Họ tạc tên "mãnh tướng thiên sơn" vào trong tiềm thức, cùng niềm kiêu hãnh trí dũng người phàm.
Họ tạc tên “mãnh tướng thiên sơn” vào trong tiềm thức, cùng niềm kiêu hãnh trí dũng người phàm.
Những trận đánh đã đi vào lịch sử rừng xanh giữa người và mãnh thú, dù trải qua bao nhiêu thăng trầm biến cố vẫn luôn là niềm tự hào của cư dân núi Cấm. Họ tạc tên “mãnh tướng thiên sơn” vào trong tiềm thức, cùng niềm kiêu hãnh trí dũng người phàm.
1.Thất Sơn (An Giang) được mệnh danh là cái nôi sản sinh ra những bậc kỳ tài võ sĩ đạo. Ở đây, đạo sĩ thực hiện việc tu luyện nghiêm ngặt trên núi thiêng Tà Lơn (Campuchia). Khi đạt đến độ “tinh thông” thì chuyển về núi Cấm hành đạo, họ sống vì nghĩa và chân lý nhiều hơn là vật chất.
Xuyên qua những quãng đường mây phủ, chúng tôi tìm đến vồ Ông Bướm (nằm trên chóp núi nhỏ của quần thể núi Cấm).
Một bà lão chống gậy từ trong chiếc am đi ra giới thiệu là Trần Thị Cẩm Tiên (60 tuổi), cháu ngoại đời thứ ba của ông Ba Đạo, một đạo sĩ tinh thông võ nghệ, giỏi bùa ngải, có thể vận dụng khả năng của mình vào trị bệnh giúp dân nên có nhiều đệ tử theo hầu.
Ông Ba Đạo là một trong những người đầu tiên tạc danh vào núi Cấm. Bà Tiên cho biết, những năm đầu thế kỷ XX, chỏm núi này từng là “đại bản doanh” của ông Ba Đạo. Qua biến động thời gian, nay đã bị phá làm đường, mở khu du lịch với nhiều nhà nghỉ, khách sạn... chốn hoang vu giờ chỉ còn lại trong dĩ vãng.
Đạo sĩ Ba Đạo. |
Trong căn nhà nhỏ phảng phất linh khí, chúng tôi được bà kể lại những câu chuyện thú vị, li kỳ về bậc tiền nhân của mình. Ba Đạo tên thật là Nguyễn Thành Đạo, quê gốc Tiền Giang nhưng phiêu bạt khắp Nam Kỳ lục tỉnh, sau đó dạt về An Giang.
Sinh thời, tướng mạo ông Ba Đạo cao lớn, mày xước, râu hùm, hàm én, tính khí ngang tàng, sống vì đạo nghĩa. Đời trai trẻ ông tìm sang tận đất Campuchia rồi đến núi Tà Lơn để tu luyện võ nghệ.
Tại đây ông học võ gồng, bùa ngải và luyện phép trừ tà. Tương truyền, khi ông gồng lên thì có dùng đao bén, kiếm nhọn đâm chém cũng không hề hấn gì. Ông có khả năng dùng bàn tay chặt đá, một mình có thể đánh bại cả đám đông vài chục người.
Ngoài giỏi võ, ông còn thông thạo bùa chú nên thú dữ mà gặp ông thì sợ bạt vía. “Cả cuộc đời đạo sĩ luyện tập võ nghệ, phất cờ đi hành đạo khắp vùng chữa bệnh, giải trừ tà ma cho dân lành, đánh bại những đám phỉ, cướp từ bên kia biên giới sang nhũng nhiễu”, bà Tiên nhớ lại.
Ngày ấy núi Cấm hoang vu chỉ có cây rừng nguyên sinh, vô vàn thú dữ, ngày đêm cọp gầm, rắn hổ mây khổng lồ gáy, voi hú… vô cùng rùng rợn. Vì thế, chỉ những ẩn sĩ võ nghệ cao cường mới dám sinh sống trên núi.
Trong vùng có một con voi đực khổng lồ ngà dài hơn sải tay người lớn, lại vô cùng hung hăng, bước chân nó đi đến đâu tàn phá đến đó. Mỗi lần đói ăn nó sẵn sàng lao xuống núi, vào những rẫy sắn, ngô của dân dùng vòi quật nát, thậm chí giẫm đổ cả nhà cửa.
Dân trong vùng chỉ biết chịu đựng, sống trong sợ hãi chứ tuyệt nhiên không ai dám ra mặt xua đuổi vì mãnh thú quá lớn và dữ dằn. Biết tiếng ông Ba Đạo, những người dân đến cầu cứu.
Vốn là người nghĩa hiệp, đạo sĩ Ba Đạo không chần chừ quyết định đứng ra trừ họa. Ông cùng hai đệ tử cầm chiếc thương sắt nhọn vào rừng tìm voi quyết chiến một trận.
Thấy bóng người, voi dừng lại lấy thế rồi lập tức lao vào tấn công. Đạo sĩ thủ thế võ, gồng lên tiếp đòn, các đệ tử khiếp vía chạy dạt ra xa. Giữa vườn chuối, một mình đạo sĩ tả xung hữu đột, ra những đòn chuẩn xác vào những chỗ hiểm của voi.
Bị tấn công, voi rú lên một tiếng vang rừng, nó lồng lộn lên, dùng vòi quật một cú trời giáng khiến đạo sĩ ngã sõng soài ra đất, chưa kịp chồm dậy thì nó đã bước tới dùng vòi quấn chặt thân đạo sĩ nhấc bổng lên cao rồi đập mạnh xuống.
Trong tình thế đó, ông lập tức dùng công năng gồng để đỡ lực nên không bị thương dù sức nện của voi mạnh đến nỗi hòn đá bên dưới vỡ tan. Con voi giơ chân, định bụng đạp đạo sĩ một đòn chí mạng. Nhanh như chớp, ông Ba Đạo dùng khí công biến thân mình cứng như thép.
Dưới bàn chân hộ pháp của mãnh tượng, vị đạo sĩ bình tĩnh, một tay với chiếc thương sắt rồi hết sức đâm thẳng vào ức nó, trúng đòn chí tử con voi rống lên một tiếng vang trời rồi buông vòi, chạy thục mạng vào rừng sâu không dám quay đầu lại.
Voi chạy khuất dạng, mấy đệ tử từ các bụi cây chạy đến dìu sư phụ dậy.
Dù vật lộn với voi dữ nhưng trên người đạo sĩ chỉ có một vài vết xây xước nhỏ. Bà Cẩm Tiên cho biết: “Lần đánh voi đó ông ngoại chỉ bị sưng mấy lằn ở sườn và ngực nhưng sau đó ông dùng công năng chữa bệnh thì trở lại bình thường”.
Bà Tiên, hậu duệ đời thứ 3 của đạo sĩ lừng danh. |
Không chỉ đánh voi mà ông Ba Đạo còn thu phục hổ dữ. Ngày đó trên núi có con hổ rất hung, chuyên rình ăn thịt trâu bò của người dân khiến ai nấy đều khiếp sợ. Đêm đến tiếng gầm của nó âm vang kinh hoàng, đến nỗi trẻ con cũng không dám khóc.
Ông Ba Đạo quyết định thu phục nó bằng cách dùng bẫy lợn rừng để dụ. Khi con hổ đến bắt lợn thì bị dính bẫy, một chân treo ngược, lồng lộn gầm thét.
Thấy vậy ông Ba Đạo bình tĩnh tiến lại gỡ bẫy cho hổ rồi tha về rừng. Không ngờ đêm đó con hổ âm thầm mang một con lợn rừng về chiếc am trước chùa, như một sự đền ơn. Từ đó nó không hề quậy phá dân làng nữa.
Vì hành hiệp trượng nghĩa nên đạo sĩ Ba Đạo được nhiều người sùng kính, mến mộ. Những năm thực dân Pháp chiếm đóng, ông Ba Đạo nhiệt tình giúp đỡ cách mạng, ngôi chùa của ông là nơi các cán bộ Việt Minh thường xuyên đến tá túc hoạt động.
Quan Pháp và tay sai đã cho quân bố trí vây ráp bắt sống ông và buộc tội chống chính quyền mẫu quốc. Bọn chúng đã giam cầm và dùng những đòn tra tấn tàn độc, dùng gậy, roi điện giật đến chết. Sau khi giết đạo sĩ Ba Đạo, địch trả xác lại cho đệ tử mang về an táng.
2.Ông Võ Văn Thành (82 tuổi, An Hảo, An Giang) nguyên là lính trinh sát bắn tỉa, kiêm thợ săn thiện xạ nổi tiếng trong vùng.
Ông là nhân chứng sống hiếm hoi đã đi qua thời kỳ thiên nhiên hoang dã, từng giáp mặt và chiến đấu với nhiều mãnh thú khổng lồ trên núi Cấm. Trong cuộc đời đi săn của mình, trận đánh nhớ đời nhất của ông là cuộc chạm mặt với lợn rừng khổng lồ.
