Đặc sản miền Tây nổi tiếng với nhiều món ngon dân dã, mang đậm hương vị vùng sông nước như lẩu mắm, vịt nấu chao, ốc nướng tiêu xanh, chuột đồng, khô nhái - "vũ nữ chân dài",…
Đặc sản miền Tây nổi tiếng với nhiều món ngon dân dã, mang đậm hương vị vùng sông nước như lẩu mắm, vịt nấu chao, ốc nướng tiêu xanh, chuột đồng, khô nhái - “vũ nữ chân dài”,…
Lẩu mắm được chế biến bởi những sản vật đa dạng từ thịt, hải sản đến các loại rau củ đủ sắc màu, mùi vị thể hiện cho sự trù phú, đa dạng vùng sông nước miền Tây (Ảnh: Nguyễn Thùy Dương). |
Lẩu mắm miền Tây
Nhắc đến đặc sản miền Tây không thể không kể tới món lẩu mắm. Đặc biệt vào mùa nước nổi, lẩu mắm càng trở nên thơm ngon, hấp dẫn thực khách.
Ở miền Tây, nguyên liệu chính để làm nên món lẩu mắm ngon là phần nước lèo chế biến từ mắm cá linh, cá sặc. Mắm ở vùng đất này rất đa dạng nhưng người dân địa phương thường chọn mắm cá linh và mắm cá sặc bởi vì thịt cá ngọt, xương mềm.
Mắm được cho vào nước dừa tươi và đun đến khi thịt rã, sau đó lọc lấy nước, bỏ xương. Sau đó, người ta cho thêm thịt ba chỉ xào sơ, nước hầm xương vào phần nước dùng này để làm thành nước lèo của lẩu mắm, giúp tăng độ đậm đà, béo ngậy và dậy mùi thơm.
Ngoài nước lèo, điểm nhấn của món lẩu mắm còn nằm ở các nguyên liệu ăn kèm. Tùy sở thích, khẩu vị của từng người, từng địa phương mà người ta có thể ăn lẩu mắm cùng các loại hải sản như lươn, cá lóc, cá basa, mực, cá kèo… Bên cạnh đó là các loại rau đặc trưng của vùng sông nước miền Tây như bông điên điển, bông so đũa, rau muống, bắp chuối bào, bông súng, rau nhút…
Vịt nấu chao
Vịt nấu chao cũng là một trong những đặc sản được yêu thích tại miền Tây, trong đó nổi tiếng nhất là ở Cần Thơ. Món ăn này từng được bình chọn "Top 100 món ăn đặc sản Việt Nam (2020-2021) do Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố.
Nguyên liệu chính của món ăn này là vịt xiêm. Loại vịt này thịt chắc, ít mỡ nên khi chế biến không bị ngấy. Tuy nhiên, để làm vịt nấu chao chuẩn vị nhất, người đầu bếp phải đảm bảo vịt được làm sạch, khử mùi hôi. Sau đó, đem ướp thịt vịt với các gia vị, trong đó không thể thiếu chao – loại đậu phụ lên men đặc trưng ở miền Tây.
Trải qua quá trình chế biến tỉ mỉ, tẩm ướp đúng vị, món vịt nấu chao có hương vị béo ngậy, đậm đà, dậy mùi thơm đặc trưng rất hấp dẫn (Ảnh: Nguyen Thanh Thanh). |
Vịt nấu chao sau khi nấu xong sẽ được ăn như một món lẩu nên có thể nhúng kèm các loại rau. Khi thưởng thức, thực khách cảm nhận được độ mềm, đậm đà của thịt vịt, mùi thơm nồng của chao và nước dùng ngọt thanh, bùi bùi từ khoai môn,…
Ốc nướng tiêu xanh
Vào mùa nước nổi, ốc nướng tiêu xanh lại trở thành món ngon được "săn lùng" nhất ở miền Tây. Thời điểm này, ốc ngon và béo, chắc mẩy nhất nên được người dân bắt về, đem chế biến thành các món ăn hấp dẫn.
Ốc nướng tiêu xanh có độ giòn sần sật, không còn tanh nhờ hòa quyện với vị cay của tiêu, vị đậm đà của các gia vị khác (Ảnh: Cồn Tộc). |
Ốc sau khi bắt về được rửa sạch, tẩm ướp gia vị, trong đó có tiêu xanh rồi đem nướng trên bếp than. Tuy được chế biến đơn giản, nhanh chóng song món ăn này lại giữ được trọn vẹn hương vị của những con ốc tươi ngon.
Món ốc nướng này thưởng thức cùng nước chấm chua cay nên càng hấp dẫn, trở thành món nhậu khoái khẩu của cánh mày râu.
Chuột đồng
Thịt chuột đồng là một trong những món ăn được ưa chuộng ở miền Tây, nhất là vào mùa thu hoạch lúa hoặc mùa nước nổi. Do loại chuột này chủ yếu ăn lúa và các loại cây mầm non nên thịt của chúng rất thơm.
Vào mùa, người miền Tây lại ra đồng săn bắt chuột rồi đem về sơ chế theo nhiều cách, trong đó phổ biến nhất là hun khói hoặc trụng qua nước sôi, sau đó làm sạch và rửa với muối, rượu để loại bỏ mùi hôi.
Thịt chuột đồng dai, thơm, thấm đều gia vị, kích thích vị giác. Nhiều thực khách lần đầu thưởng thức món ăn này còn cảm thấy dè chừng nhưng khi đã quen lại thấy ấn tượng, thích thú (Ảnh: Internet). |
Chuột đồng sau khi làm sạch được chế biến thành nhiều món ngon như nướng muối ớt, quay lu, khìa nước dừa, xào sả ớt, giả cầy, chiên giòn, xào lăn...Hiện ở miền Tây, các món ngon từ chuột đồng cũng xuất hiện trong thực đơn tại một số nhà hàng, điểm du lịch, quán nhậu và trở thành đặc sản dân dã được đông đảo thực khách gần xa yêu thích.
Khô nhái
Không chỉ là món ăn hấp dẫn, khô nhái miền Tây còn gây ấn tượng mạnh với du khách bởi tên gọi lạ tai - "vũ nữ chân dài".
Theo người dân địa phương, món khô nhái có nguồn gốc từ Campuchia, được du nhập vào An Giang rồi lan rộng sang các tỉnh thành miền Tây khác. Dần dần, món ăn này cũng được biến tấu cho phù hợp với khẩu vị của người Việt và trở thành một trong những đặc sản mà thực khách nhất định phải thử khi du lịch miền Tây.
Cái ngon của khô nhái chính là xương nhỏ, nhai giòn rụm, thơm thơm, thịt ngọt, hấp dẫn từ người lớn đến trẻ nhỏ (Ảnh: Uyen Thanh Mai). |
Để làm món khô nhái ngon đòi hỏi quy trình chế biến khá kỳ công. Người ta phải chặt bỏ đầu, lột da, mổ bụng, lấy hết ruột ra, rửa sạch cẩn thận rồi đem ướp muối, tiêu và ớt. Chờ nguyên liệu thấm đều các gia vị thì mang phơi.Khô nhái được chế biến thành nhiều món ngon như khô nhái chiên giòn, khô nhái khìa nước mắm…
Canh chua cá linh bông điên điển
Canh chua cá linh bông điên điển là một món ăn dân dã của vùng sông nước miền Tây. Nhưng hương vị đặc biệt nhờ kết hợp của cá linh và bông điên điển có vào mùa nước nổi. Các chị em hãy vào bếp nấu món canh chua đặc trưng này cho cả nhà thưởng thức nhé.
Loạt đặc sản ngon nức tiếng ở miền Tây - Ảnh 8. |
Chắc chắn mọi người sẽ thích thú với món ngon này và sẽ rất hao cơm nhất là những ngày mưa. Cá linh là loại cá chỉ xuất hiện vào mùa nước lũ ở các tỉnh mùa Tây Nam Bộ. Loại cá này rất giàu protein, lipid, sắt, canxi, các loại vitamin A, B1, B2…
Theo Đông y, cá này có tác dụng giảm ho, thanh thấp nhiệt và dưỡng đường huyết. Canh chua cá linh nấu cùng điên điển trị sỏi thận, sỏi mật và nhiệt miệng.
Bún nước lèo Sóc Trăng
Hương vị bún nước lèo ở Sóc Trăng khác hẳn với những nơi khác, bởi đó là sự kết hợp hài hòa nguyên liệu và cách chế biến thức ăn của người dân địa phương. Tinh túy của món ăn này chính là nước lèo - loại súp được chế biến từ sự hòa quyện giữa mắm, sả và ngải bún (loại củ giống củ nghệ, nhưng nhỏ hơn và có màu vàng đậm hơn).
Mắm thường dùng là những loại sẵn có tại địa phương như: mắm cá sặc, cá lóc…; riêng người Khmer thường nấu bằng mắm bò hóc… Còn ngải bún, sả dùng để khử mùi tanh và tạo hương thơm đặc biệt cho nước lèo. Tuy nhiên, để có thể nấu được nồi nước lèo vừa ngon vừa thơm, nhà bếp thường kết hợp nhiều loại mắm, trong đó có đặc sản mắm bò hóc của người Khmer và cá mắm địa phương của người Nam Bộ trong một quy trình nấu khá phức tạp.
Mắm được xử lý riêng, nấu chín và chỉ lọc lấy nước trong. Sau đó, nước dùng này được nấu cùng với sả và ngải bún trong khoảng thời gian mà người nấu cảm nhận được sự hòa quyện hương vị. Sau đó, người nấu cho thêm nước dừa vào để nước lèo thêm ngọt và trong. Dùng nước dừa trong các loại súp là phương thức nấu ăn quen thuộc của người Kinh ở Tây Nam Bộ. Nhờ đó, nước lèo có hương vị riêng, thơm và trong hơn bún mắm.
Nguyên liệu ăn kèm bún nước lèo cũng được chế biến khá kỳ công, trong đó có ba phần chính là cá lóc đồng được luộc, tách thịt, bỏ xương; tép đất luộc chín bỏ vỏ và thịt heo quay xắt miếng - món ăn quen thuộc của người Hoa. Lớp da giòn, béo ngậy và mùi ngũ vị hương trong thịt heo quay làm cho món bún nước lèo thêm hấp dẫn.
Bên cạnh đó, bún nước lèo còn ăn kèm với nhiều loại rau như giá, hẹ, rau muống bào, bắp chuối bào, rau thơm, rau răm làm tròn hương vị. Khi thưởng thức, thực khách có thể thêm chút chanh, ớt, nước mắm cho thêm đậm đà.
Có thể nói, bún nước lèo Sóc Trăng rất dễ làm xiêu lòng những thực khách sành ăn. Tại Sóc Trăng, không khó để kiếm những quán bún nước lèo ngon như: Cá Đồng, Cây Nhãn, Thảo - Phú Lợi, cô Hạnh, bà Xím…
Theo NS/NLĐO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin