Du lịch và thưởng thức văn hóa ẩm thực ngày nay không khó lắm khi chỉ cần gõ lên mạng là đầy thông tin; nhưng cũng dễ bị… nhiễu loạn.
Thưởng thức tiệc chả cá Lã Vọng tại nhà hàng 14 phố Chả Cá- Hàng Bồ, Hoàn Kiếm (Hà Nội). |
(VLO) Du lịch và thưởng thức văn hóa ẩm thực ngày nay không khó lắm khi chỉ cần gõ lên mạng là đầy thông tin; nhưng cũng dễ bị… nhiễu loạn.
Nhất là hơn cả chuyện…ăn, thực khách muốn cảm nhận sự tinh túy, cái phần cốt lõi văn hóa, lịch sử của một món ăn. Tin tưởng vào “thổ địa” chính gốc Hà Nội chúng tôi chọn nhà hàng 14 phố Chả Cá- Hàng Bồ, Hoàn Kiếm (Hà Nội).
Thêm niềm tin từ “kênh” một bác chạy taxi là cán bộ hưu trí chạy xe cốt để rèn luyện sức khỏe và niềm vui giết thời gian, giới thiệu văn hóa Hà thành với du khách phương xa.
Suốt buổi chiều hôm trước đưa chúng tôi loanh quanh Hồ Tây, bác ấy nhiệt tình thuyết minh đủ chuyện văn hóa, lịch sử đổi thay, thời sự, ngang qua phố Chả Cá bác ấy khẳng định đây mới chính là nơi khai sinh ra món chả cá Lã Vọng nức danh từ hơn trăm năm trước.
Đó là căn nhà cổ kính mang dáng dấp kiến trúc phối trộn Pháp- Việt, phía dưới mái nhà tầng 2 có bức hoành phi “Bách hợp” đôi bên còn lưu giữ 2 câu đối Hán cổ.
Bước vào bên trong, trần nhà vẫn còn giữ nguyên những sàn gỗ phía trên đã cũ kỹ nhuốm màu thời gian, nhưng nội thất đã được trang trí bày biện mới mà không quá cầu kỳ hào nhoáng vẫn giữ tông màu trầm mặc, cổ kính, mấy bức tranh sơn dầu hiện đại mà không lạc điệu, phá vỡ không gian chủ đạo.
Một bước… dạo đầu hoàn hảo cho trải nghiệm ẩm thực thêm chút khiêu khích sự tò mò, tưởng tượng về hoàn cảnh ra đời của một món ăn.
Người miền trong ra, cũng nên hiểu nghĩa “nem, chả” ngoài này trong một số trường hợp có khác với từ chỉ món ăn trong Nam. Nem chả trong từ Việt cổ có nghĩa là “khoái trá” chỉ sự sung sướng, sự thỏa mãn khi thưởng thức ẩm thực như trong câu “Ông ăn chả, bà ăn nem” vậy.
Do đó, món chả cá Lã Vọng là nguyên liệu thịt phi lê cá lăng rút sạch xương dăm, xắt thành từng miếng dày to bản được nhà hàng tẩm ướp theo công thức gia truyền của dòng họ Đoàn từ hơn trăm năm trước, được biết là các gia vị riềng, nghệ, tiêu, cơm mẻ và nước mắm sau khoảng 2 tiếng đồng hồ mới nướng trên bếp than hoa cho thịt cá vừa chuyển màu vàng ruộm bày ra cho thực khách.
Bếp lửa bày giữa bàn và chảo dầu, khách ăn tới đâu thì cho cá vào đảo sơ tới đó cho giữ độ nóng, một tô đầy rau thìa là và hành xắt nhỏ.
Tùy từng người cho rau vào vừa tái sơ là gắp ra chén ăn với bún chan tí mắm tôm, đậu phộng rang và rau mùi.
Ban đầu sẽ có một nhân viên ra chào hỏi và giúp những thực khách lần đầu mới đến, vừa thao tác vừa diễn giải cách ăn rồi anh cũng tranh thủ đưa vào một câu thiệt đắt: “Ai đã sáng tạo ra món chả cá Lã Vọng này quả là một bậc thầy ẩm thực”.
Đó là câu nói không quá lời, khi chả cá Lã Vọng có thể trấn danh giữa xứ Hà thành có lịch sử ngàn năm văn hiến.
Món ăn không quá đắt đỏ kiểu “cao lương mỹ vị”, nhưng cũng không phải bình dân tầm thường, mà nó đòi hỏi sự cầu kỳ chế biến công phu và đòi hỏi sự thưởng thức từ tốn để lắng nghe những hương vị tinh tế của từng nguyên liệu.
Miếng thịt cá lăng căng phồng hơi dai mềm mà không bở, thấm đẫm gia vị mà không quá đậm đà đến nỗi lấn át hương vị tươi ngon của thịt cá lăng tươi, mùi rau thìa là, hành lá hòa quyện và đậm đà hơi hướm của mắm tôm dậy hương cả chén bún, những hạt đậu phộng rang bùi ngận; khi vị giác chưa kịp tan đi sự… khoái trá thì bồi tiếp vài lá rau mùi nhấm nháp, thêm tép tỏi ngâm nồng nồng chua chua, cuối cùng chốt hạ bằng… nhát cắn thiệt sâu trái ớt chỉ thiên cay xé đầu lưỡi đẩy đến tận cùng những cung bậc cảm xúc của sự khoái khẩu.
Chúng tôi 4 người nhưng chỉ gọi 3 phần, không phải vì tiết kiệm mà muốn tạo thêm chút thiêu thiếu, cũng là đôi chút học đòi cái sự thưởng thức tao nhã theo kiểu… cốt cách “văn nhân, kẻ sĩ” khi thưởng thức văn hóa ẩm thực Hà thành.
Để còn đọng lại chút nhơ nhớ, chút thòm thèm, để sẽ lại tìm đến 14 phố Chả Cá Lã Vọng, mỗi lần sau này được ra thăm Hà Nội.
Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin