Chưa ai phủ nhận quýt hồng Lai Vung vừa là sản phẩm đặc trưng vừa là nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Nhưng thực trạng sản phẩm phải đối mặt với thiếu vắng thị trường, bị cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, áp lực biến đổi khí hậu sẽ là bài toán khó cần lời giải để nông sản này phát triển...
Chưa ai phủ nhận quýt hồng Lai Vung vừa là sản phẩm đặc trưng vừa là nông sản mang lại giá trị kinh tế cao. Nhưng thực trạng sản phẩm phải đối mặt với thiếu vắng thị trường, bị cạnh tranh với sản phẩm cùng loại, áp lực biến đổi khí hậu sẽ là bài toán khó cần lời giải để nông sản này phát triển...
Quýt hồng, sản phẩm thế mạnh của địa phương |
Một năm trăn trở của quýt hồng
Là sản phẩm đặc trưng và thế mạnh của Lai Vung, thời gian qua huyện Lai Vung chú trọng đẩy mạnh công tác đầu tư, khai thác. Nhiều nông dân trồng quýt ở địa phương cũng vươn lên khá, giàu từ sản phẩm thế mạnh này. Tết 2015, giá quýt dao động từ 25.000 đến 27.000 đồng/kg, với diện tích trên 6 công đất, anh Lưu Văn Tín ở xã Long Hậu, huyện Lai Vung thu về trên 1 tỷ đồng.
Trải qua những năm vàng son, giá quýt hồng có thời điểm cao ngất ngưỡng nhưng đến thị trường Tết Nguyên đán năm 2016 giá quýt thấp, đầu ra thu hẹp khiến cho những người trồng quýt hồng phải nhói lòng. Vụ quýt Tết năm 2016, lượng trái còn tồn đọng rất nhiều tại vườn. Nếu vụ Tết năm 2015, vào đợt cao điểm giá quýt từ 25.000 - 27.000 đồng/kg, được thương lái đặt hàng khá sớm từ đầu tháng chạp âm lịch. Năm nay đến cận Tết Nguyên đán 2016, bà con mới “đón” được thông tin “giá bèo”: dao động từ 18.000 - 22.000 đồng/kg. Mặc dù nông dân trồng quýt có lãi nhưng mức lãi thấp.
Là người bám trụ nhiều năm với quýt hồng, anh Lưu Văn Tín - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Quýt hồng Lai Vung than thở: “Chưa năm nào quýt gặp phải tình trạng như năm nay. Nhiều nhà vườn tiếp tục hy vọng thời điểm rằm tháng giêng, sẽ tiêu thụ hết lượng sản phẩm còn tồn đọng nhưng thị trường im ắng khiến thương lái tiếp tục neo trái”. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NT&PTNT) huyện Lai Vung, đến rằm tháng giêng mà quýt hồng còn neo trái tại vườn khoảng 15% diện tích.
Để tìm lời giải chính đáng vì sao sản phẩm quýt hồng thiếu đầu ra, ông Nguyễn Văn Tồn - Phó Trưởng Phòng NT&PTNT huyện thông tin: “Hiện tại, đơn vị đang tiến hành tổ chức hội thảo, có sự góp mặt của các nhà vườn thương lái để tìm ra nguyên nhân. Tuy nhiên cũng có một số thông tin tham khảo là do thời tiết biến động, không khí lạnh diễn biến mạnh tại các tỉnh miền Bắc, miền Trung khiến cho người tiêu dùng hạn chế sử dụng sản phẩm. Ngoài ra có một số nông sản cùng loại có mặt tại thị trường các tỉnh thông qua đường tiểu ngạch cạnh tranh với sản phẩm quýt hồng”.
Người tiêu dùng quay lưng?
Nếu như trước đây, quýt hồng có giá cao, nhiều nhà vườn cho rằng việc diện tích quýt hồng đang bị teo tóp khiến sản lượng cung ứng ít, dẫn đến giá quýt cao. Soi rọi nhận định đó vào ngữ cảnh năm nay lại cho kết quả không thuyết phục. “Không biết thị trường năm nay có điều gì bất ổn, hay người tiêu dùng bắt đầu quay lưng với quýt hồng” - đó là câu hỏi đầy trăn trở của anh Tín.
Thực tế trong thời buổi hội nhập, người tiêu dùng có quá nhiều sự chọn lựa sản phẩm để phục vụ Tết, không nhất thiết phải là quýt. Và họ sẵn lòng “đổi gió” với nông sản khác bắt mắt hơn. So sánh với sản phẩm cùng loại, thì quýt hồng chỉ chiếm được cảm tình với người tiêu dùng bởi màu sắc đặc trưng nhưng yếu tố này lại phụ thuộc quá nhiều vào thời tiết.
Trong khi loại nông sản có múi của Thái Lan, Trung Quốc, Mỹ hội đủ những yếu tố độ ngọt cao, bắt mắt, đặc biệt là giá thành chấp nhận. Nhiều cuộc nói chuyện về nông sản địa phương, lãnh đạo tỉnh hay ví von tại sao sản phẩm của các nước bạn có thể vượt đại dương hàng trăm, nghìn kilomet đến với thị trường Việt Nam mà vẫn rẻ hơn sản phẩm của địa phương. Đây có thể là yếu tố để người tiêu dùng chuyển sang lựa chọn sản phẩm khác thay thế?
