Năm 2009, thị trấn Rạch Gốc ra đời trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Tân Ân để thành lập thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân mới. Kể từ đó, Rạch Gốc trở thành "trái tim" của huyện Ngọc Hiển.
Năm 2009, thị trấn Rạch Gốc ra đời trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính xã Tân Ân để thành lập thị trấn Rạch Gốc và xã Tân Ân mới. Kể từ đó, Rạch Gốc trở thành “trái tim” của huyện Ngọc Hiển.
Thay da đổi thịt từng ngày
Bí thư Đảng uỷ thị trấn Rạch Gốc Lưu Văn Thọ cho biết: “Quá trình phát triển của thị trấn gắn liền với quá trình khai thác, sử dụng giá trị của cửa biển Rạch Gốc”. Cửa Rạch Gốc hội tụ những đặc điểm cơ bản để hình thành một phố biển trù phú.
Với mực nước sâu, cửa Rạch Gốc có thể đón tàu có tải trọng lớn ngay cả trong điều kiện nước triều rút. Cùng với đó, cửa Rạch Gốc lại nằm gần với các ngư trường đánh bắt, vì vậy nhiều phương tiện lựa chọn nơi đây làm bến ghé để trao đổi, mua bán, trang bị thêm nhu yếu phẩm, nhiên liệu…
Nhiều người đánh giá rằng, nếu được đầu tư xứng tầm thì Rạch Gốc sẽ trở thành một phố biển sầm uất trong tương lai không xa. |
Bí thư Đảng uỷ thị trấn Rạch Gốc Lưu Văn Thọ thông tin thêm: “Rạch Gốc có những lợi thế mà ít nơi khác so sánh được, trước tiên phải kể đến mặt hàng tôm giống bố mẹ chất lượng nhất tỉnh. Các loại thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao như mực, các loại cá biển.
Lượng tàu ghe đổ về nhiều, dân ở các tỉnh đổ về mua đất, xây dựng cơ sở buôn bán khiến cho thị trấn ngày càng quần tụ đông đúc”. Theo đánh giá của ông Thọ, Rạch Gốc có nhiều lợi thế để hình thành khu tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ hậu cần nghề cá, thu mua và chế biến các sản phẩm từ biển, cung ứng nhiên liệu và các mặt hàng nhu yếu phẩm. Tuy nhiên, điều kiện trước đây của thị trấn rất khó để “bứt tốc” và giai đoạn từ năm 2016 trở đi được xác định là thời gian Rạch Gốc vươn tầm.
Hiện tại, các quy hoạch trước đây của Rạch Gốc không còn phù hợp với tốc độ phát triển, quy mô dân cư và buôn bán của thị trấn. Ông Thọ nhấn mạnh: “Khó khăn về hạ tầng giao thông, hạn chế về trao đổi dịch vụ, thiếu những khu chế xuất cùng nhiều vấn đề khác đã tạo ra sức cản không nhỏ đối với sự phát triển của địa phương. Rạch Gốc đang cần sự quan tâm, trợ sức của các cấp, các ngành để thực sự trở thành trung tâm về chính trị, kinh tế, văn hoá - xã hội và an ninh - quốc phòng của huyện Ngọc Hiển”.
Tận dụng thời cơ
Đầu năm 2016, đường Hồ Chí Minh thông xe đến Đất Mũi là sự kiện có ý nghĩa to lớn, phấn chấn lòng người. Rạch Gốc nhanh chóng đấu nối các tuyến đường của trung tâm thị trấn với tuyến đường lớn huyết mạch.
Đồng thời, chỉnh trang, mở rộng các khu dân cư, khu chợ để hình thành diện mạo của một đô thị văn minh vào năm 2021. Ông Thọ nhấn mạnh: “Quy hoạch Rạch Gốc tổng thể trong quá trình hoàn thành, thị trấn đang hướng đến một diện mạo năng động, văn minh, quy mô phát triển xứng tầm với điều kiện đang có”.
Theo phân tích của ông Thọ, Rạch Gốc dù có cửa biển sâu nhưng việc thu mua các sản phẩm thuỷ hải sản lại hạn chế. Cụ thể, các vựa nơi đây chỉ thu mua các mặt hàng có giá trị, còn những mặt hàng cá phân, cá vụn, các phụ phẩm thuỷ hải sản lại không có nơi tiêu thụ. Điều này khiến nhiều tàu cá phải lựa chọn cửa biển khác để có thể bán hết sản phẩm đánh bắt được.
Với quy hoạch trước đây, hàng hoá về đến Rạch Gốc vô cùng khó khăn, chủ yếu là đường thuỷ, do đó giá cả dịch vụ cũng khó lòng “cạnh tranh” với các nơi khác. Theo quy hoạch mới, khi khu neo đậu tàu của thị trấn hoàn thành, đề án xây dựng 60 ha trung tâm thị trấn được hiện thực hoá, khu tiểu thủ công nghiệp - dịch vụ hậu cần nghề cá hoạt động, Rạch Gốc sẽ có sức thu hút mạnh mẽ đối với các tàu cá. Thị trấn cũng hình thành hai khu chợ nhà lồng, một dành cho mặt hàng tươi sống và một dành cho bách hoá tổng hợp để đa dạng hoá các hoạt động trao đổi, mua bán, phục vụ tốt nhất nhu cầu thông thương.
Từ khởi điểm là vùng đất hoang hoá, nay thị trấn có dân số trên 12.000 người. Diện mạo hiện tại là “chiếc áo chật” cho sự phát triển và khát vọng vươn tầm của cư dân phố biển Rạch Gốc. Chị Lê Thị Tâm, buôn bán rau, củ, quả tại thị trấn hơn mười năm qua, chia sẻ: “Hồi mới về chợ này vắng lắm, dần dần thì phát triển lên, buôn bán ở đây chủ yếu chờ các ghe biển về”. Do điều kiện chuyên chở khó khăn, hàng hoá của chị Tâm lấy từ Cần Thơ nên giá cả cũng “hơi cứng”. Chị Tâm mong mỏi: “Phải chi xe tải chạy được, hàng hoá lấy về nhanh hơn, rẻ hơn thì buôn bán thuận tiện biết mấy”.
Gặp hộ chị Lê Thị Thuý buôn bán cá tươi sống, rồi chủ tiệm tạp hoá Trấn Chinh đều chung suy nghĩ: Mua bán ở đây chủ yếu phụ thuộc vào ghe biển, nhưng dạo gần đây ghe vô ít, mua bán giảm thấy rõ. Từ đó cũng có thể kết luận rằng, Rạch Gốc cần nhanh chóng hoàn thiện về quy hoạch, đáp ứng tốt nhất nhu cầu giao thương, thu hút luồng ghe tàu đánh bắt từ các nơi để tận dụng cơ hội phát triển.
Với Rạch Gốc, những người gắn bó mảnh đất này đang tin tưởng một tương lai tốt đẹp. Vùng đất phía cực Nam đang phát triển “vùn vụt”, tạo thành một khu vực hết sức năng động của bức tranh kinh tế tỉnh Cà Mau. Rạch Gốc vẫn còn đó những hạn chế, khó khăn, nhưng trong tương lai không xa nơi đây sẽ là một phố biển phồn vinh./.
Theo http://baocamau.com.vn/newsdetails.aspx?newsid=39568
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin