Đến đảo Ngọc Phú Quốc, ngoài các món hải sản tươi sống, có một món ăn mà bất cứ ai cũng không nên bỏ lỡ, đó chính là bún quậy.
Đến đảo Ngọc Phú Quốc, ngoài các món hải sản tươi sống, có một món ăn mà bất cứ ai cũng không nên bỏ lỡ, đó chính là bún quậy.
Phần lớn các du khách, hay chính nhiều người dân bản xứ, không phải ai cũng biết chính xác nguồn gốc cũng như cách thức chế biến ra một tô bún quậy ngon đúng điệu.
Tô bún quậy nguyên bản tại một quán ăn thuộc xóm chài Trần Phú |
Nguồn gốc món bún quậy
Bún quậy Phú Quốc ngày nay có nguồn gốc từ món bún tôm Bình Định. Hơn 40 năm trước một số người dân từ Phù Mỹ, Bình Định di cư đến Phú Quốc khai hoang lập ấp và họ mang theo món bún tôm Bình Định đến với đảo Ngọc.
Những ngày đầu, chỉ có một số ít hộ kinh doanh món ăn này để phục vụ cư dân trong xóm và ngư dân khu vực gần đó. Các quán không có biển hiệu, địa điểm đầu tiên tại xóm chài Trần Phú ngày nay.
Vì sao lại gọi là bún quậy?
Có nhiều bài viết giải thích nguồn gốc từ bún quậy khác nhau, nhưng theo chia sẻ của ông Dư, một trong những người đầu tiên chế biến món ăn này kinh doanh phục vụ người dân tại Phú Quốc hơn 20 năm trước cho biết: Sở dĩ người ta gọi “bún quậy” là do cách chế biến món ăn này.
Thịt tôm giã nhuyễn được phết vào tô, sau đó nêm nước dùng nóng và quậy lên cho tôm chín và tan vào nước dùng. Cũng không biết chính xác từ khi nào, người dân sống ở Phú Quốc cứ thế truyền miệng nhau gọi là “bún quậy”.
Một trong những hộ đầu tiên sử dụng tên bún quậy chính là hộ bà Thu với tên gọi bún quậy Kiến Xây. Và sau này, có thêm rất nhiều thương hiệu bún quậy nữa ra đời như Thanh Hùng, Bình Dung, Cây Xanh, Hải Ngân…
Bún quậy nguyên bản có gì?
Ngày nay món bún quậy đã được nhiều quán biến tấu với những công thức khác nhau, tạo nên sự đa dạng cho món ăn, từ nước dùng cho đến các nguyên liệu để làm ra một tô bún hoàn chỉnh phục vụ thực khách.
Nồi nước dùng được ninh từ bột gạo |
Những tô bún quậy ở nhiều quán hiện nay, hầu hết đều có chả tôm, chả cá, mực, thậm chí cả thịt bò. Nước dùng cũng được chế biến và nêm nếm nhiều loại gia vị khác nhau.
Một tô bún quậy nguyên bản sẽ chỉ có bún, thịt tôm được giã nhuyễn, rau gia vị (hành, rau mùi) và gia vị gồm tiêu xay, muối, bột ngọt, ớt, chanh hoặc tắc (quả quất) bỏ thêm khi ăn. Nước dùng được ninh từ bột gạo xay nguyên chất hoặc nước luộc bún tươi.
Cách chế biến một tô bún quậy nguyên bản ngon đúng điệu theo chia sẻ của một trong những người bán bún quậy lâu đời nhất tại Phú Quốc
Chuẩn bị nguyên liệu:
Đầu tiên là nước dùng, nước dùng được ninh từ bột gạo xay nguyên chất, hoặc nước luộc bún tươi, không nêm nếm gia vị để đảm bảo được vị thanh mát.
Giã tôm bằng chày và cối đá |
Thứ hai là bún, ngon nhất vẫn phải là bún tươi sợi nhỏ, ăn có độ mềm, mát và hương vị trọn vẹn của gạo. Bún được làm tại chỗ, khách đặt tới đâu làm tới đó, sợi bún tươi phải ăn ngay, không để nguội, để lâu, đảm bảo độ dai và không bị chua.
Thứ ba là tôm, tôm phải là tôm biển tươi, được bóc vỏ, làm sạch, sau đó dùng cối đá và chầy giã nhuyễn, dùng luôn sau khi giã để đảm bảo được độ tươi, dẻo và ngọt thịt.
Thứ tư là gia vị, gia vị gồm có bột canh, bột ngọt, hạt nêm, tiêu, rau gia vị, chanh, ớt.
Chế biến
Phết thịt tôm vào tô, dùng thìa tán mỏng, nêm nếm gia vị, sau đó chan nước dùng nóng hổi vào, vừa chan từ từ, vừa dùng đũa quậy đều cho tôm và gia vị tan trong nước dùng. Sau đó cho bún và rau gia vị vào tô.
Tôm giã nhuyễn được quấy đều, tan trong nước dùng |
Khi ăn có thể rắc thêm chút tiêu xay, cho thêm ớt, vắt thêm chanh hoặc tắc (quả quất), tuỳ khẩu vị mỗi người./.
Theo CTV Đạt Nguyễn/VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin