Tầm vông vốn nổi tiếng ở Tri Tôn, thuộc loài cây bản địa hữu ích trong việc chống xói mòn và bảo vệ đồi đất dốc và đem lại thu nhập người dân xứ núi.
Tầm vông vốn nổi tiếng ở Tri Tôn, thuộc loài cây bản địa hữu ích trong việc chống xói mòn và bảo vệ đồi đất dốc và đem lại thu nhập người dân xứ núi.
Từ tầm vông, người ta làm ra những chiếc tủ, bàn, ghế, giường, bộ vạt… rất dân dã, gần gũi với sinh hoạt, đời sống nông thôn.
Ông Huỳnh Văn Vui giới thiệu sản phẩm từ tầm vông |
Cây đặc thù
Tầm vông Tri Tôn ruột đặc (còn gọi là tầm vông đá), bộ rễ chùm và hút nước mạnh, chống chịu tốt thời khắc nghiệt. Người dân xứ núi chỉ trồng tầm vông làm ranh đất, nơi đất đai kém độ màu mỡ, khu vực đồi đất dốc và dễ bị xói mòn vào mùa mưa.
“Tầm vông có cái lợi, nhưng cũng rất tai hại. Đất trồng nó không đưa loại cây nào khác xuống được, do bộ rễ tầm vông hút hết chất dinh dưỡng, biến đất trở nên cằn cỗi. Ở đây, tầm vông chỉ xen vườn điều, ven chân núi… ổn định môi trường khu vực đồi núi, chống gió xoáy mùa bấc– ông Phan Văn Hai (ấp Ô Tà Sóc, xã Lương Phi) giải thích.
Với những đặc tính như vậy, tầm vông ở Tri Tôn tăng thêm giá trị, được khắp nơi rất ưa chuộng, nhất là vùng Bán đảo Cà Mau và Đồng Tháp Mười. Họ sử dụng tầm vông dựng lán trại, phục vụ công việc nuôi trồng thủy – hải sản.
“Hồi thời kỳ khó khăn, người ta lấy tầm vông làm cây cất nhà ngói, còn nhà lợp lá và nhà lợp tôn ở cũng bền, lâu năm không thua gỗ tạp” – ông Trần Văn Thứ (ấp Tà Miệt, xã Lương Phi) chỉ. Xứ sở tầm vông, đi từ Lương Phi vô Ba Chúc và vòng qua Lê Trì, đâu đâu cũng thấy người ta sử dụng tầm vông làm vật dụng trong gia đình, hàng quán, tiệm tạp hóa…
Theo những người cao tuổi xứ núi, tầm vông để thiệt già (4 – 5 tuổi), thịt cây rắn chắc, cắt mặt sẽ thấy những đường chỉ. Đó là điều độc đáo, mà tầm vông Tây Ninh (ruột bọng hay còn gọi tầm vông nứa) không sánh bằng, nhất là khi đưa về miền biển thì hữu ích vô cùng.
Bấy giờ, đem ngâm nước thì thời gian sử dụng sẽ tăng lên gấp đôi, hơn nữa không bị mối mọt. Ông Chau Kunh (à cha chùa Sà Lôn, xã Lương Phi) cho hay, mỗi gia đình đồng bào Khmer ở đây gần như đều có 1 bộ vạt, 1 bộ bàn ghế… bằng tầm vông. Bởi, đồ đạc giản tiện, thích hợp túi tiền bà con, mà xài rất bền so với các loại gỗ tạp.
Nhiều loại sản phẩm
Trước đây, ở Lương Phi, Ba Chúc và Lê Trì có nhiều thợ thủ công mở trại mộc, tổ chức “chế biến” tầm vông thành những sản phẩm bắt mắt, như: Thang, tủ chén, bàn, ghế, giường ngủ,… Song, theo đà tiến bộ, cơ giới thay máy móc, rồi đồ nhôm, đồ nhựa phất lên, cơ sở sản xuất đồ gia dụng từ tầm vông dần dần thu hẹp nên nhiều người bỏ nghề, kiếm chuyện khác làm ăn.
“Tại xã Lương Phi này, hồi đó có tới 5 – 6 người làm thợ, mà rồi lớp lớn tuổi, lớp bỏ nghề không có người thay thế” – ông Huỳnh Văn Vui (ấp An Nhơn) kể. Ông làm nghề được hơn chục năm, phương tiện hoàn toàn thủ công, chủ yếu là “cây nhà lá vườn”.
Dưới chân vồ Cỏ Sả (núi Dài lớn), ông Vui có 10 công đất đồi trồng tầm vông, đây là nguồn nguyên liệu phục vụ nghề nghiệp. “Ai đến đặt hàng, tôi mới làm, không làm đồ sẵn vì sợ nhốt vốn” – ông Vui cho biết.
Người trong kinh (khu vực Lương An Trà giáp Vĩnh Phước và An Tức) ra đặt hàng, thông thường là bộ vạt và bộ bàn ghế (4 ghế đai hoặc 2 ghế dài và 1 mặt bàn), thỉnh thoảng cũng đặt tủ chén. Ông còn làm nhiều bộ vạt cho các tiệm tạp hóa, người mua bán giày dép ở chợ Tri Tôn và Chi Lăng. “Tôi làm đồ không có giao, ai đặt thì tới lấy, nên cũng hơi dở” – ông Vui cười.
Làm nghề truyền thống thủ công, nhưng ông Vui cũng để ý tiếp cận truyền thông qua báo, đài. “Thấy họ làm hoàn toàn bằng máy móc, phát ham quá chừng, mà mình đâu có sức mua sắm như họ. Vả lại, ra đời sau người ta, cạnh tranh mệt lắm” – ông Vui chia sẻ.
“Thầy dạy nghề, mộc dạy thợ”. Rốt cuộc, lần hồi ông cũng đóng được ghế xếp, giá võng, tủ chén… bằng những khúc tầm vông phụ phẩm và không cần phải thổi dầu, đánh bóng. Theo ông Vui, xu hướng bây giờ nhiều người lại thích làm cây trơn như vậy, cho nên phải chìu theo ý khách hàng, một phần thấy nó cũng mộc mạc, dân dã rặt sản phẩm từ tầm vông xứ núi.
Tầm vông ở Tri Tôn được trồng nhiều quanh triền núi Tượng, núi Dài lớn, đồi Tà Pạ và rải rác chân núi Cô Tô, giá bán 35.000đồng/cây loại 1. Ngoài ra, tận dụng phụ phẩm từ tầm vông đóng tủ, bàn ghế, bộ vạt… dao động từ 400.000– 600.000đồng/bộ. |
Theo http://www.baoangiang.com.vn/Chuyen-muc-khac/Trong-tinh/San-pham-thu-cong-tu-tam-vong.html
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin