Theo vòng quay hối hả của cuộc sống, âm nhạc truyền thống Khmer dần bị lãng quên qua năm tháng. Tuy nhiên, vẫn có những "nghệ nhân" luôn nặng tình với vốn quý của người xưa và cố gắng lưu giữ nét đẹp văn hóa Khmer qua từng tiếng nhạc.
Theo vòng quay hối hả của cuộc sống, âm nhạc truyền thống Khmer dần bị lãng quên qua năm tháng. Tuy nhiên, vẫn có những “nghệ nhân” luôn nặng tình với vốn quý của người xưa và cố gắng lưu giữ nét đẹp văn hóa Khmer qua từng tiếng nhạc.
Căn nhà nhỏ đơn sơ nằm xa hương lộ và hướng mặt về núi Rô là nơi cư ngụ của “nghệ nhân” Chau Sươnl mấy chục năm qua. Người Khmer tại xã An Cư (Tịnh Biên) đã quen gọi Chau Sươnl là “nghệ nhân” bởi niềm đam mê đối với nhạc cụ truyền thống.
Chau Sươnl chia sẻ: “Tôi bắt đầu theo học nhạc truyền thống cách đây hơn 30 năm. Thời đó, nhạc truyền thống còn thịnh hành nên tôi có dịp gặp gỡ, trao đổi với những bậc cao niên sở hữu ngón đờn hay.
Sau vài năm học hỏi, tôi đã chơi được nhiều nhạc cụ. Hiện nay, tôi hay chơi đờn cò và người ta cũng lấy cây đờn này làm chủ để dẫn nhịp cả dàn nhạc”.
Với ngón đờn điêu luyện, ông Chau Sươnl được nhiều gia đình Khmer mời đến phục vụ đám tiệc. Chau Sươnl chia sẻ, âm nhạc truyền thống Khmer có rất nhiều lĩnh vực chứ không chỉ là nhạc ngũ âm như nhiều người nghĩ.
“Ngoài nhạc ngũ âm thì người Khmer còn có múa Rô băm, diễn xướng Dù kê và nhạc đám cưới... Cũng là những nhạc cụ đó nhưng ông bà xưa sáng tác rất nhiều bài bản mà chính tôi sau mấy chục năm đeo đuổi vẫn chưa học hết.
Hiện nay, tôi hay đi phục vụ cho bà con trong huyện, có khi sang Tri Tôn” - ông Chau Sươnl cho hay.
Chau Sươnl rất đam mê nhạc truyền thống |
Đến giờ, mỗi khi cầm trên tay cây đờn cò truyền thống, Chau Sươnl vẫn nhớ ơn thầy Chau Sóc Phơ, hiện đã ngoài 80 tuổi.
Chính cụ Chau Sóc Phơ đã truyền dạy những tinh túy trong âm nhạc Khmer cho Chau Sươnl để ông tiếp tục mang những bài bản truyền thống đó đến với đồng bào mình.
“Những gia đình còn giữ nét đẹp truyền thống hay mời chúng tôi đến phục vụ. Với người Khmer, tiếng nhạc từ cây đờn cò, đờn à-nẹt hay đờn bul-lét luôn thôi thúc niềm đam mê và làm cho không khí đám cưới thêm rộn rã.
Thông thường, chúng tôi còn phục vụ quan khách dự đám cưới nhảy lâm-thôn rất vui vẻ” - ông Chau Sươnl thật tình.
Hiện tại, Chau Sươnl đang cố gắng mang tiếng nhạc truyền thống đến với đồng bào mình để thế hệ sau còn hình dung và yêu thích hơn với vốn văn hóa người xưa để lại.
Cùng mong ước với Chau Sươnl, ông Chau Út (ngụ xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên) luôn cố gắng duy trì âm nhạc truyền thống của dân tộc mình.
Gắn bó với cây đờn cò khi mới 15 tuổi, Chau Út đã có “thâm niên” khá lâu trong giới chơi nhạc truyền thống Khmer tại vùng Bảy Núi.
Chau Út kể: “Hồi còn nhỏ mê chơi nhạc lắm. Cứ theo mấy chú học đờn riết rồi biết nhiều bài bản. Bây giờ tôi thành lập một đội nhạc truyền thống chuyên phục vụ đám tiệc hay các lễ cúng tại chùa.
Có khi đám tiệc ở rất xa nhưng chúng tôi vẫn đến, chỉ mong bà con thích nhạc truyền thống hơn”.
Là người am hiểu sâu về nhạc Khmer truyền thống nên Chau Út được đại diện địa phương tham dự nhiều sự kiện văn hóa lớn trong tỉnh và khu vực.
Ông đã trình diễn đàn bul-lét tại Liên hoan dân ca Việt Nam khu vực Tây Nam Bộ năm 2015 với mong muốn những âm thanh từ nhạc cụ truyền thống Khmer được vươn xa và đến với nhiều người hơn.
Sau bao nhiêu thành quả của cá nhân, Chau Út chỉ mong muốn thế hệ kế thừa sẽ mê âm nhạc truyền thống như ông.
“Tôi lo con cháu sau này sẽ quên tiếng nhạc thân quen nên hết lòng truyền dạy. Hiện tại, tôi đang dạy các cháu tập múa Rô-băm tại nhà. Đây là loại hình nghệ thuật có từ lâu đời nên ít ai còn nhớ. Vì vậy, tôi muốn các cháu học và đi trình diễn cho bà con xem”- Chau Út thật tình.
Trong mấy mươi năm gắn bó với dàn nhạc truyền thống, Chau Út đã truyền dạy cho rất nhiều người. Hiện tại, nhóm nhạc truyền thống của Chau Út đang quy tụ những tay đờn giỏi, trong đó có 4 người con mà ông đã truyền nghề từ khi còn nhỏ.
Họ có thể phục vụ những bài nhạc trang nghiêm hay những khúc hòa tấu vui vẻ, hân hoan trong tiệc cưới. “Thu nhập từ việc phục vụ đám tiệc không bao nhiêu nhưng tôi chỉ mong sẽ có nhiều người yêu thích âm nhạc truyền thống.
Bây giờ còn khỏe, tôi sẽ cố gắng truyền dạy để đời sau không quên âm nhạc của dân tộc mình. Chỉ mong âm nhạc Khmer sẽ được chính quyền quan tâm hơn để con cháu sau này còn có dịp nghe những bài bản cha ông xưa để lại và yêu quý hơn những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình” - Chau Út mong mỏi.
“Đội múa Rô băm tôi đang dạy hoàn toàn miễn phí, chỉ mong các cháu siêng năng học hỏi. Tôi mong rằng, địa phương và ngành chuyên môn sẽ tạo điều kiện để nhóm nhạc truyền thống trình diễn Rô băm trong những sự kiện văn hóa. Thật sự, chúng tôi rất muốn nét đẹp văn hóa của mình được nhiều người biết tới” - Chau Út trải lòng.
Theo THANH TIẾN/TTMT
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin