Nguy cơ cháy hàng trăm ngàn ha rừng ở ĐBSCL

Cập nhật, 11:48, Thứ Tư, 24/02/2016 (GMT+7)

* Nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

Chiều 23/2, Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) cho biết, tình hình khô hạn ở các tỉnh ĐBSCL diễn ra gay gắt, nguy cơ cháy rừng đang hết sức căng thẳng.

 Do nhiều ngày không mưa, thời tiết khô hanh kéo dài… nên hầu hết diện tích rừng ở các tỉnh Long An, Cà Mau và An Giang đang bị khô kiệt, nguy cơ cháy cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm. Trong khi đó, toàn bộ diện tích rừng ở Đồng Tháp cũng đang khô, nguy cơ cháy cấp IV, cấp nguy hiểm. 

Đáng lo ngại là nếu cháy rừng xảy ra, tốc độ lây lan sẽ rất nhanh và khó cứu chữa. Vì vậy, các tỉnh, các chủ rừng, người dân… cần tăng cường canh gác, đề phòng nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy xảy ra.

Lực lượng chức năng ở Cà Mau kiểm tra phòng chống cháy rừng
Lực lượng chức năng ở Cà Mau kiểm tra phòng chống cháy rừng

 Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Cà Mau, rừng tràm U Minh Hạ năm nay bị khô hạn sớm hơn mọi năm. Nguyên nhân do ảnh hưởng thời tiết nắng nóng kéo dài, cộng với nhiều hộ dân bơm nước dưới kênh, mương để cứu lúa và hoa màu, làm cho các kênh mương tích trữ nước phục vụ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) bị khô cạn nhanh, khiến việc PCCCR gặp nhiều khó khăn.

Trước tình hình rừng tràm bị khô hạn trên diện rộng, có nguy cơ xảy ra cháy cao. Ông Trần Văn Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ, cho biết đã chủ động triển khai 13 tổ máy bơm xuống các địa bàn để ứng trực. Bên cạnh đó, ký kết phối hợp giữa công ty với chính quyền địa phương, các chủ rừng lân cận và các đơn vị thuê đất trồng rừng, để hỗ trợ nhau khi cần thiết.

“Chúng tôi thường xuyên kiểm tra và gia cố các đập giữ nước, hợp đồng thêm lực lượng để tăng cường cho các tiểu khu và có văn bản yêu cầu cán bộ, công nhân viên trực phòng cháy 24/24”- ông Hiếu nói.

Ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho biết: “Cùng với phòng chống hạn, mặn bảo vệ sản xuất nông nghiệp thì phòng chống cháy rừng cũng là nhiệm vụ cấp bách. Hiện tại, rất nhiều cánh rừng mực nước đã thấp hơn cùng kỳ khoảng 0,6m nên nguy cơ xảy ra cháy bất cứ lúc nào.

UBND tỉnh đã chỉ đạo lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương, các chủ rừng, người dân sống xung quanh… tăng cường canh gác xuyên suốt, chủ động phòng cháy tại chỗ, chuẩn bị đầy đủ phương tiện để sẵn sàng ứng phó khi cần thiết.

Song song đó, đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người hiểu nguy cơ cháy, không được tự ý vào rừng khai thác ong nhằm hạn chế khả năng cháy có thể xảy ra”.

 Nhiều địa phương có nguy cơ cháy rừng cấp cực kỳ nguy hiểm

(SGGPO).- Cục Kiểm lâm vừa thông báo có 15 địa phương trong cả nước có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm.

Theo đó, nguy cơ xảy ra cháy rừng của các khu vực thuộc các địa phương sau đang ở cấp V, cấp cực kỳ nguy hiểm: An Giang (khu vực Tri Tôn, Tịnh Biên), Bình Phước (khu vực Lộc Ninh, Bù Đăng, Phước Long, Bình Long, Đồng Phú), Bà Rịa (khu vực Long Điền, Tân Thành, Xuyên Mộc), Cà Mau (toàn tỉnh), Long An (toàn tỉnh), Tây Ninh (toàn tỉnh), Đồng Nai (khu vực Long Thành, Xuân Mộc, Nhơn Trạch, Tân Phú, Định Quán, Vĩnh Cửu), Gia Lai (khu vực Chư Păh, Đức Cơ, Chư Prông, Chư Sê, Mang Yang, Krông Pa, thị xã Ayun Pa), Khánh Hòa (khu vực Khánh Sơn, TP Cam Ranh), Kon Tum (khu vực Đắc Hà, Ngọc Hồi, Đắk Tô, Sa Thầy, thị xã Kon Tum), Ninh Thuận (khu vực Ninh Sơn, Ninh Phước, Bác Ái), Lâm Đồng (khu vực Đức Trọng, Đơn Dương, Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh, TP Đà Lạt, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Bảo Lâm).

Ngoài ra, 3 địa phương có nguy cơ cháy rừng cấp nguy hiểm (cấp IV) là Bình Thuận (khu vực Hàm Thuận Nam, Bắc Bình, Tuy Phong), Đắc Nông (toàn tỉnh), Đồng Tháp (toàn tỉnh).    

Ban chỉ đạo Nhà nước về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 yêu cầu Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch Bảo vệ và phát triển rừng, Ủy ban nhân dân các cấp và chủ rừng thuộc các địa phương có cấp cảnh báo nguy cơ cháy rừng cấp IV, cấp V nêu trên thực hiện ngay các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

Theo http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/DBCuuLong/2016/2/412601/