Con lợn thoắt ẩn thoắt hiện trên núi, người ta chỉ thấy dấu chân chứ ít khi tận mắt chứng kiến hình hài thật của nó.
Những năm trước giải phóng, núi Cấm hoang vu, người sống thưa thớt, thi thoảng có những vạt rẫy dân trồng ngô, khoai, sắn, bầu, bí, thường là món ăn khoái khẩu của lợn rừng. Có những nương ngô bao nhiêu công sức vun vén nhưng sau một đêm chỉ còn trơ gốc.
Ông Thành kể: “Con lợn này lì đến nỗi nó biết dùng nanh nhổ từng gốc khoai mì rồi khuân về hang nằm nhai từ ngày này qua ngày khác. Chủ rẫy đi rình thấy củ mì chất thành đống sù sụ lầm tưởng người ăn trộm, đến gần xem thì thấy nó đang nằm nhai sắn sột soạt mà khiếp hồn bạt vía bỏ chạy không dám quay đầu”.
Với kinh nghiệm săn bắn nhiều năm ông Thành nhận định, đây là con lợn rừng già đời, nó đã tự trang bị cho toàn thân một lớp “áo giáp” đạt đến độ dày nhất định, nó không sợ bất cứ con gì tấn công, kể cả nanh vuốt của hổ cũng không thể xuyên thủng.
Con lợn này chỉ có ba chân, có thể trước đây nó đã từng đánh nhau với loài thú khác hoặc dính bẫy thợ săn nên bị cụt một chân, do đó nó rất tinh ranh và hung dữ.
Phải triệt bỏ cơn ác mộng lợn rừng, ông Thành quyết định đối đầu sống mái với nó một phen. Một buổi sáng sương giăng trắng rừng, bầu trời vần vũ núi Cấm, ông Thành lăm lăm tay súng dắt theo con chó săn vào rừng.
82 tuổi nhưng thợ săn Võ Văn Thành vẫn nhớ như in những trận đối đầu với thú dữ rừng xanh. |
Đi đến giữa rừng, bất ngờ một bóng đen lớn như con bò rừng lao từ lùm cây ra, con chó săn xông đến tấn công liền bị nó húc xuyên ngang bụng chết ngay tại chỗ. Ông Thành thủ súng nhằm thẳng thân con lợn bóp cò, một loạt đạn nổ đanh nhưng nó vẫn không hề hấn và tiếp tục lao thẳng.
Ông Thành lách người sang một bên rồi quay lại tiếp tục bóp cò, thế nhưng hết loạt đạn thứ hai nó vẫn không gục, như bị kích động nó càng hung hăng hơn. Lúc này lão thợ săn mới hiểu đạn chì không thể xuyên thủng lớp da đã được chai mủ dày cộm của nó.
Con lợn hung dữ tiếp tục nhe răng nhằm thẳng hướng người thợ săn tấn công tới tấp, bất ngờ nó nhún hai chân sau lao thẳng. Nhanh như cắt, ông Thành tung người bám vào một cây trúc rồi nhảy xuống quay ngược báng súng hết sức bình sinh phạt mạnh vào đầu nó.
Cú đánh như trời giáng không hề làm lợn nao núng, nó càng thêm hăng máu. Ông Thành cố lựa thế bắn vào chỗ hiểm là mắt và tai, nhưng ở cự li quá gần nên không thể. Con lợn 3 chân vẫn tung ra những đường đâm hiểm, người thợ săn nhanh như cắt tả xung hữu đột tránh né và tấn công lại bằng đòn chí tử.
Những cú phạt hụt của nanh heo khiến gốc trúc rừng bị cắt ngọt, gãy rạp như dao chém, quần áo người thợ săn rách tơi tả, máu từ vết thương tủa ra ướt đẫm chiếc áo.
Thấy không hạ được người thợ săn cừ khôi, con lợn rừng quay đầu nhằm hướng rừng sâu phi thẳng, người thợ săn mệt nhoài đành bất lực nhìn nó tuột khỏi tầm tay.
Sống trên thiên sơn hùng vĩ, bắt buộc những người dân như ông Thành phải tự trang bị cho mình những bản năng phi phàm để sinh tồn. Cuộc đời ông không thể nhớ đã hạ thủ bao nhiêu con thú rừng.
Cho đến những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước, ông Thành quyết định “rửa tay gác kiếm” bởi những ám ảnh của linh hồn thú dữ đã chết dưới bàn tay của ông. Ông nhận ra, núi Cấm sẽ không còn linh thiêng nếu như vắng mặt những loài “chúa tể” rừng xanh.
Theo NGỌC THIỆN - KỲ SƠN (CAND)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin