Sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh

Cải tiến, nâng cấp: để "tốt gỗ", tốt cả "nước sơn"

Cập nhật, 05:57, Thứ Năm, 31/05/2018 (GMT+7)

Từ những cơ sở nhỏ “mần nhà”, sản phẩm chỉ tiêu thụ ở quanh xóm, nhưng sau khi chú trọng đầu tư cải thiện mẫu mã chất lượng sản phẩm, nhiều cơ sở, DN không chỉ mở rộng thị trường tiêu thụ mà còn đạt được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu cấp tỉnh.

Đây là danh hiệu thể hiện sự nỗ lực cố gắng của cơ sở, doanh nghiệp (DN) trước thời buổi kinh tế cạnh tranh gay gắt như hiện nay.

Đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã khẳng định vị thế của mình.
Đạt chứng nhận sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, nhiều cơ sở, doanh nghiệp đã khẳng định vị thế của mình.

Nâng chất, nâng tầm

Năm nay có 24 sản phẩm của 20 cơ sở CNNT đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu. Qua kết quả bình chọn đã có 19 sản phẩm đạt chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018.

Trong đó, có đến 16 sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm chế biến nông lâm thủy sản và thực phẩm.

Qua đó cho thấy, các cơ sở sản xuất kinh doanh các mặt hàng thực phẩm đã chú trọng tự “nâng cấp” hơn, về chất lượng lẫn mẫu mã sản phẩm để có thể trụ vững trên thị trường và vươn xa hơn.

Ông Nguyễn Thanh Khiển- Chủ hộ kinh doanh sản xuất bánh Đại Dương (TP Vĩnh Long)- 1 trong 16 cơ sở đạt chứng nhận đã cho biết:

“Trước đây, chủ yếu là sản xuất thủ công, nhưng hiện nay cơ sở đã mạnh dạn đầu tư máy móc thiết bị mới để rút ngắn thời gian sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, giúp cơ sở mở rộng thị trường hơn”.

Là cơ sở đi lên từ nghề truyền thống 3 đời của gia đình, anh Trần Thanh Trung- chủ hộ kinh doanh- cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Bích (xã Trung Hiếu- Vũng Liêm) cho hay:

“Muốn đứng vững và phát triển hơn thì bắt buộc phải cải tiến, nâng chất lượng lên chứ không thể giậm chân tại chỗ, chỉ sản xuất theo phương thức truyền thống.

Nên tôi đổi cách thức sản xuất mới, không ngừng nghiên cứu tạo ra sản phẩm mới, cải tiến mẫu mã sao cho đẹp mắt hơn, quan trọng nhất là chất lượng phải đảm bảo, đồng đều, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Có như vậy mới tiến xa hơn được. Hơn nữa đây là nghề truyền thống của gia đình nên tôi càng phải giữ gìn và phát huy hơn”.

Nhờ đổi mới tư tưởng sản xuất, không đi theo lối mòn mà hiện nay sản phẩm cốm gạo- cốm nếp Ngọc Bích ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng nhiều hơn, ngoài thị trường trong tỉnh, sản phẩm còn được tiêu thụ ở Trà Vinh, Bến Tre, Cần Thơ…, với sản lượng trên 1,2 tấn/tháng.

Anh Nguyễn Văn Sol- Giám đốc Công ty Mỹ thuật Tây Long (xã Phước Hậu- Long Hồ) vui mừng khi lần đầu tiên tham gia bình chọn và đạt được chứng nhận.

Anh chia sẻ: “Đây không chỉ là danh hiệu mà còn thể hiện quá trình phấn đấu của cơ sở. Từ đó, là nguồn động lực giúp DN vững chân bước tiếp. Đây là cơ hội tốt để DN quảng bá sản phẩm đến với thị trường”.

Nỗ lực của cơ sở, DN

Nhờ đầu tư máy móc thiết bị, nâng chất lượng, cải tiến mẫu mã, sản phẩm của nhiều cơ sở đã mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Nhờ đầu tư máy móc thiết bị, nâng chất lượng, cải tiến mẫu mã, sản phẩm của nhiều cơ sở đã mở rộng thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Hiện nay, nhiều cơ sở sản xuất công nghiệp tiểu thủ công nghiệp đã quan tâm đầu tư đổi mới cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm, để vừa “tốt gỗ lẫn tốt nước sơn”, qua đó, tăng năng lực cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Nếu như trước đây, nhiều cơ sở chia sẻ, chỉ sản xuất theo cách truyền thống, người trong nhà làm, thị trường tiêu thụ luẩn quẩn trong xóm, trong xã hoặc xa hơn là đến chợ tỉnh, thì hiện nay không chỉ “nở” thị trường trong tỉnh mà còn vươn ra thị trường ngoài tỉnh ngày càng nhiều.

Nhiều cơ sở còn tiếp tục đầu tư, phát huy hơn nữa để có thể nâng cao sức cạnh tranh. Để tiếp cận nhiều phân khúc thị trường, anh Trần Thanh Trung còn làm ra dòng sản phẩm cao cấp, phấn đấu đưa sản phẩm đến các kênh phân phối hiện đại, tiếp cận đa dạng tầng lớp người tiêu dùng hơn.

Anh chia sẻ: “Bên cạnh làm ra các dòng sản phẩm bình dân với giá cả phải chăng nhưng vẫn đảm bảo chất lượng an toàn cho người tiêu dùng, tôi còn muốn tiếp cận nhiều phân khúc thị trường hơn để đáp ứng thị hiếu nhu cầu của người tiêu dùng.

Quan trọng phải tạo được uy tín cho người tiêu dùng có như vậy mới cạnh tranh nổi với các loại bánh ngoại nhập hiện nay. Hiện, cơ sở cũng đã liên hệ làm thủ tục với hệ thống Siêu thị Co.opmart để đưa sản phẩm vào siêu thị”.

Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết: Việc tổ chức bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng, góp phần giúp cơ sở, DN mở rộng thị trường, tăng khả năng cạnh tranh, từ đó khuyến khích các đơn vị đầu tư mở rộng và phát triển sản xuất.

Tuy nhiên, theo hội đồng bình chọn, vẫn còn không ít sản phẩm CNNT cũng cần khắc phục hạn chế, nhất là trong việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, mẫu mã, bao bì.

Ông Trần Hoàng Tựu- Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- cho biết: Bên cạnh những cơ sở đã chú trọng nâng chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã vẫn còn không ít cơ sở chưa chú trọng nâng chất. Do đó, cơ sở DN muốn đứng vững trên thị trường cần phải mạnh dạn thay đổi tư duy, tự cải tiến mình và luôn tự hoàn thiện mình, có chiến lược kinh doanh phù hợp hoàn cảnh, cần phải thay đổi để tiến xa hơn.

Qua kết quả bình chọn sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh năm 2018, Hội đồng xét chọn 7 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu, có thế mạnh đăng ký tham gia bình chọn cấp khu vực phía Nam tại tỉnh Đồng Tháp gồm: Bánh canh gạo (Hộ kinh doanh- cơ sở sản xuất Ba Khánh), khoai lang sấy (Cơ sở sản xuất kẹo mứt Hồng Phúc), cốm gạo, cốm nếp (Hộ kinh doanh- cơ sở sản xuất bánh kẹo Ngọc Bích), nước mắm cá cơm Hòa Hiệp 60 độ đạm (chi nhánh Cơ sở sản xuất nước chấm Hòa Hiệp), kẹo bơ đậu phộng sầu riêng (chi nhánh Công ty TNHH Sơn Hải Vĩnh Long), bột gạo miền Tây (Công ty TNHH 1TV Bột mì Đại Nam), bột bánh xèo Hương Quê (Công ty TNHH liên doanh bột Sài Gòn).

Bài, ảnh: THẢO LY