Chưa kể đến là quýt hồng thiếu khâu bảo quản sau thu hoạch, quýt dễ bị hư, cuốn và lá bị rụng sau khi thu hoạch, khó cạnh tranh với sản phẩm cùng loại trên thị trường. Cùng một thời điểm, lượng trái cung ứng cho thị trường ồ ạt dẫn đến cung vượt cầu, nông sản bị ép giá là điều tất yếu.
Xử lý nhanh thực trạng này, các nhà vườn, thương lái chọn giải pháp tình thế là lưu trái trên cây. Tuy nhiên, cách này là con dao 2 lưỡi. Theo bà con trong nghề, trong quá trình mang trái đến chín, hầu như cây đã vắt kiệt sức. Việc đeo trái diễn ra dài hạn cây sẽ bị suy kiệt thêm nên khâu xử lý ra hoa mùa sau rất khó khăn. Sự trả giá cho giải pháp trên là năng suất thấp, chi phí tăng cao, tuổi thọ cây bị rút ngắn.
Với giá trị kinh tế cao nhưng quýt hồng mỗi năm chỉ cho một vụ Tết, việc chăm sóc kỳ công, lại phó mặt vào sự may rủi vào thời tiết nên bà con tìm đến những cây trồng tiềm năng khác. Quýt đường là sản phẩm chiếm được tình cảm của người trồng. Vì vậy thời gian qua, diện tích quýt đường Lai Vung tăng nóng. Ông Tống Văn Phong – Phó Chủ tịch Hội lLàm vườn huyện Lai Vung chia sẻ, quýt đường là loại cho trái quanh năm, thời gian cho trái nhanh, giá bán khá ổn định dao động từ 15.000 - 30.000 đồng/kg. Nhờ ưu điểm này, người trồng mau thu hồi vốn. Đặt tình huống xấu, nếu cung vượt cầu thì người dân sẵn sàng phá bỏ để thay thế nông sản khác.
Đối diện với nguy cơ từ biến đổi khí hậu
Chia sẻ về sản phẩm thế mạnh của địa phương Lai Vung, ông Nguyễn Văn Công - Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng: “Bắt đầu phải chuyển từ tự hào sang lo lắng. Quýt hồng Lai Vung có lợi thế về thổ nhưỡng phù hợp để phát triển. Người nông dân giàu kinh nghiệm trồng quýt hồng, vì vậy năng suất quýt hồng cao 70-80 tấn/ha. Song nếu nhìn thời gian lâu dài cây quýt đang đối mặt với sức ép lớn từ biến đổi khí hậu”.
Trước tiên, người tiêu dùng biết đến quýt hồng bởi tên, hình dáng đặc biệt là màu sắc, đáp ứng rất lớn thị hiếu người tiêu dùng trưng bày ngày Tết. Hầu như bà con chỉ sử dụng quýt để cúng, trưng bày nhưng rất ít người mua để thưởng thức vị ngon của nông sản này.
Kinh nghiệm cho thấy năm nào thời tiết lạnh, cây cho trái màu rất đẹp. Đây cũng có thể lý giải vì sao cây có múi của các nước có khí hậu lạnh màu sắc trái lại đẹp. Soi rọi lại với nông sản Lai Vung, trong lúc trái đất nóng lên, không khí lạnh sẽ yếu dần, trái sẽ mất đi sự sặc sỡ vốn là điểm mạnh nhất vốn có của quýt, sẽ rất khó để người tiêu dùng tiếp tục chấp nhận sản phẩm.
Sau thời gian 3 năm cây trưởng thành, rễ cái bắt đầu ăn sâu xuống đất tìm nước. Hiện nay, mực nước ngầm của huyện trung bình 1,1-1,2m (tính từ mặt đất đến mạch nước). Trước áp lực của nước biển dâng, những năm về sau mạch nước ngầm sẽ dâng cao, rút ngắn khoảng cách từ mặt đất đến mạch nước, vì vậy cây sẽ bị ngập nước và không thể co rễ lại để sinh tồn. Điều này dự báo cây sẽ đứng trước thực trạng bị thối rễ. Trước hiện tượng này sẽ khiến vòng đời cây ngắn lại, người nông dân chỉ khai thác được khoảng 1/3 vòng đời của quýt.
Trong ngữ cảnh biến đổi khí hậu, anh Lưu Văn Tín cũng lo lắng đến năng suất sản phẩm. Theo anh Tín, nếu cây gặp phải nhiệt độ cao trên 350C lúc cho trái cây sẽ bị rụng trái non. Hiện tượng này cũng dễ nhận thấy khi thời tiết khô hạn diễn ra ngày một gay gắt hơn...
Với những hạn chế mà quýt hồng đang gặp phải, nếu chậm đề ra những giải pháp khắc phục, thiếu đoàn kết trong bối cảnh hội nhập sẽ là áp lực cho nông sản địa phương thua ngay trên sân nhà. Đây là điều mà bà Trương Thị Nên - Phó Chủ tịch UBND huyện Lai Vung trăn trở đối với nông sản thế mạnh của huyện - quýt hồng Lai Vung.
Theo http://baodongthap.com.vn/newsdetails/1D3FE18A8B9/Tran_tro_voi_quyt_hong_Lai_Vung.aspx
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin