên nhiên cũng nhiều vô kể, mà đặc biệt là các loại thủy sản. Đối với bà con sinh sống bằng nghề đánh bắt mùa nước nổi thì đây là một đặc ân mà thiên nhiên đã ban tặng cho vùng đất và con người châu thổ. Còn đối với người dân ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm thì mùa nước đẹp đã góp phần làm “sống lại” làng nghề này, bởi việc sản xuất và buôn bán của họ đều phụ thuộc vào những con nước nổi và sự ăn nên làm ra của người đánh bắt.

Ông Quang Hưng- một người gắn bó gần 20 năm với nghề làm đó, lờ, dớn, lưới tại đây, cho biết: “Nghề lưới ở Thơm Rơm làm quanh năm. Nhưng năm nào lũ lớn, thì nhu cầu mua lưới của người dân cũng tăng cao. Mấy năm liên tiếp nước kém, làng nghề cũng ảm đạm, ít người mua hàng nên chỉ bán cầm chừng. Nhưng năm nay khác rồi, từ 2 tuần nay khách đến mua hàng liên tục, vui lắm”.

Được hình thành và phát triển gần 40 năm, các sản phẩm ngư cụ do làng nghề lưới Thơm Rơm làm ra luôn được khách hàng tin dùng bởi các ưu điểm như mắc đan hẹp, độ bền cao dễ giăng bắt cá, giá cả phù hợp với túi tiền của bà con mưu sinh trong mùa nước nổi.

Nhờ thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết nên chị Diệu Anh- Chủ cơ sở sản xuất lưới Dì Ba Tư An cũng như nhiều bà con khác đã chủ động được nguồn hàng, đảm bảo đủ cung ứng cho nhu cầu của khách hàng trong mùa nước nổi này.

“Từ đầu tháng 5âl, tui bắt đầu cho sản xuất dự trữ lưới cá linh, cá rô vì nguồn nhân công ít chứ nếu đợi tới vô mùa rồi mới làm thì không kịp. Tôi cũng nghe thông tin trên báo, đài là mực nước lên, do đó mình phải tự chủ động nguồn hàng của mình”- chị Diệu Anh bộc bạch.

Theo chủ các cở sở kinh doanh ngư cụ thì năm nay, các loại lưới 4 phân và lưới 3 màn là các mặt hàng bán chạy nhất. Bên cạnh đó, các loại ngư cụ khác như: lú, lợp, móc câu,… vẫn có lượng khách ổn định.

“Nói chung mùa này bán được hơn so với mùa nước trước. Ở đây chủ yếu mình bán cho bà con địa phương, rồi ở các huyện đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp, Long An cũng đến mua nhiều lắm. Người ta chuộng đồ làng nghề mình lắm”- chị Nguyễn Thị Hữu Thuận- chủ tiệm lưới, lú Hữu Tý phấn khởi cho biết.

Đang lui cui lựa lú, chú Trần Quốc An- ngụ xã Lương Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) với vẻ chất phát cùng cái giọng miền Tây “rặt”, chú cười sảng khoái, nói: “Mấy năm trước nước trễ không à, nước cũng ít nên tận dụng lú cũ bắt được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Năm nay nước lên quá, cá nhiều nên tui đầu tư thêm lú mong bắt được nhiều cá hơn”.

Sức mua tăng trong mùa nước nổi khiến cho giá một số mặt hàng ngư cụ ở làng nghề đan lưới Thơm Rơm cũng đội lên chút ít. Cụ thể, mỗi chiếc lú gọng sắt, gọng kẽm có giá từ 300.000- 350.000đ; lưới 4 phân, lưới 3 màn có giá dao động từ 60.000- 120.000đ/tay,…

Tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động nông nhàn

Nằm cặp QL91 thuộc khu vực Tân Lợi 2, phường Tân Hưng, quận Thốt Nốt chúng ta dễ dàng bắt gặp những cửa hàng treo đầy các mặt hàng lưới cùng các ngư cụ khác liền kề nhau. Người mua, kẻ bán tấp nập đã tạo cho nơi đây một bầu sinh khí mới.

Làng nghề đan lưới Thơm Rơm hiện có khoảng 30 hộ dân tham gia sản xuất kinh doanh chính và hơn 300 hộ sản xuất gia công.

Cứ vào mùa nước nổi, sức mua tăng, chủ các cơ sở cần thêm nguồn nhân công để làm theo công đoạn nhờ đó đã giải quyết được công ăn việc làm cho khoảng 700 lao động chuyên nghiệp và khoảng 500 lao động thời vụ.

 Những công đoạn nhẹ nhàng được nhiều chị, em phụ nữ nhận làm để kiếm thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn.
Những công đoạn nhẹ nhàng được nhiều chị, em phụ nữ nhận làm để kiếm thêm thu nhập trong thời gian nông nhàn.

Nghề lưới đã thực sự mang lại thu nhập ổn định và cuộc sống tốt hơn cho bà con nơi đây. Công việc nhìn chung chỉ đòi hỏi sự cần cù, khéo léo, siêng năng nên người già, trẻ nhỏ, hay mấy chị em phụ nữ cũng có thể nhận nguyên liệu về nhà gia công. Tùy theo, công đoạn làm, tay nghề mà thu nhập của từng người cũng khác nhau, nhưng bình mỗi lao động cũng kiếm được từ 70.000- 200.000 đ/ ngày.

Chị Ngọc Hương- người gắn bó lâu năm với làng nghề này chân tình bộc bạch: “Tranh thủ sau mùa vụ, tui nhận dập chì kiếm tiền trang trải cho chuyện ăn uống hàng ngày. Mỗi ngày cũng được gần trăm ngàn, tùy bữa làm nhiều hay ít. Công việc cũng khá nhẹ nhàng, dễ làm vì có máy móc cả rồi”.

Bên cạnh các sản phẩm thủ công, nhiều cơ sở tại làng nghề đan lưới Thơm Rơm còn mạnh dạng đầu tư thêm các thiết bị máy móc để tạo ra nguồn sản phẩm dồi dào hơn, chất lượng tinh xảo, hạ giá thành cũng như tăng thu nhập cho bà con làng nghề.

Bài, ảnh: TRẦN NGỌC

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh