Cà Mau có bờ biển dài với 254km và nhiều cửa sông lớn ăn thông ra biển. Thời gian qua, tuy được kinh phí nhà nước đầu tư nạo vét, xây dựng khu neo tránh bão và bến cá nhằm tạo thuận lợi cho ngư dân ra khơi đánh bắt, nhưng gần đây, nhiều cửa biển bị bồi lắng nhanh khiến ngư dân khó ra khơi…
Cà Mau có bờ biển dài với 254km và nhiều cửa sông lớn ăn thông ra biển. Thời gian qua, tuy được kinh phí nhà nước đầu tư nạo vét, xây dựng khu neo tránh bão và bến cá nhằm tạo thuận lợi cho ngư dân ra khơi đánh bắt, nhưng gần đây, nhiều cửa biển bị bồi lắng nhanh khiến ngư dân khó ra khơi…
Cửa biển Khánh Hội bị bồi lắng nên “giam lỏng” nhiều tàu công suất lớn ra khơi |
Phải neo tàu nơi khác
Thường cho tàu vào bờ neo đậu tại cửa biển vàm Ba Tỉnh ở xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, nhưng hiện nay ông Phạm Văn Dũng (chủ tàu cá CM 01012 TS), phải đưa tàu xuống cửa Đá Bạc neo đậu.
Nói về nguyên nhân này, ông Dũng giải thích: “Hiện tại vàm Ba Tỉnh bị bồi lắng lắm rồi, con nước thật lớn mới ra vào được, gặp nước ròng thì bó tay. Nhiều ghe tàu ra vào cửa biển này mắc cạn hoài. Trước đây, khi đánh bắt về tôi thường đưa tàu vào cửa vàm Ba Tỉnh đậu vì gần nhà. Nhưng giờ phải chạy tàu xuống vàm Đá Bạc đậu, rồi lo cắt cử người canh giữ tàu nên bất tiện vô cùng”.
Là một trong những người có tàu bị mắc cạn tại vàm Ba Tỉnh, ông Nguyễn Chí Linh (ngụ huyện Trần Văn Thời) nhớ lại: “Cách đây chừng 2 tháng, sau chuyến ra khơi khai thác thủy, hải sản về, tôi cho tàu vào cửa biển này đậu nhưng không ngờ tàu bị mắc cạn, lại gặp lúc sóng lớn đánh nước tràn vào làm tàu bị chìm. Lần đó thiệt hại hàng chục triệu đồng”.
Ông Diệp Thanh Tuấn, cán bộ nông nghiệp - thủy sản xã Khánh Hội, huyện U Minh, cho biết: Xã có hơn 360 phương tiện khai thác biển. Tuy nhiên, do tình trạng bồi lắng cửa biển ngày càng nghiêm trọng nên ghe, tàu lần lượt bỏ đi nơi khác neo đậu khiến việc kinh doanh hậu cần nghề cá bấp bênh.
Trước thực trạng đó, UBND xã Khánh Hội đã kiến nghị đến các ngành chức năng sớm nạo vét cửa biển để tạo thuận lợi, an toàn cho tàu ghe ra vào, làm “sống” lại dịch vụ hậu cần nghề cá nơi đây.
Cửa biển Sông Đốc là một trong những cửa biển nhộn nhịp nhất miền Tây, tập trung rất nhiều tàu thuyền công suất lớn từ các nơi về đây neo đậu. Tuy nhiên, do bị bồi lắng nên lúc thủy triều xuống thấp thì các tàu đánh cá lớn không thể ra khơi.
Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Duy Đông (chủ tàu lưới ghê) nói: “Cửa biển Sông Đốc hiện nay cạn lắm rồi. Ngư dân muốn ra khơi phải đợi con nước lên cao mới ra được, do đó việc đi biển luôn bị động và thường xuyên gặp khó khăn”.
Kiến nghị sớm nạo vét
Tỉnh Cà Mau nằm ở cực Nam Tổ quốc, có 254km bờ biển với hệ thống sông ngòi chằng chịt, hơn 30 cửa sông ăn thông ra biển. Với lợi thế nằm gần ngư trường biển Tây rộng lớn nên các cửa biển trên địa bàn đã trở thành nơi thu hút rất đông các tàu ghe đánh cá của ngư dân địa phương và các tỉnh khác ra vào.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, thời gian qua từ nguồn vốn địa phương và sự hỗ trợ vốn của Trung ương, đã có 8 cửa biển được đầu tư thành khu neo đậu tránh, trú bão kết hợp với cảng cá.
Việc này đã tạo thuận lợi cho ngư dân ra khơi đánh bắt cũng như có chỗ đậu tránh, trú bão an toàn những khi biển động. Tuy nhiên, thời gian gần đây với tác động của biến đổi khí hậu khiến lượng phù sa bồi lắng nhanh, các tàu thuyền công suất lớn ra vào các cửa biển này gần như bị “giam lỏng”.
Trước nhu cầu bức thiết của ngư dân và tình hình thực tế của địa phương, UBND tỉnh Cà Mau đã kiến nghị Trung ương đầu tư nạo vét và nâng cấp các cửa biển như Khánh Hội (phục vụ tàu đánh bắt xa bờ có công suất 200CV), cửa Sông Đốc (phục vụ tàu cá công suất đến 600CV), Rạch Gốc (phục vụ công suất 400CV), Cái Đôi Vàm (tàu cá 150CV)… được ra vào thuận lợi. Dự kiến, tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ năm 2016 đến 2020.
|
Theo http://www.sggp.org.vn/thongtincanuoc/DBCuuLong/2016/2/412471/
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin