Về Thới Sơn nghe chuyện trâu thần

06:06, 19/06/2016

Bên cạnh những huyền tích về các đại đệ tử của Phật thầy Tây An, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương còn tưởng nhớ đến những con vật có công trong quá trình khai sơn phá thạch ở vùng Bảy Núi (An Giang).

Bên cạnh những huyền tích về các đại đệ tử của Phật thầy Tây An, tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương còn tưởng nhớ đến những con vật có công trong quá trình khai sơn phá thạch ở vùng Bảy Núi (An Giang).

Trong đó, đôi trâu Sấm - trâu Sét của Phật thầy được nhắc đến như những vị thần trong lòng người dân địa phương.

Người dân địa phương khá tôn kính đôi trâu
Người dân địa phương khá tôn kính đôi trâu

 

Trâu vốn là loài vật gần gũi với người dân Việt Nam và nền sản xuất nông nghiệp lúa nước. Câu tục ngữ “con trâu là đầu cơ nghiệp” đã khẳng định được tầm quan trọng của loài vật này đối với công việc đồng áng thời xưa. Vì thế, trâu đi vào những câu chuyện cổ tích hay huyền thoại như một lẽ tự nhiên. Vùng Bảy Núi linh thiêng với những huyền thoại về giáo phái Bửu Sơn Kỳ Hương cũng có riêng một mẫu chuyện về loài trâu đầy tính nhân văn, đó là đôi trâu Sấm - trâu Sét của Phật thầy.

 

Nguồn gốc của đôi trâu này hiện nay chưa có tài liệu hay công trình nghiên cứu nào nói rõ, chủ yếu chỉ qua lời kể dân gian. Ông Đặng Văn Son, Phó Trưởng ban Quản lý Khu di tích chùa Phật Thới Sơn, nhớ lại: “Theo lời kể của cha tôi và những bậc cao niên khác, đôi trâu này được Phật thầy dẫn theo trong quá trình đưa tín đồ vào chinh phục vùng đất hoang vu quanh chân núi Két. Thời gian đầu, công cuộc khai hoang gặp nhiều khó khăn nhưng với tinh thần và ý chí sắt đá, lớp người đầu tiên đã thành lập 2 làng Hưng Thới và Xuân Sơn (nay là xã Thới Sơn - Tịnh Biên). Chính đôi trâu Sấm - trâu Sét đã góp công lớn vào quá trình “phá sơn lâm” của các tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương ở miệt rừng sâu nước độc”.

 

Ông Son đưa chúng tôi đi xem bức họa thể hiện quá trình mở đất ở vùng Thới Sơn xưa trong khuôn viên Thới Sơn tự. Trong bức họa, đôi trâu Sấm - trâu Sét đang gồng mình kéo những khúc gỗ to về xây dựng trại rẫy, trại ruộng. Vì hình thức tu tập của tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương là “tự làm lấy để có cái ăn mà tu” nên việc xây dựng trại rẫy, trại ruộng được xem như yếu tố quan trọng hàng đầu. Có thể do đôi trâu quá khỏe nên người ta lấy tên của hai thế lực thiên nhiên là sấm và sét để đặt tên cho chúng.

“Giai thoại về đôi trâu không nhiều do đã qua nhiều thế hệ tín đồ. Bản thân tôi cũng chỉ được nghe kể lại rằng, đôi trâu này rất thông minh, biết nghe tiếng người nói và có sức khỏe vô địch. Tuy nhiên, chúng chỉ nghe lời Phật thầy, ngoài ra không tín đồ nào có thể sai khiến trâu làm việc theo ý mình. Bên cạnh, Phật thầy cũng xem đôi trâu như đệ tử, vì thế tín đồ theo đạo và dân địa phương không dám gọi trâu là “con”, mà gọi là “ông” nhằm tỏ lòng tôn kính” - ông Son tiếp lời.

 

Cũng theo ông Son, đôi trâu đã thực hiện công việc kéo gỗ xây dựng xong trại ruộng (nay là Phước Điền tự) và cả chùa Thới Sơn. Về sau, khi làng xóm hình thành, trâu Sấm - trâu Sét lại tham gia vào công việc đồng áng. Có thể nói, chúng đã góp công lớn trong quá trình biến rừng hoang u tịch thành ruộng rẫy xanh tươi ở vùng Hưng Thới - Xuân Sơn xưa. Đôi trâu tham gia vào công việc cày cấy của tín đồ một thời gian rồi cũng qua đời. Để tỏ lòng tôn kính, các tín đồ đã an táng trâu long trọng tại khu vực gò Rề - mâu. Theo thời gian, nơi an táng trâu đã trở thành vùng đất bùn lầy và ít người lui tới. 

 

Câu chuyện về đôi trâu Sấm - trâu Sét của Phật thầy Tây An đã nói lên nét đẹp nhân văn trong tâm thức người Việt. Đó là bài học về lòng biết ơn, chung thủy, nghĩa tình của người tín đồ Bửu Sơn Kỳ Hương đối với thế hệ cha ông và cả những con vật có công lớn trong thời kỳ đầu con người khai phá miền Thất Sơn hoang dã.

 

Theo TTMT

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh