Có bao giờ bạn tự hỏi sẽ ra sao nếu Cần Thơ phố lại thiếu đi những quán cà phê. Chắc hẳn sẽ buồn tẻ và vô vị biết dường nào. Từ quán cà phê cóc vỉa hè đến quán cà phê sang trọng, sân vườn, tất cả đã và đang điểm tô sắc màu cho nhịp sống Cần Thơ.
Có bao giờ bạn tự hỏi sẽ ra sao nếu Cần Thơ phố lại thiếu đi những quán cà phê. Chắc hẳn sẽ buồn tẻ và vô vị biết dường nào. Từ quán cà phê cóc vỉa hè đến quán cà phê sang trọng, sân vườn, tất cả đã và đang điểm tô sắc màu cho nhịp sống Cần Thơ.
Không gian xưa, tìm lại…
Rảo quanh nội ô Cần Thơ, không khó tìm một vài quán cà phê để hàn huyên tâm sự. Với ai đó thích hoài cổ, thì không gian xưa trong quán cà phê trở thành một trải nghiệm thú vị.
Quán cà phê 1985 ở bờ hồ Xáng Thổi là điểm đến như thế. 1985- không hẳn là mốc thời gian cụ thể. Hơn 30 năm- đó là khoảng thời gian để những vật dụng tuy cũ nhưng chưa xưa, những con người đã lớn nhưng chưa vội già…
Những chân máy may rỉ màu thời gian được dùng làm chân bàn, chiếc tivi trắng đen vặn bằng con tắt "cạch, cạch…"; rồi bộ salon có trên 40 tuổi khiến người ngồi như hóa "người xưa" và cả những chiếc cối đá, bình hoa không còn mới… Tất đã đã giúp cà phê 1985 khoác lên mình vẻ đẹp tuổi ngoài 30 dù mới hoạt động hơn 1 năm.
Anh Nguyễn An Hà, chủ quán, nói rằng, là dân mê sưu tầm đồ xưa cũ, anh thật hạnh phúc khi được chia sẻ thành quả với nhiều người. "Thấy người trẻ thích thú xoay điện thoại, chụp ảnh dưới ánh đèn vàng… tôi thấy vui vì đã khơi gợi cho mọi người chút hoài niệm".
Ở cà phê 1985, chiếc xe Cub67 do cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng sử dụng và chiếc Dame do Giáo sư Võ Tòng Xuân từng dùng cùng với chiếc dương cầm sản xuất 1918 là những vật dụng nhiều người tò mò nhất, điểm tô cho không gian cũ của quán.
Còn nếu bạn là người thích nhạc xưa, theo phong cách xưa, cà phê Âm thanh xưa trong hẻm 130, đường Nguyễn Thị Minh Khai (quận Ninh Kiều) là một lựa chọn không thể bỏ qua.
Cơn mưa đầu mùa chợt đến nhưng dai dẳng như bất tận, cô bạn đi cùng tôi cứ nhắm nghiền đôi mắt nghe ca sĩ Khánh Ly hát nhạc Trịnh phát ra từ chiếc máy hát đĩa thật liêu trai. Tôi thì chăm chăm nhìn chiếc đĩa nhựa quay đều, quay đều…
Loại âm thanh "rè rè", trầm trầm nhưng thu hút người nghe đến… điên đảo. Trong Âm thanh xưa, dường như ai cũng chọn cho mình cách đi nhẹ, nói khẽ, dành không gian cho tiếng hát, giọt đàn từ những dàn âm thanh xưa, hết dàn Teac, Akai rồi đến Revox, Ampex, Fuliza.... - những thương hiệu âm thanh hàng đầu thế giới từ xa xưa.
Nhấm nháp cà phê chiều mưa, tách cà phê như bốc khói, như bâng khuâng, tiếng hát Khánh Ly thì mãi thổn thức: "Chiều nay còn mưa, sao em không lại…" khiến cô bạn tôi mặt cứ đanh lại vì buồn. Ly cà phê lẽ nào đắng đến vậy?
Còn nhiều không gian xưa ở các quán cà phê Cần Thơ được đầu tư bài bản để phục vụ nhu cầu khách hàng.
Đến với quán Nắng trên đồi ở đường Đề Thám (phường An Cư), nghe tiếng hát Út Trà Ôn, Lệ Thủy… phát ra từ chiếc cassette cũ kỹ, hát bằng băng dây thiều bổng trầm, nhìn những tờ nhạc của Lam Phương, Anh Bằng phai màu.
Và lắm khi cao hứng, vợ chồng anh Bằng, chủ quán, lại hát cho khách nghe tuồng "Tuyệt tình ca" thật mùi mẫn. Đến với Nhà gỗ ở khu dân cư Hồng Phát (phường An Bình) để cảm nhận phút giây mình như hóa thân thành ông Hội đồng trong gian nhà cổ kính…
Với những vị khách hoài cổ, đó là không gian họ có thể nhấm nháp giọt cà phê của ký ức, của tiếng lòng xa xôi…
Cà phê nhé!
"Cà phê nhé!"- đó là lời rủ rê dường như ngày nào ta cũng nghe, hay cũng rủ. Sau nhiều ngày trải nghiệm với cà phê tôi ngộ ra rằng, ở Cần Thơ, phố có thể ngủ nhưng cà phê thì chưa bao giờ ngủ. 24/24 giờ trong ngày, nếu bạn là "thổ địa" Cần Thơ, không khó để tìm ly cà phê giải khát, giải khuây hay… giải sầu.
Mới 3 giờ sáng, ở khu chợ Tân An, mùi cà phê đã sực nức khắp các quán nhỏ. Người uống là những thương lái mua bán rau củ, những bác nông dân mang hàng ra cho kịp phiên chợ sớm. Họ cũng rôm rả chuyện hạn mặn, chuyện tôm cá… để rồi sau đó lại lao mình vào cuộc mưu sinh.
Hơn 5 giờ sáng thì cà phê đâu đâu cũng có. Những cô bác lớn tuổi tập thể dục mướt mồ hôi lại thong dong ngồi xoải chân chờ giọt cà phê thủng thẳng rơi trong tách nhỏ để đón chào ngày mới ở một quán cóc ven đường.
Ban ngày náo nhiệt đã đành, về khuya, Cần Thơ phố vẫn có những góc phố dành riêng cho cà phê. Giới trẻ vẫn quen gọi cà phê khuya ở góc đường Ngô Quyền- Lê Thánh Tôn (phường Tân An) là cà phê "âm phủ" hay "cú đêm" hoạt động gần như cả ngày lẫn đêm.
Một lần nào đó "khó ngủ" khi đã quá nửa đêm, bạn thử đến quán cà phê này để lặng ngắm cuộc sống phố thị về đêm yên bình thế nào.
Bà Ba đã ngoài 60 tuổi vẫn đứng bán suốt nhiều năm qua, vẫn tỉ mỉ cho từng vị khách, vẫn thuộc làu sở thích, thói quen của từng người… đã giúp cho ai đó đỡ buồn, đỡ sầu hơn trong đêm trường… mất ngủ.
Cà phê trên hè phố, giá tầm 10 ngàn đồng cũng đủ đầy hương vị, cũng đậm đà sắc màu cuộc sống giữa những xô bồ, hối hả. Cà phê xưa cũ như nét cọ chấm phá bức tranh phố phường. Thế nhưng, thật thiếu sót khi không nhắc đến cà phê trẻ, dành cho người hiện đại.
Đó là những quán cà phê sân vườn, cà phê máy lạnh sang trọng, tiện nghi kiểu Pha Lê (đường Trần Văn Hoài), Thủy Mộc (đường 3 Tháng 2), Happy 4 (đường Nguyễn Văn Linh), 369 (khu dân cư Hồng Phát)…
Ở đó, không chỉ có cà phê, âm nhạc mà có những dịch vụ đi kèm như ăn sáng, cơm trưa văn phòng hay câu cá giải trí… Khách thường chọn cho mình một góc quán ít người qua lại để làm việc, chuyện trò.
Và còn có những quán cà phê dạng phòng trà, nơi người ghiền cà phê được thăng hoa trong âm nhạc. Cà phê Cố Đô, 24h, 1985… hằng đêm đều có trình diễn âm nhạc phục vụ thực khách. Tiếng trống, tiếng ghita, cajon… đồng vọng khiến vị cà phê thêm ngon, hương cà phê thêm nồng.
Tôi lại khá ấn tượng với những quán cà phê sách như Phương Nam (nhà sách Phương Nam), Minh Dũng (đường Trần Ngọc Quế)…
Lần giở từng trang sách, thích thú ngấm nghiền những kiến thức đầy mới lạ rồi nhẩn nha tách cà phê nóng hổi quả là phút thư giãn đầy ý vị. Với anh Dũng, chủ quán cà phê sách Minh Dũng, bán cà phê không hẳn là kiếm lời, cái lời nhất của anh là quen và kết thân với những người cùng yêu thích sách.
Cà phê vỉa hè tạo nên một nét đẹp bình dị cho nhịp sống Cần Thơ hiện đại. Ảnh: DUY KHÔI |
Nói chuyện về uống cà phê, nhà văn Hoài Phương, (Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam) cho rằng, đó là thứ văn hóa đã ăn sâu vào lòng người Nam bộ.
Tuy vậy, ông băn khoăn "chút xíu" ở chỗ bây giờ nhiều người hẹn hò bè bạn cà phê nhưng mỗi người một chiếc điện thoại, một máy tính bảng, chẳng buồn chuyện trò, tâm sự. Điều đó thật kém vui vì bên tách cà phê, có biết bao điều để người ta có thể sẻ chia, yêu thương nhau hơn.
*
* *
Sâu hun hút trong con hẻm nhỏ có những quán cà phê không bảng hiệu mà khách quen vẫn gọi quán cô Tâm, quán bà Năm trầu, quán cô Sáu Ú… Rộng thênh thang ở đường lớn với những tên gọi mỹ miều, cuốn hút như: Thềm xưa, Khoảng lặng, Thiên lý, Hoa cau…
Buồn, cà phê! Vui, cà phê! Rảnh, cũng cà phê... Cà phê ngự trị trong lòng người Cần Thơ từ thôn quê đến thị thành, bao chiếm xúc cảm của hồn người, như một phần hoài niệm trong ký ức, một nét văn hóa trong hiện tại.
Thú vị biết bao! Cần Thơ ơi, cà phê phố…
Theo Cần Thơ Online
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin